Viêm phổi là gì?
Viêm phổi là bệnh lý nguy hiểm bạn hãy chú ý nhé. Nguồn ảnh: Internet
Viêm phổi là tình trạng nhu mô phổi bị nhiễm trùng (sưng) bao gồm viêm phế nang (túi khí nhỏ), túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết khe kẽ và viêm tiểu phế quản tận cùng do vi khuẩn, virus, nấm gây nên. Khi các phế nang, đường dẫn khí chứa nhiều dịch nhầy hoặc mủ, xuất tiết dịch đường hô hấp trên gây ho đờm, sốt ớn lạnh, khó thở. Viêm phổi có thể xuất hiện ở một vùng hoặc vài vùng (viêm phổi thuỳ hoặc “đa thùy”), nguy hiểm hơn là viêm toàn bộ phổi.
Viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em trên toàn thế giới, chiếm 14% tổng số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong, trong đó có đến 20-45% ca viêm phổi gây ra là do phế cầu khuẩn. Ước tính mỗi năm, một trẻ nhỏ dưới 5 tuổi có thể bị nhiễm khuẩn đường hô hấp từ 5-8 lần. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính hàng năm có khoảng 150 triệu đợt viêm phổi xảy ra ở trẻ em các nước đang phát triển, với khoảng 11 triệu trẻ nhập viện.
Dù hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị, nhưng viêm phổi vẫn gây gánh nặng y tế và kinh tế khủng khiếp cho trẻ em và người lớn, đặc biệt khi Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo số liệu của UNICEF và WHO, viêm phổi đã giết 2 triệu trẻ em mỗi năm, nhiều hơn tử vong của AIDS, sốt rét và sởi cộng lại. Ước tính mỗi ngày có khoảng 4.300 trẻ tử vong do viêm phổi trên toàn thế giới, nghĩa là cứ 20 giây lại có 1 trẻ tử vong do viêm phổi trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 2,9 triệu lượt trẻ mắc và hơn 4.000 trẻ chết vì viêm phổi, do vậy nước ta được xem là 1 trong 15 quốc gia đối diện với hiểm họa do bệnh viêm phổi nhiều nhất thế giới.
Hiện nay nhiều phụ huynh tự ý mua thuốc ho, thuốc kháng sinh cho con uống khi trẻ có tình trạng viêm phổi. Trong khi đó, biểu hiện ban đầu của viêm phổi ở trẻ em rất giống các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp khác, thậm chí Covid-19 nên nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể tiến triển nhanh dẫn đến biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao. Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là đối tượng dưới 2 tháng tuổi là nhóm tuổi có nguy cơ mắc và tử vong do viêm phổi cao nhất.”
Biến chứng của bệnh viêm phế quản phổi
Không nên chủ quan với bệnh viêm phế quản phổi bởi việc chậm trễ trong chẩn đoán, điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như:
Suy hô hấp
Khi bị viêm phế quản phổi, quá trình trao đổi oxy và carbon dioxide hoạt động kém, gây suy hô hấp và khó thở. Người bệnh có thể phải sử dụng máy trợ thở để có thể thở được.
Hội chứng suy hô hấp cấp tính
Nghiêm trọng hơn suy hô hấp chính là suy hô hấp cấp tính. Biến chứng này có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh nếu không được điều trị.
Nhiễm trùng huyết
Nhiễm trùng huyết hay còn được gọi là nhiễm trùng máu là một biến chứng của viêm phế quản phổi do tình trạng viêm, nhiễm trùng gây phản ứng miễn dịch, khiến các cơ quan và mô trong cơ thể bị tổn thương.
Người bệnh viêm phế quản nếu bị nhiễm trùng huyết có thể dẫn đến suy đa tạng, nguy cơ tử vong cao.
Áp xe phổi
Khi bệnh viêm phế quản phổi diễn biến nghiêm trọng thì có thể khiến các túi dịch chứa mủ tràn vào bên trong phổi, gọi là áp xe phổi.
Các biến chứng khác
Tình trạng viêm phế quản phổi còn có thể dẫn đến suy thận, suy tim, nhịp tim không đều,…
Phòng ngừa viêm phổi
Không hút thuốc
Thuốc lá ảnh hưởng tới khả năng chống lại nhiễm trùng của phổi và những người hút thuốc được phát hiện có nguy cơ bị viêm phổi cao hơn.
Những người sử dụng thuốc lá được coi là một trong những nhóm có nguy cơ cao được khuyến khích tiêm vaccine phế cầu.
Giữ cho cảm lạnh không chuyển thành viêm phổi
Nếu bạn đã bị cảm lạnh, các khuyến nghị để ngăn nó chuyển thành viêm phổi bao gồm:
Đảm bảo nghỉ ngơi đầy đủ trong khi hồi phục sau cảm lạnh hoặc các bệnh khác.
Uống nhiều chất lỏng để giúp loại bỏ tắc nghẽn.
Dùng các chất bổ sung như vitamin C và kẽm để giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.
Tránh tiếp xúc với những người bị bệnh
Hầu hết các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp đều lây lan qua các hạt nhỏ trong không khí hoặc trên các bề mặt chúng ta chạm vào. Tránh tiếp xúc với những người mà bạn biết đang bị bệnh là một bước quan trọng để ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp và viêm phổi có thể xảy ra.
Nếu bạn đang ở một khu vực đông đúc hoặc không thể tránh ở gần những người bị bệnh, hãy nhớ:
Rửa tay thường xuyên;
Che miệng và mũi bằng khẩu trang để ngăn ngừa nguồn bệnh cảm cúm, cảm lạnh và Covid-19.
Khuyến khích người khác che miệng khi ho hoặc hắt hơi.
Tránh dùng chung đồ cá nhân.
Thực hiện các thói quen lành mạnh
Cách chăm sóc cơ thể và môi trường xung quanh đóng một vai trò lớn giúp cơ thể bạn chống lại các bệnh nhiễm trùng có thể dẫn đến viêm phổi.
Những hành động sau đây có thể giúp bạn tăng cường sức khỏe của phổi và hệ thống miễn dịch:
Nghỉ ngơi đầy đủ
Ăn một chế độ ăn uống cân bằng
Tập thể dục thường xuyên
Giảm tiếp xúc với các hóa chất độc hại hoặc ô nhiễm.