Tiểu đường thai kỳ là gì?
Bạn cần thận trọng với bệnh tiểu đường thai kỳ. Nguồn ảnh: Internet
Tiểu đường thai kỳ (đái tháo đường trong thai kỳ) là tình trạng rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể khi mang thai. Tình trạng này thường được phát hiện từ tháng thứ 4 của thai kỳ và thường tự khỏi sau khi sinh khoảng 06 tuần.
Vậy làm thế nào để biết bị đái tháo đường trong thai kỳ hay không? Sản phụ được lấy máu xét nghiệm đường máu, chẩn đoán đái tháo đường thai kì khi:
Đường huyết lúc đói: >= 126mg/dl.
Đường huyết bất kì: >= 200mg/dl.
Hoặc làm nghiệm pháp dung nạp đường dương tính.
Biến chứng của tiểu đường thai kỳ
Nếu người mẹ bị tiểu đường thai kỳ, em bé có thể tăng nguy cơ:
Cân nặng khi sinh quá mức
Các mẹ có lượng đường trong máu cao hơn bình thường có thể khiến em bé bị thừa cân khi sinh.
Sinh non
Lượng đường trong máu cao có thể làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh non trước ngày dự sinh.
Khó thở
Trẻ sinh ra sớm với những mẹ bị tiểu đường thai kỳ có thể gặp phải hội chứng suy hô hấp – một tình trạng gây khó thở.
Lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết)
Đôi khi em bé của các mẹ bị tiểu đường thai kỳ có lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết) ngay sau khi sinh. Các đợt hạ đường huyết nghiêm trọng có thể gây co giật ở trẻ.
Bị béo phì và tiểu đường loại 2
Em bé của những mẹ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh béo phì và tiểu đường tuýp 2 khi lớn lên.
Thai chết lưu
Bệnh tiểu đường thai kỳ không được điều trị có thể dẫn đến thai chết lưu.