Vườn Quốc gia Phú Quốc được thành lập theo Quyết định số 91/2001/QĐ-TTg ngày 8/06/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc đảo Phú Quốc thành Vườn Quốc gia Phú Quốc; Quyết định số 48/2002/QĐ-UBND ngày 8/7/2002 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc thành lập Vườn Quốc gia Phú Quốc.
Giám đốc Vườn Quốc gia Phú Quốc Nguyễn Văn Tiệp
Tiềm ẩn nguy cơ phá, cháy rừng rất cao
Hiện Vườn Quốc gia Phú Quốc đang quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn biển với tổng diện tích 77.171 ha, trong đó gồm hợp phần rừng đặc dụng (Vườn quốc gia) 29.596 ha, rừng phòng hộ 6.666 ha, bảo tồn biển 40.909 ha. Với diện tích rừng và biển rộng lớn như vậy, nên công tác quản lý bảo vệ rừng và biển không hề dễ dàng.
Mới đây, huyện Phú Quốc được Trung ương quyết định nâng cấp lên thành phố Phú Quốc, là thành phố biển đảo đầu tiên trong cả nước. Vườn Quốc gia Phú Quốc “nằm trong thành phố và thành phố nằm trong rừng”.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Phú Quốc hiện đang thay đổi từng ngày. Kèm theo đó, đời sống văn hóa, tinh thần, tập quán, nghề nghiệp của thành phố Phú Quốc cũng thay đổi. Cư dân từ khắp cả nước tập trung về thành phố Phú Quốc làm ăn đủ các ngành nghề, từ đó có tác động lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Phú Quốc.
Diện tích rừng ở thành phố Phú Quốc chiếm khoảng 60% tổng diện tích của thành phố, dân cư sống đan xen trong rừng, các tuyến đường giao thông xuyên qua rừng… Từ đó tiềm ẩn nguy cơ rừng bị phá, lấn chiếm, và mùa khô tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.
Từ những nguy cơ nêu trên, các cấp lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và lãnh đạo thành phố Phú Quốc đã có nhiều văn bản chỉ đạo sâu sát cho Vườn Quốc gia Phú Quốc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng có hiệu quả.
Theo báo cáo của Vườn Quốc gia Phú Quốc, với diện tích rừng được giao quản lý rộng lớn, trong khi đó nhân sự còn mỏng, phương tiện và dụng cụ trong quản lý bảo vệ, tuần tra rừng và biển cũng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Một góc rừng Bãi Thơm
Tuy nhiên, với sự nỗ lực và tâm huyết của toàn thể lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức Vườn Quốc gia Phú Quốc, trong nhiều năm qua Vườn Quốc gia Phú Quốc đã thực hiện nhiều giải pháp trong quản lý, bảo vệ rừng. Công tác phòng chống cháy rừng trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả, nhiều năm liền không xảy ra cháy rừng. Tình hình lấn chiếm đất rừng cũng được ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Vườn Quốc gia Phú Quốc còn giữ được nguyên vẹn 3 hệ sinh thái rừng đặc trưng của thành phố gồm: Hệ sinh thái rừng thường xanh cây họ dầu; hệ sinh thái rừng ngập mặn; hệ sinh thái rừng tràm, truông nhum. Đây là 3 hệ sinh thái đặc trưng của Vườn Quốc gia Phú Quốc, với 9 sinh cảnh rừng tự nhiên (gồm: sinh cảnh rừng nguyên sinh cây họ dầu, sinh cảnh rừng thưa cây họ dầu, sinh cảnh rừng tràm, sinh cảnh rừng ngập mặn, sinh cảnh rừng truông nhum, sinh cảnh rừng khô hạn, sinh cảnh rừng trên núi đá, sinh cảnh trảng tranh và sim mua, sinh cảnh rừng thứ sinh ven biển).
