Nước mắm theo cách hiểu thông thường là chất nước rỉ từ cá, tôm và một số động vật nước khác được ướp muối lâu ngày. Nó được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực của các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam và Thái Lan, để làm nước chấm hoặc gia vị chế biến các món ăn. Tuy nhiên, những người không nên ăn nước mắm nếu bị mắc các bệnh dưới đây.
Những người bị suy thận mạn tính
Người bị suy thận mạn tính bắt buộc phải có chế độ kiêng muối. Nghĩa là không những bắt buộc không được cho thêm muối vào thức ăn mà còn phải kiêng cả các loại thức ăn có chứa nhiều muối như khô, mắm, tương, chao…
Bệnh nhân đã bị bệnh thận nếu ăn nhiều muối sẽ suy sụp nhanh hơn, ngược lại nếu ăn ít muối thì chức năng thận được cải tạo tốt hơn. Không chỉ có thế, muối còn là nguyên nhân dẫn đến sỏi thận, thận nhiễm mỡ.
Bệnh nhân bị bệnh cao huyết áp
Nước mắm là thứ gia vị chứa nhiều muối. Những người bị bệnh cao huyết áp tuyệt đối không được ăn nước mắm khi huyết áp đang tăng cao, vì nó có thể khiến người bệnh cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, choáng váng và có thể gây ra những tai biến đáng tiếc.
Người mắc bệnh tim mạch
Bệnh tim là bệnh có số người mắc phải rất cao trong xã hội hiện nay. Bệnh tim nếu không được phòng tránh và điều trị đúng cách sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề, có thể nguy hiểm tính mạng. Chính vì vậy những bệnh nhân tim cần biết rõ các phương thức để phòng tránh và hạn chế để bệnh tình không phát triển. Trong đó, chế độ dinh dưỡng cho người bị bệnh tim là một yếu tố rất quan trọng.
Với những người bị bệnh tim, hạn chế ăn mặn là điều rất cần thiết. Hạn chế ăn mặn có thể giúp những người suy tim, tăng huyết áp giữ tình trạng sức khỏe ổn định. Hạn chế ăn mặn là hạn chế ăn các thực phẩm có vị mặn như nước chấm, nước mắm, cá khô, chà bông. Một bệnh nhân tim chỉ nên ăn 2 muỗng muối trong một ngày tính cả lượng gia vị nêm nếm.
Bệnh xương khớp
Ăn mước mắm quá mặn sẽ uống nước nhiều, tiểu tiện nhiều sẽ thải ra nhiều canxi qua đường nước tiểu, dẫn đến loãng xương.
Người bị tiểu đường
Tâm lý phổ biến của người bệnh tiểu đường là “cảnh giác” cao độ với đường và thức ăn ngọt nhưng lại không kiểm soát lượng muối và các gia vị có vị mặn. Đây là một sai lầm cần phải tránh trong chế độ dinh dưỡng điều trị bệnh.
Tiểu đường thường đi kèm với tăng cholesterol, rối loạn lipid máu, các bệnh lý tim mạch. Điều này đồng nghĩa với việc người bệnh có thể đối mặt với những nguy cơ bệnh lý về tim mạch, huyết áp, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... Do đó, người bệnh cần kiểm soát tốt mức năng lượng hấp thụ vào cơ thể: Mức năng lượng chỉ khoảng 1.500 kcal một ngày và phải ăn càng nhạt càng tốt.
Ngoài hai loại gia vị mặn phổ biến là mắm, muối, không nên dùng thêm các phụ gia có Natri như: bột ngọt, bột nêm… không chấm thức ăn đã được nêm nếm với mắm trên bàn ăn.
Lưu ý khi chọn nước mắm
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên người tiêu dùng nên chọn nước mắm có màu nâu cánh gián sậm đến nâu vàng, hương thơm nồng, có vị đạm cá nhiều, nước trong, không vẩn đục. Những loại nước mắm khi nêm, nấu có vị mặn gắt và chát ở đầu lưỡi thì đó là nước mắm có độ đạm thấp.