Theo nội dung công điện, đêm 12 đến sáng ngày13/4 đã xảy ra hai vụ cháy rừng trên địa bàn phường Đại Yên và thị trấn Bình Liêu làm khoảng 40 ha rừng bị thiệt hại, đến nay, đám cháy cơ bản đã được dập tắt.
Thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi lời thăm hỏi, động viên, biểu dương các lực lượng quân đội, công an, kiểm lâm, dân quân và nhân dân trên địa bàn đã khẩn trương phối hợp xuyên đêm kịp thời chữa cháy, nhanh chóng khống chế, dập tắt đám cháy; đồng thời chia sẻ khó khăn đối với các hộ dân bị thiệt hại do cháy rừng.
Hiện trường vụ cháy rừng tại tỉnh Quảng Ninh. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Thời gian qua, cháy rừng đã xảy ra ở một số địa phương như Hà Giang, Sơn La, Tuyên Quang, Kiên Giang… Hiện nay, cơ quan chức năng đang cảnh báo cháy rừng Cấp V ở nhiều nơi của khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời gian tới nhiệt độ ở Bắc Bộ và Trung Bộ tăng nhanh, xảy ra nắng nóng trên diện rộng, nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Để tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả vụ cháy rừng phường Đại Yên, TP Hạ Long và thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu.
Cùng với đó, điều tra làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm những đối tượng cố tình vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; khắc phục hậu quả sau cháy rừng và phục hồi diện tích rừng bị cháy.
Người đứng đầu các tỉnh, thành phố được giao tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, khắc phục hậu quả cháy rừng theo phương châm bốn tại chỗ, với tinh thần chủ động, kịp thời, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Đồng thời, chỉ đạo UBND các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm, từ xa; phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
Các tỉnh, TP tổ chức rà soát, xác định các khu vực trọng điểm phân công lực lượng ứng trực 24/24; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất...