Ngày hội Tư vấn tuyển sinh Đại học - Cao đẳng vừa diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiều thắc mắc đã được phụ huynh lần học sinh gửi đến đại diện các trường. Trong đó, một phụ huynh đặt câu hỏi: Tôi nghe nói vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội rất khó, để trụ lại không dễ dàng, có lớp trượt môn tới 70%. Không biết tỉ lệ ra trường thì thế nào?".
Đại học bách khoa Hà Nội. Nguồn ảnh: Internet
Trước câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã thay mặt ban tuyển sinh giải đáp. Theo đó, thầy cho biết: "Đúng là Bách khoa đầu vào và đầu ra đều rất khó. Dù thí sinh được tuyển chọn vào đều rất giỏi nhưng vào trường vẫn phải học chăm, giữ vững phong độ, chứ không được phép xả hơi. Nhưng điều đó cũng xứng đáng thôi vì tương lai nghề nghiệp cho các em rất hứa hẹn."
Ông thông tin trung bình mỗi năm, khoảng 700-800 sinh viên hệ chính quy của trường bị buộc thôi học, đa số do không đảm bảo được quy chế của trường.
70-80% trong số sinh viên bị buộc thôi học do sa đà, xác định mục tiêu không rõ ràng. Số còn lại xuất phát từ những nguyên nhân như mất động lực, ốm đau.
Với những sinh viên này, ông Điền cho rằng nếu được hỗ trợ bằng phương án khác, các em có thể khắc phục được khó khăn. Ngoài ra, khi buộc thôi học hệ chính quy, sinh viên vẫn có thể học hệ khác như vừa làm vừa học.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, số lượng sinh viên bị buộc thôi học trên không chỉ có tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Thông tin ông nắm được, các trường kỹ thuật khác như ĐH Thủy lợi, ĐH Giao thông Vận tải cũng có số lượng sinh viên phải bỏ dở việc học không ít hơn con số 700-800 em/năm.
Về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn, con số này của Bách khoa tăng hàng năm. Hiện tại, trường phấn đấu với chương trình kỹ sư 5 năm, 60% sinh viên ra trường đúng hạn. 40% còn lại, không tính những em bị buộc thôi học, sẽ cố gắng trả nợ môn để có thể tốt nghiệp vào năm thứ sáu.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền đưa ra lời khuyên: "Đại học là quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ, các trường bây giờ sẽ siết chặt chất lượng, nên các em xác định vào Đại học là để học, chứ không phải để xả hơi. Hiện nay các trường không chỉ quan tâm đến kiến thức, mà còn rất chú trọng đến thái độ học tập, các kỹ năng... nếu không đáp ứng được những yêu cầu này các em có thể bị buộc thôi học."
Thầy Điền cũng cho biết sự cạnh tranh của ngành đòi hỏi mức điểm đầu vào cao kỷ lục ở Công nghệ thông tin, một trong những ngành học hot nhất trường Bách khoa: "Nếu ra khỏi phòng thi, các em chắc chắn ba môn đều đạt điểm 10 thì hẵng suy nghĩ về việc nộp hồ sơ vào ngành này của trường. Tôi hiểu con số này rất cao nhưng chúng ta cũng cần cân bằng giữa mong muốn và năng lực của mình".
Năm 2021, Đại học Bách khoa sử dụng 2 phương thức chính, cụ thể như sau:
Phương thức 1: Xét tuyển tài năng: 10-20% tổng chỉ tiêu, gồm các phương thức: xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ GDĐT; xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level và IELTS; xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn;
Điều kiện dự tuyển là điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11 và 12 đạt từ 8,0 trở lên (riêng đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2021, lớp 12 chỉ tính học kỳ 1), được công nhận tốt nghiệp THPT và có điểm thi tốt nghiệp THPT đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng do Trường quy định.
Phương thức 2: Xét tuyển theo điểm thi với 80 - 90% tổng chỉ tiêu, gồm các phương thức xét tuyển sau:
Dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 (50-60%) cho các ngành/chương trình đào tạo có tổ hợp xét tuyển A00, A01, B00, D01, D07, D26, D28 và D29.
Dựa trên kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy (30-40%) cho các ngành/chương trình đào tạo có tổ hợp xét tuyển BK1, BK2 và BK3.
Năm nay trường tiếp tục áp dụng hình thức xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT và A-Level cho tất cả các ngành/chương trình đào tạo. Riêng đối với các thí sinh có chứng chỉ IELTS quốc tế 6.0+ (hoặc chứng chỉ tiếng Anh khác tương đương) được đăng ký xét tuyển vào các ngành Ngôn ngữ Anh và Kinh tế - Quản lý.
Đối với hình thức xét tuyển dựa trên hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn, những thí sinh sau đây có thể đăng ký dự tuyển:
Được tuyển thẳng nhưng không dự tuyển hoặc không trúng tuyển vào các ngành theo quy định;
Được chọn tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn HSG cấp tỉnh/thành phố các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Ngoại ngữ (lớp 10, 11, 12);
Được chọn tham dự Cuộc thi KHKT quốc gia do Bộ GDĐT tổ chức; (4) Học sinh hệ chuyên (gồm chuyên Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Ngoại ngữ) của các trường THPT và THPT chuyên trên toàn quốc, các lớp chuyên, hệ chuyên thuộc các Trường đại học, Đại học quốc gia, Đại học vùng;
Được chọn tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia vòng thi tháng, quý, năm.
Đối với hình thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS (Academic) từ 5.0 trở lên hoặc tương đương có thể được quy đổi điểm thay cho điểm thi môn tiếng Anh để xét tuyển vào các ngành/chương trình có tổ hợp xét tuyển A01, D07 và D01.