Theo đại diện Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), chế biến và thương mại thủy sản đang phát triển nhanh. Giá trị xuất khẩu những năm qua luôn đứng đầu trong nhóm ngành hàng nông lâm thủy sản (chiếm 23 - 25%), và đứng thứ 4 các nước có tổng số lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất trên toàn thế giới. Năm 2016, xuất khẩu thủy sản đạt trên 7 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng bình quân 7 - 10%/năm. Thủy sản Việt Nam đã được xuất khẩu sang 164 quốc gia và vùng lãnh thổ…
|
Đại diện Ban tổ chức phát biểu khai mạc hội thảo . |
Những năm qua, thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa cũng đã có bước phát triển nhanh chóng. Ngoài 567 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, còn có khoảng 4.000 cơ sở chế biến nhỏ, hộ gia đình, các làng nghề thủy sản với khối lượng 500.000 tấn/năm. Tổng giá trị sản phẩm trung bình khoảng 15.000 tỷ đồng, đặc biệt, đã và đang tạo công ăn việc làm cho trên 40.000 lao động. Tuy giá trị so với xuất khẩu chưa cao, nhưng đã góp phần đa dạng hóa bữa ăn cho 92 triệu người dân, ổn định sản xuất thủy sản khi xuất khẩu gặp khó khăn.
Tại hội thảo, một số khó khăn trong phát triển thị trường thủy sản nội địa đã được các chuyên gia, nhà quản lý và đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản nêu ra. Nổi cộm trong đó là các vấn đề: Tiếp cận các cơ chế, chính sách của Chính phủ về khuyến khích đầu tư. Việc quản lý, giám sát còn chồng chéo. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ sản xuất hạn chế. Chất lượng sản phẩm còn thấp, thiếu ổn định. Cạnh tranh về nguồn nguyên liệu. Đặc biệt là thị hiếu tiêu dùng của người Việt, cụ thể là vẫn thích hàng tươi sống thay vì sản phẩm chế biến sẵn.
Để phát triển được thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa, nhiều ý kiến cho rằng, việc thay đổi thị hiếu tiêu dùng của người dân là vấn đề rất qun trọng. Điều này sẽ có ý nghĩa trong kích thích tiêu dùng, cũng như tạo điều kiện về kinh doanh, qua đó thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến. Bên cạnh tiếp tục có những điều chỉnh về mặt quản lý Nhà nước, giám sát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, các bộ, ban ngành cũng cần nghiên cứu các giải pháp nguồn nguyên liệu, công nghệ chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Hỗ trợ đào tạo lao động, cũng như các giải pháp xúc tiến thương mại để sản phẩm thủy sản đến với mọi nhà.