Tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Theo bác sĩ Trịnh Thị Huyền - Viện Dinh dưỡng quốc gia, ngày Tết, gia đình nào cũng chuẩn bị rất nhiều đồ ăn thức uống giàu năng lượng như bánh kẹo, nước ngọt, bánh chưng, đồ ăn chiên rán, đồ chế biến sẵn, cùng với việc di chuyển nhiều, giờ giấc sinh hoạt đảo lộn làm cho các bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng vì con trẻ có thể ăn quá nhiều hoặc chưa đủ lượng thức ăn cần thiết. Trong khi đó, hầu như trẻ nào cũng chỉ thích bánh kẹo, các loại đồ uống ngọt, hoặc có gas.
Thực tế, sau mỗi dịp Tết, trẻ đến khám tại Khoa Khám trẻ em - Viện Dinh dưỡng thường rơi vào tình trạng thừa cân béo phì do ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ uống có ga hoặc sụt cân, suy dinh dưỡng do ăn uống thiếu khoa học gây rối loạn tiêu hóa hay ăn ít rau quả gây táo bón.
Để đảm bảo bữa ăn ngày Tết của trẻ đủ dinh dưỡng, bác sĩ Trịnh Thị Huyền lưu ý, các bậc cha mẹ nên cố gắng giữ cho giờ giấc sinh hoạt của trẻ đều đặn, đừng quá chênh lệch so với bình thường, không để trẻ mất bữa. Nên duy trì cho trẻ ngày 3 bữa ăn chính và 2 bữa ăn phụ. Nếu đến bữa ăn của trẻ mà không chuẩn bị kịp đồ ăn thì cho trẻ ăn các món ăn nhẹ thay bữa như bánh flan, uống sữa và các chế phẩm từ sữa, trái cây, các loại hạt, trái cây sấy, ngũ cốc… hoặc có thể cho trẻ ăn trước khi đi chơi, đi chúc Tết.
Cha mẹ chú ý bổ sung đủ rau xanh trong các bữa ăn ngày Tết cho trẻ và cả gia đình hoặc có thể thay thế bằng quả chín trong trường hợp không tiện chế biến.
Cha mẹ cho trẻ ăn những thực phẩm phù hợp với độ tuổi, dễ hấp thu và đảm bảo cân đối 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn, đó là: nhóm bột đường (cơm, cháo, phở, bún, miến, bánh mì…), nhóm chất đạm (thịt, cá trứng, sữa và các chế phẩm sữa…), nhóm chất béo (dầu, mỡ, bơ…) và nhóm vitamin và khoáng chất (rau củ, trái cây…). Đặc biệt nên chú ý bổ sung đủ rau xanh trong các bữa ăn ngày Tết cho cả gia đình hoặc có thể thay thế bằng quả chín trong trường hợp không tiện chế biến.
Đảm bảo các món ăn của trẻ phải được nấu mới, tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm và tăng cảm giác ngon miệng. Cố gắng thay đổi món ăn, đa dạng thực phẩm và cách chế biến cho trẻ. Tránh cho trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo ngọt, uống nước ngọt… Việc sử dụng các thực phẩm giàu đường như bánh, kẹo, nước ngọt... hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe, có nguy cơ tăng cân ở trẻ thừa cân béo phì, với một số trẻ khác lại làm trẻ mất cảm giác ngon miệng nếu ăn gần bữa chính, có thể là nguyên nhân gây nên trẻ bị rối loạn tiêu hóa dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng sau Tết.
Cha mẹ chú ý cho trẻ uống đủ nước, có thể là nước lọc, nước hoa quả ép, hạn chế nước ngọt và đồ uống có ga, đồ uống có tính kích thích như trà, cà phê và không dùng đồ uống có cồn.
Chuẩn bị thực phẩm cho trẻ ngày Tết
Ngày Tết, hầu như các gia đình đều chuẩn bị rất nhiều đồ ăn chế biến sẵn như bánh chưng, bánh tét, giò chả, nem rán, đồ chế biến sẵn… Tuy nhiên, với trẻ nhỏ thì những thức ăn đó lại không phù hợp lắm, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Vậy khi nhà có trẻ nhỏ, các mẹ cần chuẩn bị gì để dễ dàng chế biến thức ăn cho con khi ngày Tết bận rộn?
Theo các chuyên gia, cháo, bún, phở, súp là món ăn dễ làm, giàu dinh dưỡng cho trẻ và phù hợp với nhiều lứa tuổi. Các loại rau củ quả tươi rất cần cho bữa ăn của trẻ, giúp trẻ tránh táo bón và bổ sung thêm các vitamin. Các loại quả chín có thể ăn hoặc ép lấy nước, mang đi cùng rất dễ dàng nếu phải di chuyển nhiều.
Sữa và chế phẩm sữa là loại thực phẩm phù hợp với trẻ nhiều lứa tuổi, có thể mua để dùng khi trẻ ở nhà và mang đi chơi. Bánh flan là loại bánh dễ ăn, giàu năng lượng có thể phù hợp với trẻ nhiều lứa tuổi và cũng rất đa dạng chủng loại cho các bé lựa chọn, dễ mang theo và dự trữ đối với bố mẹ.
Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, những món ăn ngày Tết đa phần đều giàu năng lượng, nhưng thiếu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Ăn nhiều những thực phẩm này có thể khiến trẻ tăng cân, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng thiếu chất, hay còn gọi là suy dinh dưỡng thể ẩn.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) chỉ ra rằng, trẻ em không nên tiêu thụ quá 6 muỗng cà phê đường mỗi ngày. Trong khi đó, một lon nước ngọt, 40-50 gram mứt hay 14 viên kẹo sẽ chứa khoảng 145 kcal, gần bằng một bát cơm. Việc ăn thoải mái bánh, mứt, kẹo hay uống nước ngọt có gas trong dịp Tết không chỉ khiến trẻ bị đầy bụng, bỏ bữa ăn chính, mà còn có nguy cơ gây hại đến sức khỏe và giảm đề kháng vì cơ thể không được cung cấp đủ dưỡng chất.
“Ngày Tết cần hạn chế cho trẻ ăn các loại bánh, kẹo, nước ngọt, mứt, lạp xưởng, thức ăn cũ... Đây là những thực phẩm cung cấp năng lượng rỗng, thiếu vitamin và khoáng chất, ít chất xơ, chứa nhiều muối, đường và có thể không bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài ra, không nên cho trẻ nhỏ ăn các loại hạt dưa, hạt bí, hướng dương... vì dễ gây sặc và hóc” - PGS.TS Lê Bạch Mai khuyến cáo.