Tại sao trẻ hay bị ốm trong lúc giao mùa?
Trẻ em rât hay bị ốm khi thời tiết giao mùa. Nguồn ảnh: Internet
Theo các chuyên gia y tế, trung bình trẻ em thường mắc cảm cúm và viêm nhiễm đường hô hấp từ 5 – 7 lần mỗi năm và những lần ốm này thường trong khoảng thời gian giao mùa.
Trong khoảng thời gian này, nhiệt độ, độ ẩm thay đổi tạo điều kiện cho các loại virus phát triển phổ biến nhất là Human Rhinovirus (HRV). Loại virus này gây ra tới 40% các ca cảm lạnh.
Trẻ em là những đối tượng có hệ miễn dịch còn non yếu.
Tại Bệnh viện Đa khoa An Việt, nhiều bệnh nhi cũng tới khám vì các triệu chứng viêm đường hô hấp. Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc bệnh viện An Việt, thời điểm giao mùa thu đông, đông xuân, nhiệt độ xuống thấp, độ ẩm trong không khí cao, cộng thêm sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm trong khi các vi sinh vật (ký sinh trùng, nấm mốc, vi rút…) có cơ hội phát triển mạnh mẽ.
Thời tiết lạnh, các vi khuẩn, vi rút càng kéo dài thời gian tồn tại trong không khí. Trẻ nhỏ (sức đề kháng còn yếu) hít phải không khí ô nhiễm này, chúng sẽ nhanh chóng xâm nhập vào cơ thể gây tổn thương.
Trẻ không được gia đình chăm sóc chu đáo, mặc quần áo phong phanh, mặc đồ ướt hoặc mặc quá ấm trong khi người đổ mồ hôi mà không thay kịp khiến cơ thể nhiễm lạnh, dễ mắc viêm họng, viêm phổi, viêm amidan...
Ngoài ra, PGS An cho biết môi trường sống kém vệ sinh, trong gia đình của trẻ có người thân hút thuốc lá, thuốc lào. Không gian phòng ở chật chội, thiếu ánh sáng, ẩm thấp, nhà sử dụng bếp than, củi đun nấu, sưởi ấm… đều là những nguyên nhân gián tiếp tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ ngày đông.
Những ngày thời tiết như tuần vừa qua, PGS An cho biết số người nhập viện khám vì viêm họng, viêm VA tăng lên cao. Bệnh viêm họng có cả người lớn và trẻ em. Triệu chứng đầu tiên là đau họng khi nuốt, kèm theo sốt, khàn tiếng.
Bác sĩ An cho biết nhiều trẻ bị viêm amidan cấp, các cháu vào viện trong tình trạng sốt cao từ 39 - 40 độ C, đau họng, khó nuốt, chảy nước miếng nhiều, mệt mỏi, biếng ăn, biếng chơi.
PGS Nguyễn Thị Hoài An khám cho bệnh nhân. Nguồn ảnh: BVAV
Trong điều kiện hiện nay, PGS An cho rằng cần thường xuyên chăm sóc trẻ, giữ ấm và có thể tiêm phòng các bệnh để phòng ngừa cúm, sởi, quai bị, thủy đậu.
Khi có dấu hiệu chảy nước mũi, xịt xịt cần vệ sinh sạch sẽ, tránh bội nhiễm có thể gây lan sang các vùng mũi họng khác.
Nguyên tắc bảo vệ sức khoẻ cho trẻ
Tạo môi trường tốt cho trẻ & Phòng nhiễm lạnh cho bé: Cơ thể trẻ từ khi rời môi trường trong tử cung sẽ thích nghi từng bước với nhiệt độ. Tuy nhiên, cảm lạnh ở trẻ có thể là khởi đầu của nhiều bệnh vì thế mẹ cần đặc biệt chú ý. Ngoài việc mặc áo đủ ấm cho con, mẹ có thể phòng nhiễm lạnh bằng cách:
Đảm bảo sữa mẹ (cho trẻ sơ sinh và trẻ bú mẹ)
Tránh gió lạnh
Tránh nguồn lây cho trẻ
Mẹ và người thân phòng bệnh cho mình thì không chỉ bảo vệ sức khỏe được cho mình mà cũng chính là phòng bệnh cho trẻ.
Tăng khả năng phòng vệ tự nhiên và chủ động cho bé: Mẹ rửa tay cho con, sử dụng khẩu trang, cách ly nguồn bệnh khi xung quanh có nguồn lây (người bị bệnh), khói bụi chất độc; tiêm vaccine đúng lịch để tạo miễn dịch chủ động cho bé.
Tạo dựng nền tảng sức khỏe tốt cho con với chế độ dinh dưỡng, giàu vitamine – đặc biệt vitamin D theo nhu cầu dinh dưỡng của con.
Sử dụng thuốc hợp lý để giữ gìn cơ chế phòng bệnh tự nhiên của trẻ.
Mẹ chỉ sử dụng thuốc cho con khi có chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự sử dụng kháng sinh, hạn chế corticoides bởi kháng sinh bị lạm dụng cũng là “con dao 2 lưỡi” tiêu diệt các vi khuẩn có lợi có sẵn trong đường tiêu hóa, đường hô hấp đang đóng vai trò người bảo vệ cho trẻ.