Thứ 3, 26/11/2024, 12:14 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Chuyên gia y tế nói về việc cho người dương tính virus SARS-CoV-2 không có triệu chứng cách ly tại nhà

Chuyên gia y tế nói về việc cho người dương tính virus SARS-CoV-2 không có triệu chứng cách ly tại nhà
(Tieudung.vn) - Quyết định cho người dương tính virus SARS-CoV-2 (F0) không có triệu chứng cách ly tại nhà của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang nhận được nhiều sự quan tâm từ phía dư luận. Trong đó, có ý kiến cho rằng, F0 cách ly tại nhà không chỉ giảm tải cho hệ thống bệnh viện mà còn tạo được tâm lý thoải mái hơn cho người bệnh…

Theo ghi nhận, ngành y tế, TP hiện có 6.500 giường điều trị cho bệnh nhân Covid-19 (F0) có triệu chứng (1.200 giường hồi sức bệnh nhân nặng, nguy kịch) và 30.000 giường dành cho bệnh nhân không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ với tổng số gần 20 bệnh viện điều trị Covid-19, bệnh viện dã chiến. Tính đến sáng 13/7, TP đang điều trị 14.396 BN Covid-19 (F0), trong khi số bệnh nhân ở TP vẫn tăng nhanh từng ngày, dẫn đến nguy cơ quá tải nơi cách ly, điều trị tập trung. Trước thực trạng đó, tối ngày 13/7, Sở Y tế TP đã có văn bản khẩn gửi UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) và các đơn vị liên quan về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.

Theo văn bản của Sở Y tế, được sự chấp thuận của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, ngành y tế TP chính thức triển khai thí điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà với 2 nhóm đối tượng.

Thứ nhất là trường hợp không có triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện. Trường hợp xét nghiệm rRT-PCR ngày thứ 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà. Tiếp tục xét nghiệm PCR tại nhà vào ngày 14 và 21.

Thứ hai là F0 không triệu chứng, trường hợp này được thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm, được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1.

Ngay sau quyết định của Sở Y tế TP, nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm ủng hộ từ giới chuyên môn được đưa ra.

Chuyên gia y tế nói về việc cho người dương tính virus SARS-CoV-2 không có triệu chứng cách ly tại nhà

Ngành y tế TP Hồ Chí Minh quyết định thí điểm cách ly F0 tại nhà trong bối cảnh nơi cách ly, điều trị tập trung của TP bị quá tải 

Trả lời câu hỏi về việc mỗi ngày TP phát hiện cả nghìn F0, và sắp tới F0 sẽ được cách ly tại nhà có đáng lo không không? Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, không có gì quá lo lắng vì việc phát hiện ra nhiều F0 trong cộng đồng không đáng sợ, mà chỉ sợ có nhiều F0 trong cộng đồng mà TP không phát hiện ra.

Ủng hộ phương án cách ly F0 tại nhà, tuy nhiên, bác sĩ Khanh nhấn mạnh, cần phải chuẩn bị một đường dây cho F0 khi họ thực hiện cách ly tại nhà. Việc làm này sẽ giúp giải đáp thắc mắc khi bệnh nhân có dấu hiệu bệnh nặng và phối hợp để đưa người bệnh đi nhập viện điều trị khi cần thiết. Bên cạnh đó, cần xem xét áp dụng các phương án theo dõi người cách ly qua các ứng dụng công nghệ.

“Không thể chỉ sử dụng luật pháp để xử lý, ví dụ phạt vài triệu đồng/1 lần vi phạm chỉ có tính chất răn đe. Một khi cho F0 cách ly tại nhà, ngoài ý thức của người bệnh, ngành y tế phải chủ động việc theo dõi, giám sát thông qua các ứng dụng công nghệ. Nếu được, ngành y tế nên thống nhất không có F0 sử dụng điều hoà khi cách ly tại nhà vì vi-rus SAR-CoV-2 có thể lây truyền qua đường thông hơi của điều hòa nhiệt độ. Thay vào đó, hãy mở các cửa, đảm bảo thông thoáng không khí” - bác sĩ Khánh nói.

Ngoài ra, bác sĩ Khanh lưu ý, quy định nhân viên y tế phải xét nghiệm nhiều lần đối với F0 cách ly tại nhà là không cần thiết, có thể giao cho F0 test nhanh để họ tự làm, đến ngày thứ 14 kết thúc cách ly thì làm xét nghiệm RT-PCR. Đặc biệt, cần lưu ý các trường hợp ho, khó thở, dinh dưỡng và xét nghiệm vào ngày thứ 14 với F0 cách ly tại nhà.

“Bệnh nhân trẻ tuổi mắc Covid-19 không có bệnh nền chuyển nặng có tỉ lệ rất thấp, tuy nhiên virus SARS-CoV-2 có thể gây ra hội chứng thiếu ôxy, nhìn bên ngoài khó có thể nhận biết được cho đến khi người bệnh bị thiếu ôxy lâu quá ngã lăn đùng ra. Do đó, nhân viên y tế phải theo dõi sát dấu hiệu thiếu ôxy của bệnh nhân F0 khi họ thực hiện cách ly tại nhà”- bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Khanh, cái quan trọng nhất của cách ly tại nhà là đừng có để lây thêm cho những người trong nhà và đừng lây thêm cho cộng đồng. Còn việc theo dõi sức khỏe cũng giống như người bình thường, không có gì đặc biệt. Nếu trước đây cảm thấy cần đi khám bệnh viện thì bây giờ thay bằng việc báo cho cơ sở y tế.

