Đi kèm sở thích chơi búp bê đắt đỏ, những dịch vụ gắn với thú chơi này cũng bùng nổ, từ làm đẹp cho mặt búp bê, thiết kế mô hình nhà cửa, đồ dùng mô phỏng hay trang phục, phụ kiện đi kèm,... Trong đó, nổi nhất là dịch vụ thiết kế cho búp bê những bộ đồ thời trang hợp mốt, mang phong cách riêng.
Lĩnh vực thời trang cho búp bê cũng được chia làm nhiều loại khác nhau. Với những món đồ bình dân, giá chỉ vài chục đến hơn 100.000 đồng/món. Riêng với những bộ trang phục cao cấp được đặt thiết kế riêng thì giá tương đối cao, từ hàng triệu đến hàng chục triệu đồng.
Những chiếc váy được khâu thủ công tỉ mỉ, cầu kỳ từng chi tiết dành cho búp bê. |
Cho PV xem hình ảnh bộ váy dạ hội đính sequin lấp lánh với đường cúp ngực tinh tế, chân váy viền ren trắng, thoạt nhìn tưởng như của khách hàng sắp lên xe hoa đặt may, song, NTK Thân Nguyễn An Kha (TP.HCM) tiết lộ, sản phẩm này không dành cho người. Chiếc váy vốn chỉ dài vỏn vẹn một gang tay, dành riêng cho "nàng thơ" đặc biệt của anh. Đó chính là búp bê.
“Đối với những người có sở thích chơi búp bê, bên cạnh việc sở hữu một em búp bê giá trị, người chơi còn mong muốn “em yêu” của mình cũng được trang bị những món đồ mô phỏng y như thật”, anh nói.
Chính vì thế, người chơi có thể sắm cho búp bê của mình hàng chục, hàng trăm bộ trang phục đủ kiểu dáng, từ truyền thống đến hiện đại, từ váy áo dạ hội hay thời trang dạo phố, đi biển,...
Cũng bởi có đam mê chơi và sưu tầm búp bê, sở hữu trong tay tủ búp bê trị giá cả tỷ đồng, anh Kha đầu tư rất nhiều công sức, thời gian để tạo ra những bộ trang phục tuyệt mỹ, hoàn hảo cho những cô nàng nhỏ nhắn xinh xắn và bán cho những người có cùng sở thích, thậm chí xuất cả đi nước ngoài.
“Mặc dù được giản lược nhiều chi tiết, bởi quần áo cho búp bê không quá phức tạp, nhưng tôi vẫn chú trọng thiết kế sao cho bộ đồ đặc sắc nhất có thể”.
Anh Kha cho biết, trước khi bắt tay làm, anh phải lên ý tưởng, chủ đề thiết kế rồi tìm chất liệu phù hợp. Kích thước búp bê vốn dĩ rất nhỏ, đặc biệt là tay, nên để may chiếc váy, áo ôm khít vừa vặn, anh phải tỉ mỉ đến từng milimet.
Sau khi cẩn thận chọn chất liệu, anh cho ra rập (bản gốc cho một mẫu thiết kế) rồi dựa vào đó để may thử mẫu trang phục. Nếu thấy mẫu đã ổn định, anh và nhân viên mới may nhiều hơn để bán, nhưng cũng chỉ một lượng nhất định để tránh “đụng hàng”. Có bộ anh mới làm xong bản mẫu, vừa đưa lên facebook đã có khách nằng nặc đòi mua, anh đành phải khất vài ngày.
Để thiết kế được knhững bộ trang phục nhỏ xinh cho búp bê, người may phải tốn rất nhiều thời gian nghiên cứu. |
Với một bộ đồ dạo phố, anh Kha may từ 1-2 ngày; còn bộ đồ cầu kỳ, phức tạp hơn với nhiều chi tiết, chẳng hạn đính đá, thêu cườm như váy cưới, trang phục truyền thống các quốc gia, anh mất 2-3 ngày mới hoàn thành xong một bộ. Vì thế, anh cũng không nhận làm theo đơn đặt hàng của khách mà chỉ bán những mẫu do mình thiết kế sẵn.
Do có sự đầu tư công sức, dồn nhiều tâm huyết nên mỗi bộ đồ cho búp bê, anh bán với mức 500-600 USD. Cá biệt, trong “gia tài” của anh có bộ trang phục Nữ hoàng Ai Cập có giá 1.500 USD, làm thủ công hoàn toàn từ quần áo đến phụ kiện đi kèm.
Để bộ trang phục cho sinh động, anh Kha cho biết, anh và nhiều người chơi búp bê còn mua cả giày dép, túi xách,... phù hợp với quần áo. Những món này hầu hết đặt mua ở nước ngoài, chỉ một số ít là tự làm. Song, nếu tính ra, giá của chúng cũng không hề rẻ, thậm chí còn đắt ngang ngửa đồ cho người.
Đi kèm với trang phục không thể thiếu những món phụ kiện nhỏ xinh như mũ, thắt lưng, vòng tay,... |
Cùng chung sở thích nên dù không phải dân thiết kế, chị Minh Thu, giảng viên trường chính trị ở Sơn La, đã tự tay làm ra nhiều bộ trang phục dân tộc độc đáo cho búp bê.
Chị Thu tâm sự, từ nhỏ chị đã có sở thích chơi búp bê, “ăn búp bê mà ngủ cũng búp bê”. Đến khi đi làm, một lần tình cờ thăm bảo tàng dân tộc học, chị bị hút hồn bởi những bộ trang phục của thiếu nữ Thái, Dao,... Nhờ môi trường công tác thuận lợi, được thường xuyên tiếp xúc với đồng bào các dân tộc thiểu số, ý tưởng trang phục dân tộc cho búp bê dần hình thành.
“Tôi đã may những bộ trang phục của người Dao đỏ, Dao tiền, Thái, Tày, Khơ me, Khơ mú, Bana, Mường,... Tuy không thể giống tuyệt đối 100% nhưng tôi cố gắng để chúng sát với thực tế nhất”. Chị Thu cho hay, với mỗi dân tộc có những đặc trưng khác nhau, ví như dân tộc Thái nổi tiếng với chiếc khăn Piêu, hay người Dao đỏ lại có những chùm bông trên đầu,...
Búp bê được khoác lên mình những bộ trang phục đặc trưng của người dân tộc thiểu sổ ở Việt Nam. |
Bộ sưu tập áo dài truyền thống của một người chơi búp bê . |
Do không được đào tạo bài bản, chị Thu gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật may. Việc tìm nguyên vật liệu cũng không dễ dàng, bởi mỗi dân tộc lại có trang phục khác nhau.
Không những vậy, do búp bê có kích thước rất nhỏ, nên để có thể khâu từng mũi thật chính xác, đều đặn, chị Thu mất rất nhiều thời gian. Mỗi ngày, chị dành từ 2-3 tiếng để khâu, và phải sau khoảng 3-4 ngày, chị mới hoàn thiện được một sản phẩm. Mặc dù kỳ công như vậy, nhưng chị chỉ bán bộ đồ mình làm ra với giá trung bình 150.000 đồng/bộ để cùng chia sẻ với những người có chung sở thích.