Hai loại ung thư phổi
Ung thư phổi là một trong những bệnh phổ biến về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao. Theo Globocan 2012, ung thư phổi trên thế giới có khoảng 1,825 triệu ca, chiếm 12,9% tổng số ca mới mắc và có 1,59 triệu ca tử vong chiếm 19,4%.
Ảnh minh họa. |
Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng đầu ở nam, đứng thứ 3 ở nữ với 21.865 ca mới mắc, chiếm tỷ lệ 17,5%, số ca tử vong là 19.559 chiếm tỷ lệ 20,6%.
Theo TS Hoàng Đình Chân - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt - ung thư phổi hầu như rất khó để phát hiện sớm. Các tế bào ung thư nằm sâu trong phổi một thời gian dài hàng chục năm. Khác với ung thư vùng khác, người ta có thể sờ thấy, nắn được, còn ung thư phổi hầu như bệnh nhân phát hiện khi đã có triệu chứng ho, đau tức ngực… Mà lúc này bệnh đã ở giai đoạn cuối!
Số bệnh nhân ung thư phổi điều trị sống qua 5 năm không nhiều (15%). Đa số bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn sớm như tình cờ chụp Xquang thấy có u ở phổi, u còn nhỏ, khu trú. Nếu nghi ngờ ung thư phổi, bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm xét nghiệm tế bào trong đờm (quan sát dưới kính hiển vi những tế bào lấy từ mẫu dịch nhầy ở phổi khi ho). Đây là một xét nghiệm đơn giản, có ích cho việc phát hiện ra bệnh ung thư.
Với ung thư phổi tế bào nhỏ, bệnh nhân chỉ được hoá trị và xạ trị vì thuốc nhắm đích không có giá trị nhiều, chỉ 4 – 5 % bệnh nhân đáp ứng được thuốc này. Trong khi đó, điều trị trúng đích là phương pháp dùng thuốc hoặc các chất để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư bằng cách tác động vào các phân tử đặc hiệu cần thiết cho quá trình sinh ung thư và phát triển khối u.
Phương pháp này bao gồm hai nhóm thuốc: kháng thể đơn dòng và các thuốc thuộc loại phân tử nhỏ. Nếu bị ung thư phổi không tế bào nhỏ thì cơ hội điều trị bằng phương pháp nhắm trúng đích cao hơn.
"Trẻ hoá"
Theo TS. Chân, bệnh ung thư phổi không phải mới mà đây là bệnh có từ lâu đời, tuy nhiên trước những năm 60 của thế kỷ trước thì bệnh này ít hơn, ngày nay nó gia tăng nhanh chóng.
Bệnh ung thư phổi cũng đang ngày càng trẻ hoá. Câu chuyện bà mẹ mang thai bị ung thư phổi ở tuổi ngoài 20 không phải là hiếm. Ở trường hợp này bệnh nhân đã bị ung thư từ trước và triệu chứng điển hình ở thời kỳ mang thai.
Nguyên nhân gây ung thư phổi chủ yếu do hút thuốc lá. Thống kê từ Bệnh viện K Trung ương cũng từng chỉ ra tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm tới 96,8%. Ngoài ra, môi trường sống ô nhiễm, bệnh nghề nghiệp, lao phổi... hoặc một số ít trường hợp các bác sĩ gọi là “không may mắn” khi có đột biến gen từ mẹ hoặc cha truyền cho, bị ung thư phổi.