Đồng quan điểm, TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, quyết định cách ly F0 tại nhà là phù hợp với tình hình thực tế.

“F0 cách ly tại nhà là việc khó nhưng không phải không thể. Chỉ cần F0 biết tự giác trong quá trình cách ly thì sẽ giảm được rất nhiều gánh nặng cho cộng đồng” - bác sĩ Hùng nói.

Bác sĩ Hùng đánh giá, vấn đề lúc này của TP là phải hết sức bình tĩnh, linh hoạt, sáng tạo trong cách ứng phó với dịch bệnh, nhân dân không lơ là chủ quan thì không có gì phải quá lo sợ. Với F0 cách ly ngoài bệnh viện, quan trọng nhất là được đánh giá diễn biến sức khỏe, đặc biệt trong thời điểm ngày thứ 7 - 10. Có thể hướng dẫn cho F0 và người chăm sóc, người của địa phương theo dõi F0 trong quá trình cách ly.

Chuyên gia y tế nói về việc cho người dương tính virus SARS-CoV-2 không có triệu chứng cách ly tại nhà

TP Hồ Chí Minh hiện đang là địa phương có số ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước với 17.000 người

“Liệu pháp tâm lý cho bệnh nhân Covid-19 hết sức quan trọng, góp phần giảm tỉ lệ tử vong rất nhiều. Khi cách ly tại nhà, nhân viên y tế cần hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh tuân thủ các nguyên tắc theo dõi và điều trị chung như nghỉ ngơi tại giường, vệ sinh mũi họng, giữ ấm, uống đủ nước, đảm bảo dinh dưỡng, nâng cao thể trạng và bổ sung vitamin. Những trường hợp F0 có thể tự theo dõi sức khỏe, tự hết bệnh hiện nay lên tới 60-70% và con số đó không phải không tính được” -  bác sĩ Hùng nói thêm.

Đặc biệt, bác sĩ Hùng nhấn mạnh, cần phải phân biệt rõ khái niệm những người có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng với bệnh nhân Covid-19. Những người có kết quả dương tính chỉ là tiềm năng có thể trở thành người bệnh chứ chưa phải là bệnh nhân Covid-19. Trên cơ sở này, bác sĩ Hùng đánh giá cao việc Sở Y tế phân loại F0 thành 2 đối tượng để có những phương thức cách ly tại nhà phù hợp cho từng đối tượng cụ thể.

“Quan trọng nhất là việc cách ly phải đảm bảo tuyệt đối nghiêm ngặt, không để phát tán mầm bệnh ra cộng đồng. Đây là biện pháp có lợi, có thể tiết kiệm công sức, tiền của cho cả ngành y tế và nhà nước. Đây cũng là cách nhân dân cùng gánh nặng với nhà nước; vì để tổ chức cách ly sẽ kéo theo rất nhiều điều kiện như: Người tổ chức, người canh gác… rất tốn kém” - bác sĩ Hùng bày tỏ.

Chiều ngày 14/7, chia sẻ với PV báo Kinh tế & Đô thị, chị T. (ngụ quận 1, TP Hồ Chí Minh) cho biết, vui mừng khi biết tin TP cho F0 cách ly tại nhà. Theo chị T., em gái chị được phát hiện mắc Covid-19 từ ngày 8/7, tuy nhiên hoàn toàn không có triệu chứng bệnh.

“Trước thời điểm có kết quả dương tính Covid-19, em gái tôi chỉ bị ho khoảng nữa ngày. Sau đó, nhờ uống nhiều nước và xông lá, em ấy hết ho, sinh hoạt như người bình thường”, chị T. kể lại.

Bày tỏ mong muốn em gái được về nhà cách ly, chị T. cam kết gia đình mình sẽ tuân thủ mọi hướng dẫn phòng dịch của nhân viên y tế.

Từ trong khu cách ly F0 tại quận 12 (TP Hồ Chí Minh), anh K. (27 tuổi, ngụ quận 10) cũng chia sẻ, vài ngày đầu mắc Covid-19 anh bị sốt nhẹ, nhưng hiện tại đã hết các triệu chứng, mong được về nhà cách ly để thoải mái hơn.

“Trước đây, F0 ít nhân viên y tế còn có thời gian chăm sóc tận tình. Hiện nay, người bệnh quá nhiều, nên dù ở khu cách ly tập trung, chúng tôi vẫn phải chủ động tất cả. Vì vậy, nếu được về nhà cách ly, tôi tin mình sẽ làm tốt”, anh K. nói.

Từ 0 giờ ngày 9/7, TP thực hiện giãn cách toàn TP theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày. Trong thời gian này, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm ngừng.

Tuy nhiên, tính đến sáng nay (14/7), TP đang có số ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước với 17.239 người. Nhiều quận, huyện được đánh giá có mức độ nguy cơ rất cao trên bản đồ dịch Covid-19 của Bộ Y tế.

Đánh giá về công tác chống dịch trên địa bàn TP, Phó bí thư TP Phan Văn Mãi nhận định, thời gian qua, TP duy trì mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất an toàn. Nhưng lúc này, chống dịch được đặt lên số 1.

Tags:
4.4 27 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
3.09606 sec| 818.594 kb