Khi mọi người bước lên bến tàu bãi Vòng đảo Phú Quốc nhìn về phía Bắc, hoặc từ trên máy bay nhìn xuống, thấy các dãy rừng xanh bạt ngàn nối tiếp nhau trải dài từ Bắc đến Nam đảo một màu xanh ngát. “Để giữ được màu xanh rừng Vườn Quốc gia Phú Quốc như vậy không phải là chuyện đơn giản. Đó là cả một sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ giữ rừng. Những cán bộ Vườn Quốc gia Phú Quốc đã đổ biết bao công sức, mồ hôi ngày đêm tuần tra, bảo vệ rừng trong suốt những năm qua!”, ông Nguyễn Văn Tiệp - Giám đốc Vườn Quốc gia Phú Quốc nhận xét.
Buổi tuần tra của Đội quản lý bảo vệ rừng Xóm Mới
Đoàn kết bảo vệ rừng xanh của tổ quốc
Ngày 13/4/2022, chúng tôi theo chân Đội quản lý bảo vệ Xóm Mới thực hiện khảo sát vào sâu trong rừng. Đội quản lý bảo vệ Xóm Mới hiện có 3 nhân sự (gồm: Trần Tuấn Anh, Đặng Anh Huy, Nguyễn Minh Phương), bảo vệ diện tích rừng trên 2.400 ha. Ông Tuấn (55 tuổi, quê tỉnh Thái Bình) cho biết, ông vào làm công tác bảo vệ rừng ở Phú Quốc Từ năm 1996, rồi lập gia đình và định cư tại đảo này. Đến nay, ông Tuấn đã gắn bó với công tác bảo vệ rừng Phú Quốc gần 30 năm.
“Hiện biên chế nhân sự bảo vệ rừng hạn chế, cho nên anh em chúng tôi phải đoàn kết, nỗ lực rất nhiều, cố gắng hoàn thành tốt trách nhiệm bảo vệ toàn bộ diện tích rừng được giao. Lịch đi tuần tra bảo vệ rừng của anh em cũng không cố định. Nhiều khi đang ăn cơm, hoặc đêm đang ngủ mà nghe tin báo xảy ra sự việc gì chúng tôi vẫn phải nhanh chóng triển khai nhân sự thực hiện nhiệm vụ. Nhờ công tác quản lý bảo vệ rừng chặt chẽ, duy trì liên tục nên hiện nay tình trạng người dân khai thác rừng đã giảm trên 90%, chỉ còn lại một số trường hợp người dân vào rừng chặt những cây nhỏ để phục vụ cho nhu cầu tại chỗ, làm chuồng gà, phơi cá...”, ông Tuấn chia sẻ.
Cán bộ Đội quản lý bảo vệ rừng Bãi Thơm quan sát phòng cháy rừng
Tại Đội quản lý bảo vệ rừng Bãi Thơm, anh Lương Đức Tuấn (52 tuổi, quê Phú Thọ, tham gia công tác bảo vệ rừng Phú Quốc gần 30 năm) cán bộ bảo vệ rừng cho biết, công việc hàng ngày từ sáng sớm anh cùng tổ bảo vệ rừng đi tuần tra, sau đó về trực tại chòi canh gác phòng cháy, chữa cháy rừng. Các cán bộ hàng ngày từ sáng sớm đến tận chiều tối thay phiên nhau lên chòi quan sát phòng cháy rừng.
“Hàng ngày, chúng tôi luôn thực hiện công tác tuần tra chống chặt phá, phòng chống cháy rừng. Tùy theo thời điểm và tình hình thực tế, có ngày chúng tôi đi bộ xuyên rừng tuần tra từ 10 đến hơn 20 cây số. Sau đó về trực tại chòi canh gác phòng cháy, chữa cháy rừng. Vì vậy, nhiều năm qua khu vực rừng Bài Thơm đã không xảy ra cháy và chặt phá rừng”, Tuấn cho biết.
Những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ
Hiện Vườn Quốc gia Phú Quốc quản lý bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn biển với tổng diện tích 77.171 ha.Số lượng cán bộ biên chế được UBND tỉnh Kiên Giang giao là 98 người. Tổ chức bộ máy gồm: Giám đốc và 2 Phó Giám đốc, 3 phòng chuyên môn và 1 đơn vị trực thuộc là Trung tâm Du lịch sinh thái và cứu hộ sinh vật.
