Chẩn đoán bệnh táo bón
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Người bình thường đi đại tiện từ một đến hai lần trong một ngày, phân mềm đóng thành khuôn, lượng phân từ 200g đến 400g.
Táo bón là khi 4 ngày trở lên chưa đại tiện hoặc đại tiện dưới 2 lần trong một tuần, trọng lượng phân ít (dưới 100g). Phân rắn thành cục, mật độ cứng có thể dính theo máu tươi do cọ xát vào niêm mạc hậu môn, có khi dính theo những chất nhầy của đại tràng, trực tràng. Người bệnh phải rặn mạnh khi đại tiện. Cảm giác đi không hết phân, vướng, tắc vùng hậu môn, phải dùng tay lấy phân ra.
Nguyên nhân gây bệnh táo bón
Thức ăn sau khi được tiêu hoá ở ruột non, tới đại tràng, phần lớn nước được hấp thụ làm chất thải (phân) khô và đóng thành khuôn sẽ đi xuống đại tràng sig-ma, được tích chứa ở đó. Khi lượng phân đủ nhiều sẽ đi xuống trực tràng và kích thích niêm mạc trực tràng, gây nên phản xạ mót rặn dẫn đến hiện tượng tống phân ra ngoài. Đại tiện vừa là một phản xạ tự động vừa là một phản xạ có ý thức.
Như vậy, táo bón có thể do: những cản trở cơ giới ngăn sự lưu thông của phân, đại tràng hút lại quá nhiều nước làm phân khô; cơ ở đại tràng, trực tràng và hậu môn bị liệt hoặc quá tăng trương lực; rối loạn phản xạ và rối loạn sự điều hoà thần kinh thực vật.
Cách chữa táo bón
Uống trà mật ong-chanh
Bạn có thể pha trà bằng cách thêm mật ong và chanh vào nước. Mật ong là một loại thuốc nhuận tràng và giúp làm giảm độ chua của trà do chanh gây ra. Chanh hoạt động như một chất kích thích tự nhiên cho hệ thống tiêu hóa và giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể.
Uống nhiều nước
Đàn ông nên uống ít nhất 3,7 lít nước và phụ nữ là 2,7 lít nước mỗi ngày. Phân khô và cứng là một trong những nguyên nhân gây ra táo bón. Uống đủ nước là một trong những cách giúp cơ thể bạn đủ nước đúng cách và giúp phân dễ dàng được đào thải ra ngoài.
Bạn nên tránh các loại đồ uống chứa caffein và soda vì chúng là thuốc lợi tiểu, thay vì cung cấp nước cho cơ thể bạn, chúng sẽ làm mất nước từ cơ thể bạn.
Ăn thức ăn chứa nhiều chất xơ
Thực phẩm chứa chất xơ hoạt động như một chất nhuận tràng tự nhiên, giúp việc đào thải phân trở nên dễ dàng hơn. Bạn nên đảm bảo ít nhất 20-35 gram chất xơ trong các bữa ăn hàng ngày của mình. Nguồn thực phẩm giàu chất xơ bao gồm táo, quả sung, ngũ cốc cám và đậu đen.
Một số loại hạt như bí ngô, vừng, hướng dương và hạt lanh cũng là một trong những nguồn chất xơ tốt. Tuy nhiên, bạn cũng nên chú ý không ăn hạt lanh nếu bạn bị rối loạn chảy máu, tắc nghẽn đường ruột hoặc huyết áp cao. Phụ nữ mang thai và cho con bú cũng nên tránh loại thực phẩm này.
Ăn mận khô
Mận không chỉ là một loại thực phẩm giàu chất xơ mà chúng còn chứa sorbitol, một loại đường làm lỏng phân, giảm táo bón một cách tự nhiên. Tuy nhiên, nếu bạn là người không thích hương vị của mận khô, thay vào đó bạn có thể uống một ly nước ép mận. Mặc dù nước ép chứa ít chất xơ hơn trái cây, nhưng vẫn nên thực hiện các mẹo để đẩy lùi chứng táo bón này.