Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, ngành hàng cà phê là một trong những ngành hàng nông sản xuất khẩu có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển như có hiệp hội, viện nghiên cứu chuyên ngành, ban điều phối ngành hàng, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp FDI đầu tư…, song ngành hàng này vẫn chưa hoàn thiện trong kết nối với thị trường.
Buổi đối thoại về hợp tác công tư và liên kết chuỗi giá trị ngành hàng cà phê. |
Theo TS. Đặng Kim Sơn, Chuyên gia Nông nghiệp, hàng năm Việt Nam xuất khẩu trên 95% sản lượng cà phê sản xuất trong nước đến 80 quốc gia trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 3,2 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, việc liên kết tiêu thụ trong ngành hàng này cũng tồn tại nhiều khó khăn yếu kém như liên kết lỏng lẻo, thiếu kiểm soát, các tổ chức nông dân như hợp tác xã, tổ hợp tác ít, thu mua chủ yếu qua trung gian, bảo quản chế biến chưa được đầu tư đúng mức.
Mặc dù mô hình hợp tác công tư với sự đầu tư của nhà nước và doanh nghiệp triển khai tại hơn 250 vườn mẫu ở 4 tỉnh đã đạt được một số thành công, góp phần tăng năng suất cà phê từ 12% giai đoạn 2012-2014 lên đến 17% giai đoạn 2015-2016. Thu nhập trung bình của nông dân trong mô hình tăng lên 14% trong 5 năm, đồng thời, giảm khí phát thải nhà kính…
TS. Sơn cho rằng, mô hình hiện vẫn còn một số hạn chế như hoạt động vẫn là tập trung vào các khu vực mô hình, quy mô nhân rộng về mặt kỹ thuật còn chậm, kết nối với thị trường ở cả các mô hình còn kém bền vững, chưa xây dựng được chuỗi giá trị cà phê hoàn thiện trên quy mô lớn, chưa có sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp trong nước. Ngoài các chính sách các chương trình, dự án quốc tế, nói chung vai trò của nhà nước chưa mạnh.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - Phó trưởng ban VCCB phát biểu tại hội thảo. |
Theo ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt – Chánh văn phòng VCCB, hợp tác công tư cần quan tâm hơn nữa đến lợi ích người nông dân. Đặc biệt, trong tình hình bất lợi cả về điều kiện canh tác lẫn giá cả, nông dân có xu hướng chuyển đổi sang các giống cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - Phó trưởng ban VCCB, cho rằng, đối tác công tư có 3 cấp độ: tương tác, hợp tác và đối tác. Thời gian tới ngành nông nghiệp hướng đến chương trình cà phê chất lượng cao nhằm mang về thu nhập tốt hơn cho nông dân.
Theo ông Tuấn, việc tương tác để có những mô hình hay những chia sẻ với nhau về công nghệ chế biến, câu chuyện kinh doanh, phân phối, xây dựng thương hiệu còn yếu, không chỉ trong quan hệ đối tác công tư mà cả ngành hàng so với các nước. “Chúng ta không sản xuất nhiều hơn nhưng sẽ sản xuất tốt hơn theo quy chuẩn bền vững hơn. Trên cùng diện tích đất người nông dân sẽ thu nhập nhiều hơn”, ông Tuấn nhấn mạnh.