Phòng quản lý bảo vệ và phát triển rừng Vườn Quốc gia có 49 viên chức được bố trí ở 15 Đội quản lý bảo vệ rừng ở cơ sở, mỗi Đội có 2 đến 3 người thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với diện tích bình quân khoảng 2.417 ha/đội.
Vườn Quốc gia Phú Quốc còn giữ được nguyên vẹn 3 hệ sinh thái rừng
“Trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, lực lượng bảo vệ Vườn Quốc gia Phú Quốc thực hiện công tác tuần tra kiểm soát và ngăn chặn hàng trăm vụ vi phạm có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp; kịp thời bàn giao cho Hạt Kiểm lâm thành phố và UBND các xã xử lý các vụ việc theo thẩm quyền”, Giám đốc Nguyễn Văn Tiệp cho biết.
Cũng theo Giám đốc Nguyễn Văn Tiệp, hiện nay, trong công tác bảo vệ rừng, lực lượng bảo vệ rừng Vườn Quốc gia đang gặp không ít khó khăn. Diện tích rừng lớn trên 36.000 ha phân bố rộng từ Bắc đến Nam đảo và cả quần thể đảo Nam An Thới nằm trong Khu bảo tồn biển 40.000 ha. Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ rừng chưa đến 50 người và phân bố ở 15 Đội quản lý bảo vệ rừng, mỗi Đội khoảng 2-3 người. Trách nhiệm quản lý, bảo vệ với diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ và Khu bảo tồn biển với diện tích 77.171,47 ha là một áp lực đối với Vườn Quốc gia Phú Quốc.
Bên cạnh đó, hiện lực lượng bảo vệ rừng Vườn Quốc gia không có thẩm quyền xử lý khi bắt được đương sự vi phạm bảo vệ rừng. Trong trường hợp này, chúng tôi bàn giao cho chính quyền địa phương hoặc kiểm lâm xử lý. Trong khi đó, thủ đoạn của các đối tượng phá rừng thường diễn ra vào các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần, thời gian vào lúc khoảng 1-2 giờ sáng, có tổ chức đông người. Khi bắt được đối tượng vi phạm phá rừng khai làm thuê, không rõ địa chỉ….
Nỗ lực bảo vệ thành phố trong rừng
“Làm nhiệm vụ không kể ngày đêm, mưa nắng luôn trực chiến ngoài rừng, mùa mưa như mùa nắng rất vất vả. Cán bộ quản lý bảo vệ rừng ở ngay tại chỗ một tuần lễ mới về nhà một lần. Trong khi, chế độ chính sách của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng đối mặt với nhiều nguy hiểm nhưng không được hưởng các chế độ như lực lượng kiểm lâm”, ông Tiệp cho biết thêm.
Trong điều kiện thành phố Phú Quốc đang trên đà phát triển, giá đất tăng cao, dân tạm cư các nơi đến ngày càng nhiều, với quân số của lực lượng quản lý bảo vệ rừng rất ít như vậy thì việc thực hiện nhiệm vụ của Vườn Quốc gia Phú Quốc còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, cần có sự vào cuộc của các cấp các ngành và cả hệ thống chính trị mới có thể giữ được màu xanh trên quê hương thành phố “đảo ngọc” này.
“Xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng Vườn Quốc gia Phú Quốc là trách nhiệm của chúng tôi, do vậy, ngoài công tác tuần tra, kiểm soát ngăn chặn kịp thời các vụ phá rừng, phòng chống cháy rừng…chúng tôi tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới các bên liên quan trong công tác bảo vệ rừng. Luôn phối hợp với địa phương, tổ chức các cuộc họp, cho bộ phận phát triển du lịch đi từng ấp tuyên truyền người dân, nêu cao tinh thần bảo vệ rừng nhằm phát triển rừng Phú Quốc ngày càng phong phú, phục vụ cho du lịch xanh” Giám đốc Nguyễn Văn Tiệp |