Ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu 3 tỷ USD vào năm 2020. |
Tại hội nghị “Thúc đẩy thâm canh điều bền vững” được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cảnh báo: Sau mùa vụ thiệt hại nặng nề do thời tiết cực đoan và sâu bệnh, nếu ngành điều không gấp rút tổ chức lại sản xuất sẽ tiếp tục mất trắng ở mùa vụ tiếp theo.
Thứ trưởng Doanh cho rằng không có ngành nào mỗi năm xuất khẩu hàng tỷ đô la mà lại phải nhập tới 2/3 nguyên liệu để sản xuất như ngành điều, chỉ bởi vùng nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được bao nhiêu. Mặc dù tiềm năng phát triển diện tích trồng điều trong nước còn rất lớn, trong khi đó biến đổi khí hậu ngày càng thất thường, các vùng nguyên liệu nước ngoài đang tăng cường cho công nghệ chế biến tại chỗ là một thách thức lớn cho ngành điều trong nước.
Theo Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), ngành điều trong nước chưa từng chứng kiến tình trạng khó khăn như mùa vụ 2017 khi năng suất, sản lượng đều giảm kỷ lục. Nhiều địa phương dù đã chủ động giảm thiểu rủi ro do mưa trái mùa và sâu bệnh, nhưng diện tích phục hồi chưa hoàn toàn, vùng diện tích hư hại nặng lại tập trung nhiều ở các địa bàn hẻo lánh, nơi đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên việc khắc phục những diện tích trồng điều này rất hạn chế.
Theo Cục Trồng trọt, diện tích trồng điều giảm liên tục trong nhiều năm qua (từ 400.000 ha năm 2007 xuống còn 293.000 ha trong năm 2016). Trong khi đó, mặt hàng điều nhân đang được thị trường thế giới tiêu thụ mạnh. Theo số liệu xuất khẩu 10 tháng đầu năm nay của Bộ NN&PTNT, lượng điều nhân xuất khẩu trong 10 tháng của năm nay là 289.000 tấn, giá trị thu về là 2,87 tỉ đô la Mỹ, giảm 0,4% về lượng nhưng lại tăng 23% về giá trị so với cùng kỳ.
Lâu nay cây điều được trồng để xóa đói giảm nghèo nên nhiều hộ dân không có điều kiện chăm sóc như bón phân để tăng năng suất. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lại nhìn thấy đây là cơ hội để tăng giá trị cho cây điều nếu chuyển đổi những diện tích điều này theo hướng sinh thái, hữu cơ. Điển hình như về đề án mô hình liên kết 4 nhà trong phát triển vùng điều bền vững tại Bình Phước.
Ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN cho biết, tỷ lệ diện tích điều già cỗi (trên 20 năm) chiếm 30%, trong khi 80% được trồng từ hạt, không qua chọn lọc giống. Do đó, để phát triển vùng nguyên liệu điều chuyên canh trước hết cần phải tái canh. Tập đoàn PAN sẽ hỗ trợ trồng và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân để phát triển ngành điều của Việt Nam theo hướng sản xuất hàng hóa gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu. “Chúng tôi sẽ thực hiện mô hình thí điểm trên một vùng nguyên liệu với diện tích 10.000 ha ở Bình Phước, thông qua việc liên kết với người nông dân, qua hợp tác xã trong quá trình vận hành mô hình sau đó nhân rộng mô hình và chuyển giao công nghệ cho các hộ và hợp tác xã trong vùng”, ông Hải cho biết thêm.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã đề nghị các ban, ngành từ trung ương đến địa phương khẩn trương hoàn thành, nhất là khi mùa vụ mới sắp bắt đầu. Cụ thể, các địa phương cần có biện pháp chỉ đạo cụ thể, sâu sát hơn nữa đối với nông dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc điều. Cần có chính sách hỗ trợ kịp thời và phù hợp cho nông dân bị thiệt hại nặng, tập trung cho các địa bàn vùng sâu, xa, các nơi đất đai cằn cỗi, đồi dốc và bà con dân tộc thiểu số còn nghèo khó.
Cục Trồng trọt phải phối hợp với Vinacas, Cục Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam sớm tổ chức đoàn đi khảo sát thực tế, đánh giá cụ thể, toàn diện thiệt hại, những diện tích chưa phục hồi hoàn toàn để có biện pháp khắc phục và báo cáo với Bộ NN&PTNT trước ngày 10/11 tới đây. Cục Bảo vệ thực vật cần chủ động phối hợp các hiệp hội, doanh nghiệp hỗ trợ cho các địa bàn khó khăn.
Thứ trưởng cũng đề nghị Vinacas và doanh nghiệp có thêm nhiều biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho các vùng nguyên liệu. Các doanh nghiệp cần liên kết nhiều hơn nữa với nông dân để xây dựng, củng cố vùng nguyên liệu. Các Viện nghiên cứu tiếp tục chủ động với các địa phương để đưa các đề tài, đề án xuống tận tay nông dân.
Triển vọng của ngành điều rất tốt. Trong khi các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước xa xôi thì trong nước, sức khỏe cây điều suy giảm là điều rất đáng lo ngại. Để ngành điều Việt Nam giữ vững vị trí là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực với mục tiêu xuất khẩu 3 tỷ USD vào năm 2020, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo Vinacas và các địa phương cần đẩy mạnh tái canh điều bằng giống tốt cho năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế lớn, đồng thời có khả năng chống chọi với sự bất thường của thời tiết và sâu bệnh.