Dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm
Khi ăn hoặc uống phải các loại thực phẩm nhiễm khuẩn hay nhiễm độc, thức ăn bị ôi thiu,… có thể dẫn tới tình trạng ngộ độc thực phẩm. Các chuyên gia cho biết, tình trạng ngộ độc có thể xảy ra sau khoảng vài phút hoặc vài giờ, cũng có thể là 1 đến 2 ngày sau khi tiêu thụ thực phẩm.
Những biểu hiện bạn nên nghĩ ngay đến tình trạng ngộ độc do thực phẩm gây ra
Biểu hiện khác thường ngay sau khi tiêu thụ một loại thực phẩm nào đó
2 người hoặc nhiều hơn 2 người có biểu hiện giống nhau sau khi cùng ăn một loại thực phẩm. Đồng thời những người không ăn loại thực phẩm đó, không có triệu chứng bất thường.
Triệu chứng đặc trưng của ngộ độc thực phẩm là đau bụng dữ dội, nôn mửa và tiêu chảy.
Kiểm tra loại thực phẩm mà nạn nhân vừa ăn có những đặc điểm đáng nghi ngờ như có mùi lạ, ôi thiu, thậm chí xuất hiện giun sán.
Triệu chứng ngộ độc phụ thuộc vào từng nguyên nhân gây ra
Tùy vào những nguyên nhân gây ra, triệu chứng cụ thể của mỗi trường hợp có thể khác nhau:
- Trường hợp ngộ độc do vi sinh vật
Vi sinh vật gồm vi khuẩn và các loại virus hoặc những độc tố do các loại vi sinh vật gây ra cũng được cho là nguyên nhân gây ngộ độc. Nếu là do nguyên nhân này, người bị ngộ độc thực phẩm sẽ có những biểu hiện nổi bật: đau bụng, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, khô môi, khát nước, sốt và liên tục vã mồ hôi.
- Trường hợp ngộ độc do thực phẩm nhiễm hóa chất
Nếu ngộ độc thực phẩm do thực phẩm bị nhiễm hóa chất, xác định không có chất độc tự nhiên, bệnh nhân sẽ xuất hiện những dấu hiệu khá phức tạp. Ngoài những bất thường ở hệ tiêu hóa (như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy), người bệnh sẽ có thể bị đau đầu, chóng mặt, nhịp tim nhanh bất thường, trụy mạch,…
- Trường hợp ngộ độc do thực phẩm vốn đã có độc tố
Một số thực phẩm trong tự nhiên như sắn, cá nóc, cóc, măng,… vốn được biết đến là các loại thực phẩm có sẵn độc tố. Khi ăn phải, người bệnh sẽ xuất hiện ngay những triệu chứng bất thường.
Cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm
Để loại bỏ các chất độc còn sót lại trong cơ thể, nếu bệnh nhân tỉnh táo, cần được kích thích nôn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ khuyến cáo nếu gặp các triệu chứng ngộ độc thực phẩm (tiêu chảy hoặc nôn), nguyên tắc quan trọng là bù nước cho bệnh nhân. Người nhà nên cho nạn nhân uống nước, dung dịch có chất điện giải.
Người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu cần được bổ sung các dung dịch chứa glucose và chất điện giải. Trẻ sơ sinh nên bú sữa mẹ hoặc sữa công thức như bình thường.
Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm cần nghỉ ngơi, tránh các loại thực phẩm như sữa, đồ uống có cồn, gas. Thức ăn có vị cay và nhiều chất béo cũng là thực phẩm cần tránh. Người nhà nên cho bệnh nhân ăn các món dễ tiêu hóa, ít chất béo.
Người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị khi xuất hiện các triệu chứng như phân có máu; sốt cao (trên 38,8 độ C); nôn nhiều dẫn đến mất nước; tiểu ít, khô miệng và cổ họng, chóng mặt khi đứng lên; tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày.
Hầu hết vi khuẩn, độc tố có thể bị tiêu diệt khi đun nấu ở nhiệt độ cao. Do đó, CDC khuyến cáo người dân cần tuân thủ các nguyên tắc an toàn thực phẩm sau đây:
- Bảo quản thịt sống, gia cầm, hải sản và trứng tách biệt với các thực phẩm khác.
- Rau sống, hoa quả cần được rửa dưới vòi nước sạch trước khi cho vào tủ lạnh bảo quản.
- Tay, thớt, dao, nồi phải rửa sạch bằng xà bông và nước trước, trong và sau khi chế biến thực phẩm.
- Không rã đông thực phẩm trong nhiệt độ phòng, thay vào đó, chúng ta sử dụng lò vi sóng hoặc tủ lạnh ngăn mát.
- Nấu chín thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp. Cụ thể, thịt bò, lợn, bê và cừu cần được nấu chín ở 63 độ C (sau đó để thịt nghỉ 3 phút trước khi cắt hoặc ăn); thịt lợn, bò xay là 71 độ C; gia cầm, thực phẩm để qua đêm là 73 độ C; hải sản: 63 độ C hoặc nấu đến khi thịt chuyển sang trắng đục.