Thứ 2, 25/11/2024, 14:15 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Thủ tướng nói về nạn phá rừng: "Cây gỗ chứ có phải cây kim mà đưa khỏi rừng không biết"

Thủ tướng nói về nạn phá rừng: "Cây gỗ chứ có phải cây kim mà đưa khỏi rừng không biết"
(Tieudung.vn) - Ngày 14/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và giải pháp trong thời gian tới”.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Bộ Quốc phòng, Bộ TN&MT, Bộ Công an, đại diện lãnh đạo 60/63 tỉnh, TP có rừng.

Thủ tướng nói về nạn phá rừng: "Cây gỗ chứ có phải cây kim mà đưa khỏi rừng không biết"
Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự hội nghị đánh giá thẳng thắn, đúng mức, đặc biệt là về hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đầu cầu Hà Nội có sự tham dự của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, cùng đại diện các sở, ngành và 7 địa phương có rừng của Hà Nội.

Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu: từ những tồn tại, hạn chế, cần phải được chỉ rõ, phân tích nguyên nhân. “Nhất là những công trình thủy điện nhỏ nhưng lại phá rừng rất lớn, trong khi việc trồng rừng trở lại chưa được bao nhiêu” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Liên quan tới vi phạm quản lý, bảo vệ rừng, Thủ tướng cho rằng: “Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không phát hiện được, liệu có tiêu cực trong vấn đề này không?”. Vì vậy, vấn đề kỷ cương, kỷ luật trong quản lý bảo vệ rừng phải được đặt ra, không có vùng cấm trong xử lý vi phạm. Tuy nhiên, chế tài thế nào, mạnh mẽ ra sao, kịp thời ra sao cần đặt ra.

Thủ tướng cũng gợi ý các ý kiến cần bàn giải pháp làm sao nâng cao người dân tham gia bảo vệ rừng. Cần cho ý kiến về những giải pháp tốt hơn cho người dân đủ sống, tránh cuộc sống bấp bênh. Tinh thần là địa phương có rừng phải sống được bằng nghề rừng. Đặc biệt là tình trạng di dân tự do cần được đặt ra để bàn, để hạn chế tình trạng phá rừng, nhất là ở Tây Nguyên. Về lâu dài tính bài toán kinh tế nào để người dân thoát nghèo, phát triển bền vững chứ không phải cứ cấm đơn thuần…

Theo kết quả tổng điều tra kiểm tra hiện trạng rừng toàn quốc, tổng diện tích rừng toàn quốc năm 2016 là 14,3 triệu héc-ta. Độ che phủ rừng đạt gần 41,2%. Giá trị lâm nghiệp tăng bình quân 6,75% giai đoạn 2013 - 2016. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 6,52 tỷ USD/năm giai đoạn 2012 - 2015. Năm 2016 đạt 7,3 tỷ USD. Ước tính năm 2017 đạt 7,7 tỷ USD. Dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn thu tài chính quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng. Năm 2017, ước tính chi trả dịch vụ rừng năm 2017 đạt 1.650 tỷ đồng. 

4/5 tỉnh Tây Nguyên có diện tích rừng tự nhiên giảm

Dù đã triển khai nhiều giải phát phát bảo vệ và phát triển rừng, tuy nhiên, diện tích rừng tự nhiên toàn quốc vẫn giảm. Điển hình, Tây Nguyên đã giảm 3.170ha rừng tự nhiên (tính riêng trong năm 2016). Đáng chú ý khi 4/5 địa phương khu vực Tây Nguyên, diện tích rừng trồng mới thì ít mà bị thiệt hại thì nhiều hơn. Đơn cử như: Đắk Nông trồng 5.785ha, giảm 8.132ha rừng tự nhiên; Gia Lai trồng 743ha, giảm 1.894ha rừng tự nhiên; Kon Tum trồng mới 331ha, rừng tự nhiên giảm 525ha; Đắk Lắk trồng 417ha, rừng tự nhiên giảm 597ha. Riêng chỉ có Lâm Đồng, diện tích rừng trồng 1.017ha, rừng tự nhiên giảm 478ha, qua đó, diện tích rừng tự nhiên tăng 539ha. 9 tháng đầu năm 2017, khu vực Tây Nguyên phát hiện 3.877 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng. Diện tích rừng bị thiệt hại 444ha (chiếm tới 53,7% tổng diện tích rừng bị thiệt hại của cả nước). Đây cũng là khu vực có 2/5 địa phương còn tình trạng phá rừng nghiêm trọng nhất. 

