Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục Trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, TPHCM tại Hội nghị về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, Khu chế xuất - Khu công nghiệp năm 2016, tổ chức ngày 12.5 chia sẻ, suất ăn sẵn đang là “bóng ma” gây ra các vụ ngộ độc cho người lao động thời gian qua.
Từ năm 2012 đến nay, thành phố có 25 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 1.743 người phải nhập viện. Trong đó có 5 vụ ngộ độc xảy ra ở nhóm đối tượng công nhân làm 353 người mắc. Ngộ độc thực phẩm trong hai năm qua tại các Khu công nghiệp - Khu chế xuất đang gia tăng trở lại, tất cả các vụ ngộ độc đều do suất ăn sẵn gây ra.
Suất ăn sẵn chính là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Ảnh minh họa |
Theo phân tích của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, nguyên nhân chính xảy ra ngộ độc cho công nhân xuất phát từ nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Hiện nay, giá của các mặt hàng thực phẩm đều tăng cao, song giá suất ăn bình quân của người lao động chỉ giao động từ 10.000 đồng đến 13.000 đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là giá do công ty đề ra, trên thực tế giá trị suất ăn của người lao động còn có thể bị “xà xẻo” bằng cách mua thực phẩm với giá rẻ, kém chất lượng, quy trình chế biến không đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, nhiều nhân sự tại các cơ sở chế biến suất ăn chưa được khám sức khỏe định kỳ, chưa được tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm nên nhiều người vẫn có các làm sai lầm, sử dụng muối diêm, hàn the trong chế biến thức ăn. Bên cạnh đó, thời gian từ khi chế biến đến khi phục vụ cho người lao động kéo dài song thức ăn không được vận chuyển bằng xe chuyên dụng đảm bảo an toàn, thức ăn không được hâm nóng trước khi phục vụ đã tạo điều kiện cho vi sinh xâm nhập gây hại.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa cho hay, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016, đã có liên tiếp 5 vụ ngộ độc, dù quy mô ngộ độc giảm song số vụ ngộ độc tăng, đang là một hiện trạng đáng báo động. Nguyên nhân ngộ độc do vi sinh vật chiếm 80% cho thấy quy trình chế biến chưa đạt chuẩn, người thực hiện công tác chế biến không đảm bảo được vệ sinh thực phẩm trước và sau chế biến cũng như khi phục vụ người ăn.
Ông Thái Hòa khuyến cáo các doanh nghiệp sử dụng lao động: “Các doanh nghiệp đừng nên tham một bát, bỏ một mâm. Giá thực phẩm sạch dù cao hơn thực phẩm “chợ trời” một chút nhưng là điều kiện tiên quyết để bảo vệ, tăng cường sức khỏe cho nhân công, giúp họ tái tạo sức lao động, góp phần nâng cao năng suất công việc, tăng lợi nhuận của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nên có những tính toán hợp lý để vừa bảo vệ sức khỏe cho người lao động, uy tín và lợi nhuận của doanh nghiệp.”
Hiện tại, TP.HCM có khoảng 4.068 triệu người lao động sử dụng suất ăn, khoảng 280.000 lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất sử dụng suất ăn hàng ngày, thực phẩm tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM được cung cấp từ 71 bếp ăn tập thể tự tổ chức, 67 bếp ăn tập thể hợp đồng thuê nấu, 3 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn.
Cũng trong ngày 12.5, sau bữa ăn trưa ngày tại Công ty Worldon ((Khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi, TP.HCM) hàng chục công nhân bị nôn, ói phải chuyển tới cơ sở y tế để cấp cứu với các triệu chứng đau bụng, nôn ói và nhiều người đã bị ngất xỉu.
Các công nhân cho biết, bữa ăn trưa ở công ty gồm đồ xào chay, gà chiên nước mắm. Khoảng 2 giờ sau bữa ăn, một số công nhân bị đau bụng dữ dội và nôn ói, đã được chuyển đến phòng khám Tân Quy để cấp cứu. Trong đó có nhiều công nhân bị ngất xỉu trước khi được chuyển đi cấp cứu.