Sai lầm ăn nhiều thịt, trứng, sữa là bổ và khoẻ
Bạn không nên cho trẻ ăn nhiều thịt. Nguồn ảnh: Internet
Theo Báo Điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, GS.TS Lê Danh Tuyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, có những sai lầm nhiều phụ huynh dễ mắc phải về dinh dưỡng, vận động ở trẻ. Đầu tiên phải kể đến, đó là nhiều ông bố, bà mẹ quan niệm, cứ ăn nhiều thịt, trứng, sữa là bổ và khỏe. Tuy nhiên, họ lại không ước lượng được khẩu phần ăn thế nào là đủ nên thường cho con ăn quá mức. Điều này không chỉ gây thừa cân, béo phì, mà còn gây rối loạn chuyển hóa, nhất là rối loạn chuyển hóa lipit máu. Những rối loạn sớm như vậy sẽ tăng nguy cơ bệnh tim mạch, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ ở tuổi trưởng thành.
Ngoài ra chế độ dinh dưỡng thiếu đa dạng, như ít rau xanh, trái cây, ít chất xơ, vitamin và khoáng chất nhưng nhiều thịt, chất béo, chất đạm, tinh bột… cùng sự thúc ép trẻ ăn nhiều hơn so với mong muốn và nhu cầu thực sẽ gây ra dư thừa năng lượng. Cộng với việc thiếu vận động trong thời gian dài, năng lượng không được tiêu hao sẽ tích tụ thành mỡ, khiến trẻ tăng cân, béo phì.
GS. TS. Lê Danh Tuyên khuyến cáo: “Bữa ăn cho trẻ cần đảm bảo đầy đủ vi chất, chất khoáng để đảm bảo sự phát triển toàn diện, đồng thời, cần cân đối mức năng lượng tiêu hao để tránh TC-BP".
Trẻ TC-BP nên ăn ít béo ăn các thực phẩm như thịt nạc (bỏ da), nên luộc hấp nướng thay cho chiên quay xào, thay sữa béo bằng sữa ít béo (chỉ áp dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên) hoặc các sữa ít năng lượng, hạn chế đồ lòng, phủ tạng, nước cốt dừa.
Cha mẹ cho trẻ ăn ít các chất bột đường bằng cách giảm bớt số lượng tinh bột trong ngày hay thay cơm gạo, cơm nếp bằng bún, bánh phở, hủ tiếu…, đặc biệt hạn chế đồ ngọt, đồ uống có ga.
Hằng ngày cung cấp thức ăn giàu chất xơ như rau xanh, trái cây ít ngọt và nên cho trẻ ăn nhiều về sáng là khoảng thời gian thích hợp để lượng thức ăn được nạp – tiêu, giảm về chiều và hạn chế ăn tối để tránh tình trạng dinh dững dư thừa không được tiêu hao tích lại thành mỡ.
Ăn hoa quả sau khi ăn cơm có thể trợ tiêu hóa
Rất nhiều người có thói quen ăn hoa quả sau khi ăn cơm. Chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, ăn hoa quả sau khi ăn cơm là không khoa học, không có lợi cho sức khỏe, dễ dẫn đến hiện tượng béo phì.
Hiện nay, nguyên nhân chính dẫn đến bệnh béo phì là do hấp thu quá nhiều calo. Nhiều người sau khi ăn no, thậm chí ăn quá no lại ăn thêm hoa quả nên lượng calo này hầu như hoàn toàn giữ lại trong cơ thể.
Các chuyên gia dinh dưỡng kiến nghị trẻ em đang ở độ tuổi lớn chỉ nên ăn hoa quả trong khoảng thời gian giữa hai bữa ăn chứ không nên ăn ngay sau khi ăn cơm.
Cho trẻ ăn mọi thứ trẻ thích
Hiện nay, phần lớn các bậc phụ huynh đều rất chiều chuộng con cái, thường con cái đòi cái gì là cha mẹ cố gắng đáp ứng yêu cầu.
Thói quen như vậy cũng không tốt, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn
Ăn bổ sung là hình thức bổ sung thêm thức ăn khác cho trẻ ngoài sữa mẹ. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, thời điểm cho trẻ ăn bổ sung (ăn sam, ăn dặm) là khi trẻ tròn 6 tháng tuổi (180 ngày). Do nhu cầu của trẻ tăng cao, sữa mẹ không đáp ứng đủ vì vậy cần bổ sung thêm thức ăn cho trẻ. Hiện nay vẫn nhiều chị em quan niệm rằng cho trẻ ăn bổ sung sớm, trẻ sẽ cứng cáp hơn và trẻ không bị đói, vì vậy trẻ được ăn bổ sung từ tháng thứ 4, 5 thậm chí không ít trẻ còn được ăn bổ sung từ tháng tuổi thứ 3. Điều đó đã ảnh hưởng đến việc tận dụng nguồn sữa mẹ, trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa dẫn đến suy dinh dưỡng. Đặc biệt một số bà mẹ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn cho trẻ ăn cơm nhai, cơm mớm rất mất vệ sinh, thậm chí còn là nguồn lây lan truyền bệnh cho trẻ.
Theo các nhà dinh dưỡng, trẻ ăn bổ sung sớm sẽ làm tăng gánh nặng cho bộ máy tiêu hóa, ảnh hưởng đến tiêu hóa, sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Thức ăn bổ sung thường khó tiêu, nên bé sẽ biếng ăn. Không đủ chất dinh dưỡng, bé sẽ chậm tăng cân và dễ bị suy dinh dưỡng. Đối với trẻ em thì chế độ ăn được tuần tự từ các thức ăn lỏng như sữa, chuyển sang bột loãng, bột đặc rồi cháo và cơm.
Ngược lại, khi cho trẻ ăn bổ sung muộn, sữa mẹ không đủ đáp ứng nhu cầu thì trẻ sẽ chậm tăng cân. Vì sữa mẹ sau 6 tháng không thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng lên của trẻ, nên cần phải cho trẻ ăn thêm thức ăn bổ sung. Ngoài việc bú sữa mẹ, trẻ cần được ăn thêm từ 1-2 bữa bột trong một ngày.