Năm 2021, Đại học Ngoại thương tuyển 3.990 sinh viên theo 6 phương thức, trong đó bổ sung cách lấy kết quả đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia.
Đối tượng tuyển sinh là những thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương bao gồm cả thí sinh tốt nghiệp tại Việt Nam và nước ngoài.
Đại học ngoại thương. Nguồn ảnh: Internet
Thứ nhất, xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố lớp 11 hoặc lớp 12 và thí sinh thuộc hệ chuyên của trường THPT trọng điểm quốc gia/THPT chuyên (theo thông tư 06/2012/TT-BGDĐT).
Thứ hai, xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên, áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và ngôn ngữ thương mại.
Thứ ba, trường dành 7% chỉ tiêu để xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021. Phương thức này cũng chỉ áp dụng cho các chương trình dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại.
Thí sinh cần đạt IELTS tối thiểu 6,5, điểm trung bình học tập từng năm bậc THPT từ 7,5 trở lên và điểm thi tốt nghiệp THPT thuộc ba tổ hợp (Toán - Lý, Toán - Hóa hoặc Toán - Văn) qua ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trường.
Phương thức thứ tư dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021, chiếm 30% chỉ tiêu. Thí sinh cần đảm bảo hai điều kiện: Tổng điểm thi của ba môn thuộc tổ hợp xét tuyển phải qua điểm đầu vào của Đại học Ngoại thương, điểm trung bình từng năm bậc THPT từ 7 trở lên.
Thứ năm, Đại học Ngoại thương sẽ xét tuyển thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Phương thức tuyển sinh mới này chiếm 7% tổng chỉ tiêu.
Điều kiện đối với thí sinh sử dụng phương thức này gồm: Điểm trung bình từng năm bậc THPT tối thiểu 7, điểm đánh giá năng lực không dưới 105/150 (đối với bài thi của Đại học Quốc gia Hà Nội) hoặc 850/1200 (với Đại học Quốc gia TP HCM).
Với phương thức thứ sáu, Đại học Ngoại thương dành 3% chỉ tiêu còn lại tuyển thẳng thí sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Như vậy, ngoài 5 phương thức cũ, năm nay trường bổ sung 1 phương thức mới là xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Với phương thức này, nhà trường cũng ấn định luôn sẽ nhận hồ sơ với thí sinh có kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội từ 105/150 điểm hoặc kết quả bài thi của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh từ 850/1.200 điểm.
Đối với mỗi phương thức, trường cũng sẽ sử dụng những tiêu chí phụ, tiêu chuẩn nhất định.
Học phí dự kiến với chương trình đại trà là 20 triệu đồng/sinh viên/năm. Học phí chương trình chất lượng cao dự kiến là 40 triệu đồng/năm, chương trình tiên tiến dự kiến 60 triệu đồng/năm.
Năm ngoái, điểm chuẩn vào trường là 27-36,6. Tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), nhóm ngành Kinh tế - Quản trị của cơ sở TP. Hồ Chí Minh có điểm chuẩn cao nhất - 28,15, trung bình 9,3 một môn. Kế đó, nhóm ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại trụ sở chính Hà Nội có điểm trúng tuyển 36,6, trong đó ngoại ngữ nhân đôi, trung bình 9,15 điểm một môn.