Thủ tướng nói về nạn phá rừng: "Cây gỗ chứ có phải cây kim mà đưa khỏi rừng không biết"
 Toàn cảnh Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội.

Vi phạm rừng vẫn diễn biến phức tạp

9 tháng đầu năm 2017 cả nước phát hiện 13.718 vụ vi phạm các quy định của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 3.439 vụ (21%). Diện tích rừng bị thiệt hại 1.257ha (giảm 71% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó, diện tích phá rừng là 910ha và 347ha rừng bị cháy. Thu nộp ngân sách Nhà nước trên 129 tỷ đồng, tịch thu 14.345m3 lâm sản. Tổng hợp các địa phương, giai đoạn 2012 - 2017, điện tích rừng thiệt hại do phá rừng trái pháp luật là 4.218ha, chiếm 11% tổng diện tích rừng bị mất. Trong 9 tháng đầu năm 2017, cả nước phát hiện 1.697 vụ phá rừng trái pháp luật, giảm 118 vụ, trong đó, riêng khu vực Tây Nguyên phát hiện 757 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích rừng bị thiệt hại tăng 53%, so với cùng kỳ năm 2016. Một số trọng điểm phá rừng tập trung là: Đắk Nông, Kon Tum, Bắc Kạn, Bình Định, Điện Biên.

Hà Nội: Trồng mới 34,6ha, cháy gần 64,5ha rừng

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, diện tích đất có rừng trên địa bàn TP là trên 20.000ha với tỷ lệ che phủ rừng đạt 5,6%. Diện tích đất lâm nghiệp theo quy hoạch chưa có rừng là trên 7.678ha. Rừng trên địa bàn Hà Nội được phân bố tại 7 huyện, thị xã: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn và Sơn Tây (tổng số xã có rừng và đất lâm nghiệp là 62 xã). Trong thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng TP Hà Nội được các cấp, ban ngành quan tâm. Trong năm 2017, ngân sách TP và UBND huyện Sóc Sơn đã giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho hơn 6.500ha rừng phòng hộ, đặc dụng (chiếm 72% diện tích rừng toàn TP quản lý). 9 tháng đầu năm 2017, Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo tuần tra, canh gác, trực 17 chòi canh lửa phát hiện sớm lửa rừng. Tuy nhiên, do thời tiết biến đổi thất thường nên từ đầu năm, trên địa bàn TP xảy ra 17 vụ cháy rừng gây thiệt hại trên 64ha. Thực hiện hỗ trợ kinh phí cho 23 thôn, bản vùng đệm khu rừng đặc dụng Hương Sơn (Mỹ Đức) với mức tiền hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn, bản. Diện tích rừng trồng mới năm 2017 ước tính trên 34,6ha. Toàn TP đến nay đã trồng mới được trên 700.000 cây xanh (kế hoạch cả năm 2017 là 878.000 cây xanh). Dù đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn TP vẫn xảy ra 86 vụ vi phạm phát luật về bảo vệ rừng. Các đơn vị chức năng đã tịch thu 1.163 cá thể động vật hoang dã; 38,86m3 gỗ quy tròn, xử phạt vi phạm hành chính và bán lâm sản tịch thu, nộp ngân sách trên 1,9 tỷ đồng.

Giám sát chặt chẽ quản lý bảo vệ rừng

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, bảo vệ, phát triển rừng hiện có vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa lâu dài, phải được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Trong giai đoạn tới, bên cạnh triển khai các giải pháp xác định tại Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT sẽ nghiêm túc thực hiện đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên. Kiểm soát chặt chẽ các chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Tăng cường giải pháp phòng chống chặt phá rừng trái pháp luật.

