Thứ 6, 22/11/2024, 09:27 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Ứng dụng đổi mới sáng tạo cho khối tư nhân trong nông nghiệp

Ứng dụng đổi mới sáng tạo cho khối tư nhân trong nông nghiệp
(Tieudung.vn) - Ngày 27/9, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch Việt Nam (AFT) phối hợp với Tổng lãnh sự quán Australia tại TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Ứng dụng đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp cho khối doanh nghiệp tư nhân”.

Nằm trong chương trình tài trợ của Aus4Innocation mà Bộ Ngoại Giao Úc đã hỗ trợ Việt Nam giúp giải quyết vấn đề đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới của thế giới. Hội thảo đã thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN) và nhà khoa học tham dự, hội thảo được chia thành hai phiên: Thủy sản và Trồng trọt.   

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi các thông tin, công nghệ mới; thảo luận xác định nhu cầu của các DN trong đổi mới sáng tạo; tìm hiểu nhu cầu thực tế của các nhà sản xuất nông nghiệp, các hiệp hội nông nghiệp và cơ hội hợp tác tiềm năng với DN trong tương lai. Hội thảo cũng thảo luận xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp trên nền tảng kỹ thuật số, tập trung vào giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Mô tả ảnh
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch AFT phát biểu tại hội thảo.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch AFT cho biết, những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng ổn định, trong đó có vai trò quan trọng của hoạt động áp dụng công nghệ. Sự phát triển đang đặt ra nhiều vấn đề mới đòi hỏi phải có những nghiên cứu với hàm lượng khoa học công nghệ cao hơn. Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học và DN nâng cao khả năng tương tác, kết nối đồng hành đảm bảo khoa học phục vụ sản xuất và sản xuất là mục tiêu của khoa học, mang lại lợi ích tương xứng với tiềm năng.

Nông nghiệp nghiệp Việt Nam từ sau 1975 đến nay đã có sự lột xác mạnh mẽ. Từ chỗ thiếu lương thực, Việt Nam đã trở thành đất nước xuất khẩu gạo, xuất khẩu trái cây. Năm 2018 xuất khẩu nông sản lần đầu đạt được con số kỷ lục 40,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu rau quả đạt 3,52 tỷ USD. Đổi mới, sáng tạo đã đóng góp rất quan trọng trong sự phát triển này. Theo số liệu của bộ Nông Nghiệp và PTNT, trong giai đoạn 2005-2015 các có quan khoa học đã nghiên cứu chọn tạo được 428 giống cây trồng được Bộ NN&PTNT công nhận là giống mới và giống cho sản xuất thử, trong đó 97 giống cây trồng được công nhận chính thức (65 giống lúa, 25 giống ngô, 32 giống đậu đỗ, 14 giống cây củ, 21 giống rau, 31 giống cây ăn quả…) và 175 giống cây trồng các loại được công nhận cho sản xuất thử. Có rất nhiều số liệu về kết quả nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong chăn nuôi, cây lâm nghiệp, cây thuốc…bảo quản sau thu hoạch, không thể kể hết trong khuôn khổ thời gian của bài phát biểu này. 

Mô tả ảnh
Các đại biểu chia thành tổ để trao đổi và tại hội thảo.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản là ngành hội nhập sớm khá sớm. Nhờ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và thay đổi cách thức tiếp cận mà xuất khẩu thủy sản tăng liên tục trong hơn 25 năm qua, gia nhập top 5 các nước xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Đổi mới, sáng tạo đã đóng góp rất quan trọng trong sự phát triển này. Điểm qua vài sự kiện, có thể thấy việc chuyển nghề nuôi cá tra từ sử dụng lồng bè truyền thống sang nuôi trong ao đất với sự kiểm soát nguồn nước, chuyển từ sử dụng thức ăn tự nhiên sang thức ăn công nghiệp là những đổi mới sáng tạo đã giúp gia tăng diện tích và sản lượng đưa cá tra từ một sản phẩm truyền thống, bản địa trở thành một trong hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, Việt Nam trở thành nhà sản xuất phi lê cá thịt trắng nước ngọt lớn nhất thế giới. Hai mươi năm trước, tưởng rằng sinh sản nhân tạo tôm chỉ có thể ở miền Trung với nước biển trong xanh, có độ mặn cao. Ngày nay, trại tôm giống có thể mở ở nhiều tỉnh ven biển, áp dụng công nghệ tiên tiến sản xuất tôm giống sạch bệnh. Trong khu vực chế biến, rất nhiều sáng kiến đã được áp dụng. Từ việc sử dụng gần như toàn bộ thiết bị chế nhập ngoại, ngày nay thiết bị chế biến sản xuất tại Việt Nam đã có vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp chế biến. Nếu 25 năm trước, cả nước Việt Nam xuất khẩu tôm dưới dạng block để làm nguyên liệu cho các cơ sở chế biến nước ngoài thì ngày nay, nhìn vào các sản phẩm thủy sản xuất khẩu hẳn bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên với danh mục sản phẩm phong phú, đa dạng, nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sẵn (ready to eat, ready to cook) phối chế nguyên liệu nông sản cực kỳ tinh tế, đẹp mắt. Đã có những sản phẩm chế biến đạt giải rất cao trong Hội chợ Brussels – hội chợ thủy sản lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, trước cuộc đua tranh đổi mới công nghệ của nhiều nước, Việt Nam vẫn thiếu những sáng tạo giải quyết những vấn đề trên nền tảng những tiến bộ khoa học công nghệ, với sự tham gia của các nhà khoa học. Sự phát triển đang đặt ra nhiều vấn đề mới đòi hỏi phải có những nghiên cứu với hàm lượng khoa học công nghệ cao hơn. Trong thủy sản, các vấn đề từ sinh sản nhân tạo, kiểm soát dịch bệnh, kỹ thuật nuôi trồng, chế biến đến bảo vệ môi trường, tăng năng suất lao động… đều cần có những nghiên cứu, cần đổi mới sáng tạo tích cực hơn. Trong trồng trọt, các vấn đề từ, kiểm soát dịch bệnh, kỹ thuật trồng, chế biến đến bảo vệ môi trường, tăng năng suất lao động, thành… đều cần có những nghiên cứu, đổi mới sáng tạo tích cực và hiệu quả hơn. Khoa học phục vụ sản xuất; sản xuất là mục tiêu của khoa học, tuy nhiên cặp tương tác khoa học- sản xuất và sản xuất- khoa học trong nhiều năm qua vẫn chưa thật sự đồng hành và mang lại lợi ích tương xứng với tiềm năng. Thách thức nước biển dâng có thể là thảm họa nhưng cũng có thể là một lợi thế nếu có một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo có sức sống.

Mô tả ảnh
Ông Shoun Fitzgerald, Lãnh sự Chính trị Kinh tế của Tổng lãnh sự quán Australia tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ tại hội thảo.

Ông Shoun Fitzgerald, Lãnh sự Chính trị Kinh tế của Tổng lãnh sự quán Australia tại TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, với mục tiêu thúc đẩy, nâng cao năng lực sáng tạo và năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam, hội thảo sẽ góp phần hoạt động tăng cường kết nối DN nông nghiệp với công nghệ, thúc đẩy thương mại sản phẩm; thúc đẩy mối liên kết giữa DN, các ngành với công nghệ góp phần giúp DN nông nghiệp, nâng cao năng lực, cạnh tranh, kết nối ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Những năm qua, ngành nông nghiệp đã có những thành tựu đáng ghi nhận, song vẫn còn đó nhiều điểm yếu và thách thức. Khác với một số DN lớn đã tổ chức được sản xuất theo chuỗi khá tốt, các DN vừa và nhỏ (SME) còn nhiều điểm yếu. Hội thảo đã tập trung vào SME này. 

Theo TS. Nguyễn Xuân Trường, Giảng viên trường đại học Tài chính Marketing TP.HCM, các tác nhân trong chuỗi giá trị của nhóm SME liên kết rời rạc và chưa hình thành cũng như tận dụng được hệ sinh thái. Khâu sản xuất, chế biến của các SME hiện nay tuy còn có những tồn tại, song điểm yếu nhất là khâu xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường và tổ chức ngành hàng theo chuỗi giá trị và hệ sinh thái. Đầu ra của ngành nông nghiệp hiện còn phụ thuộc quá nhiều vào đối tác nước ngoài. Dung lượng giá trị gia tăng của ngành còn lớn, nếu các DN làm tốt khâu xây dựng thương hiệu và thương mại hóa trên thị trường quốc tế thì sẽ nâng cao giá trị cho DN cũng như ngành hàng. 

Tags:
3.5 25 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.71322 sec| 801.938 kb