Nguyên nhân từ thói quen xấu
BSCKI Nguyễn Trọng Hùng, khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), nhận định: "Tình trạng đau lưng khá phổ biến ở phụ nữ sau thai kỳ. Nguyên nhân từ một số thói quen xấu và sự thay đổi của cơ thể trong quá trình mang thai".
Sự thay đổi trục cột sống: Cho con bú sai tư thế là yếu tố đầu tiên dẫn tới thay đổi trục cột sống và cảm giác đau lưng. Thông thường, tâm lý của các bà mẹ là tạo tư thế thuận lợi nhất cho con bú. Tuy nhiên, việc làm này vô tình ảnh hưởng tới tư thế của họ khi ngồi cong, vẹo gây gù cột sống.
Việc thay đổi hormone trong thời kỳ mang thai cũng là tác nhân ảnh hưởng tới cột sống. "Hormone relaxin làm các khớp lỏng lẻo, giúp cơ thể phù hợp hơn với giai đoạn mang thai. Hormone này tiết ra khiến các khớp ngấm nước, mềm dẻo, hỗ trợ việc chuyển dạ. Tuy nhiên, chúng làm mất ổn định các khớp và khiến tư thế dễ sai lệch", bác sĩ Trọng Hùng giải thích.
Tăng cân quá mức: Khung xương của người trưởng thành không thay đổi khi đến độ tuổi nhất định. Việc chúng phải nâng đỡ trọng lượng cơ thể quá lớn làm các khớp, xương bị quá tải, dẫn tới cảm giác đau kéo tại khớp xương.
Loãng xương do thiếu hụt canxi: Đây là vấn đề thường gặp ở phụ nữ đang cho con bú. Theo bác sĩ khoa Phụ sản, đối tượng này cần lượng canxi lớn hơn bình thường để đảm bảo nhu cầu của bản thân và bổ sung chất này trong sữa.
Sinh mổ: Tỷ lệ người đau lưng sau khi sinh mổ cao hơn nếu áp dụng phương pháp vô cảm gây tê ngoài màng cứng. Một số trường hợp bị tổn thương dây chằng ở cột sống cũng gây đau phần thắt lưng sau khi mổ.
Làm việc quá sức hoặc kiêng cữ thiếu hợp lý: Nhiều phụ nữ mới sinh, cơ thể yếu nhưng phải đảm đương các công việc gia đình khiến họ có cảm giác đau mỏi. Ngược lại, một số bà mẹ kiêng quá mức do sợ ảnh hưởng tới cơ thể và nằm trên giường thời gian dài. Thói quen này cũng trực tiếp gây nhức, mỏi cơ.
Thay đổi trọng tâm cơ thể: Sự phát triển của thai nhi và tử cung khiến phần cơ bụng bị giãn, qua đó cột sống bị cong nhiều hơn về phía trước. Để giữ thăng bằng khi di chuyển, các bà bầu phải hơi ngả người về sau, khiến vùng cơ lưng dưới bị căng. Sự mất cân bằng này tiếp diễn trong thời gian dài (4-6 tháng) có thể ảnh hưởng tới dáng đi của phụ nữ sau sinh.
Mẹ bầu phải làm gì để giảm đau lưng sau khi sinh?
Dưới đây là một vài cách hiệu quả mà bạn có thể tham khảo để giảm đau lưng sau sinh:
Luyện tập thể dục
Ngay từ trong thai kỳ, nếu các mẹ bầu đã chăm chỉ tập luyện thì cơn đau lưng sẽ giảm đi trong thời gian mang thai và khi bạn nuôi con nhỏ sau này. Khoảng 6- 8 tuần sau sinh, khi sức khỏe đã ổn định, các mẹ nên tập các động tác thể dục đơn giản, nhẹ nhàng. Một môn thể dục phù hợp bạn có thể lựa chọn là yoga. Ngoài ra, đi bộ cũng là một cách giảm đau lưng sau sinh rất tốt.
Bạn cần chú ý tư thế cho con bú
Khi bế con, bạn đừng xoay vặn cơ thể quá mức mà hãy giữ bé gần với mẹ, sau đó gập đầu gối lại và nâng bé với trọng lực dồn vào đôi chân. Lúc cho bé bú, mẹ nên ngồi thẳng lưng, kể cả khi cho bé bú bình hay làm vệ sinh, tắm rửa. Khi ngồi, mẹ đặt chân trên một chiếc ghế hay gối nhỏ mềm mại, thoải mái, có tay vịn và lót một chiếc gối sau lưng.
Các bác sĩ khuyến khích các mẹ cho bé bú ở nhiều tư thế khác nhau. Bạn nên bế bé sát vào người hơn là để bé ra xa. Nếu mẹ nào bị đau lưng sau sinh lan ra cả vùng thân trên thì nên cho bé bú nằm.
Massage giảm đau lưng
Với phương pháp này, bạn có thể nằm nghiêng, nhờ người thân dùng hai tay vuốt nhẹ từ hông dọc theo sống lưng đến phần cuối lưng, sau đó xoa bóp lưng nhẹ nhàng. Điều này sẽ làm tăng nguồn dự trữ máu, lưu thông chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cũng như chất bổ dưỡng khác cho cơ thể. Xoa bóp lưng thường xuyên giúp khôi phục khả năng hoạt động của các tế bào và từ từ làm những cơn đau lưng sau sinh dần biến mất.
Giảm đau lưng bằng phương pháp chườm nóng
Dùng khăn tẩm nước ấm, đắp lên cột sống lưng trong vòng 30 phút để làm giãn cơ, dây chằng, mạch máu.