Nhiều đề xuất giải pháp quản lý, bảo vệ rừng

Nhằm quản lý, khai thác có hiệu quả tài nguyên rừng, nhiều địa phương đã đề xuất các giải pháp.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Lai Châu cho rằng, cần thiết tăng giá dịch vụ rừng trong giao khoán bảo vệ rừng. Cho phép đưa diện tích có cây tái sinh vào dịch vụ môi trường rừng. Đại diện tỉnh Lai Châu cũng cho rằng, nên giao quyền chủ động trồng rừng cho từng địa phương. Đồng thời, cho phép thử sáp nhập Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và Chi cục kiểm lâm nhằm tăng cường công tác quản lý. Những đề xuất của tỉnh Lai Châu được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hòa cho rằng, cần kiên quyết không cho phép chuyển đất rừng ven biển sang mục đích khác. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hải Ninh kiến nghị: Cần có phần mềm quản lý thông tin (như ngành thuế) từ T.Ư đến địa phương, từ đó xác định được ai là người chịu trách nhiệm. Theo ông Ninh: Thực tế hiện nay có tình trạng chỉ ra được diện tích rừng bị mất, nhưng lại không quy được trách nhiệm cho đơn vị, cá nhân nào. Ông Ninh cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách di dời dân đang sinh sống trong rừng, nhằm giảm tác động đến môi trường rừng. Riêng tại Đắk Lắk hiện vẫn còn gần 5.000 hộ dân với khoảng 25.000 nhân khẩu đang sống trong rừng...

Kiến nghị của TP Hà Nội đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng: Đề nghị Bộ NN&PTNT quy định cụ thể cơ chế báo cáo, phối hợp giữa Vườn Quốc gia trực thuộc Bộ với các cơ quan chuyên môn địa phương về lĩnh vực lâm nghiệp. Vì theo Luật bảo vệ và phát triển rừng thì vườn quốc gia là một chủ rừng, nhưng lại là cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn các địa phương. Do đó công tác quản lý bảo vệ rừng nói chung như: Hoạt động du lịch sinh thái, xây dựng cơ sở hạ tầng,… không được kiểm tra, giám sát thường xuyên. Đặc biệt, vấn đề quy hoạch các vườn quốc gia thuộc Bộ NN&PTNT chưa có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương nên rất khó phát hiện các hoạt động vi phạm quy hoạch.  

Không để sự phát triển gây tổn hại tới tài nguyên rừng

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Từ khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng sau cuộc làm việc với các tỉnh Tây Nguyên thì tình hình phá rừng đã được hạn chế. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn xảy ra, có nơi rất nghiêm trọng. Nguyên nhân đầu tiên vẫn là ý thức trách nhiệm, vấn đề quy hoạch còn chưa rõ ràng, chưa có ý nghĩa về mặt thực tiễn. Nhất là gắn quy hoạch phát triển rừng với các quy hoạch phát triển có hiệu quả chưa cao. Việc tổ chức quản lý, thực hiện quy hoạch bảo vệ phát triển rừng chưa tốt.

Phó Thủ tướng đề nghị không được giảm diện tích rừng. Nơi nào giảm thì phải trồng bù nơi khác. Gắn bảo vệ phát triển rừng với phát triển kinh tế , nâng cao đời sống người dân. Không để người dân sống nhờ rừng gặp khó khăn. Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị cần gắn các quy hoạch phát triển với quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng. Bộ NN&PTNT xây dựng cơ chế sử dụng đất rừng, các công trình đầu tư xây dựng trên diện tích rừng. Làm rõ nguồn lực về bảo vệ phát triển rừng. Cùng với đó, cần hoàn thiện thể chế chính sách, để kêu gọi người dân tham gia bảo vệ rừng. Phó Thủ tướng đồng tình với đề xuất đóng cửa rừng tự nhiên. Kiểm soát chặt chẽ việc canh tác cây trồng trên đất rừng. Phát triển mạnh rừng sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, tăng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Giám sát chặt chẽ các công trình hạ tầng, các dự án khai thác, chế biến khoáng sản, văn hóa du lịch…, nhất là các nhà máy thủy điện, liên quan tới sử dụng đất rừng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Không cấm xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, bao gồm cả thủy điện. Tuy nhiên, không để sự phát triển gây tổn hại tới tài nguyên rừng.

Xử lý nghiêm người đứng đầu để xảy ra vi phạm

Mô tả ảnh
Rừng phòng hộ tại khu vực ấp 7, thị trấn An Thới, Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang bị chặt phá nghiêm trọng - Ảnh: Trường Giang.

Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng thời thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay: Diện tích rừng Tây Nguyên tiếp tục giảm. Tình trạng phá rừng còn phổ biến tại nhiều địaphương. Vẫn còn địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng không theo quy hoạch. Cùng với đó, năng lực quản lý Nhà nước, ý thức trách nhiệm của một bộ phận còn chưa hiệu quả, còn bị buông lỏng.

Theo đó, Thủ tướng cho rằng, nhận thức về quản lý và bảo vệ rừng cần phải thay đổi. Các cấp ủy chính quyền và người dân các địa phương cần nâng cao vai trò trách nhiệm đối với nhiệm vụ chung. “Đối với những địa phương để xảy ra vi phạm rừng nghiêm trọng, cần xử lý người đứng đầu” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn tới,Thủ tướng chỉ đạo: Tăng cường quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng. Quan tâm hơn tới giải pháp ngăn chặn chặt phá rừng. Chú trọng trồng mới rừng và không khai thác gỗ rừng tự nhiên. Quan tâm tạo sinh kế gắn với bảo vệ, phát huy giá trị rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Kiểm soát chặt chẽ việc giao đất rừng cho các tổ chức, cá nhân để triển khai các dự án. Tạm dừng chuyển mục đích rừng tự nhiên nghèo. Trước khi triển khai cải tạo rừng ven biển, cần có đánh giá tác động.

Theo Thủ tướng, rừng trồng sẽ là hướng phát triển lâu dài. Theo đó, các bộ ngành các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi hủy hoại rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng không đúng mục đích. Giải quyết triệt để tình trạng di dân tự do, gắn với tạo sinh kế bền vững. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả dịch vụ chi trả rừng. Từng bước khôi phục diện tích rừng phòng hộ, trong đó có rừng phòng hộ ven biển…

Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp kiểm tra đôn đốc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, chú ý ngăn chặn, chấm dứt hợp thức hóa những khu vực “đất rừng vàng”. Bộ Công Thương rà soát các dự án thủy điện; Đối với các dự án không trồng rừng thay thế và có tác động lớn tới môi trường, dân sinh… thì kiên quyết không cấp phép. Bộ & Truyền thông tăng cường thông tin về các trường hợp vi phạm rừng để tạo hiệu ứng sâu rộng nâng cao nhận thức, tạo sức răn đe đối với các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ rừng…

Tags:
4.7 21 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tỷ giá

Pháp luật

Mạo danh cán bộ ngân hàng tuyển dụng người nhân viên để lừa đảo
(Tieudung.vn) Công an TP Hà Nội thông tin, thời gian qua, địa phương có hiện tượng lừa đảo qua...
 
Cẩn trọng với lời mời cho vay lãi suất thấp qua tin nhắn
(Tieudung.vn) Gần đây, các thủ đoạn lừa đảo tài chính trực tuyến đang gia tăng, đặc biệt là hình...
 
Một viên chức ở Bình Dương xin phép xây nhà cho người ở...khi xây lại
(Tieudung.vn) Tháng 10/2020, HĐND tỉnh Bình Dương đã ban hành Nghị quyết về quy định xây nhà nuôi chim...

Muôn màu

Lễ hội Hoa hướng dương
(Tieudung.vn) Trong mùa lễ hội của những tháng cuối năm để chào đón năm mới sắp đến, du khách...
 
Tử vi ngày 25/11/2024 của 12 cung hoàng đạo: Song Ngư có cơ hội để gia tăng thu nhập
(Tieudung.vn) Tử vi hàng ngày Thứ hai ngày 25/11/2024 của 12 cung hoàng đạo, Song Ngư sẽ có...
 
Tử vi ngày 24/11/2024 của 12 cung hoàng đạo: Xử Nữ nên cân đối thu chi
(Tieudung.vn) Tử vi hàng ngày Chủ nhật ngày 24/11/2024 của 12 cung hoàng đạo, Xử Nữ hãy chú...

Du lịch - Ẩm thực

Việt Nam tiếp tục được vinh danh là
(Tieudung.vn) Việt Nam vừa được Tổ chức Giải thưởng Golf thế giới (World Golf Awards) lần thứ 11 vinh...
 
Phở bò Việt Nam lọt top 20 món súp ngon nhất thế giới
(Tieudung.vn) Món phở bò của Việt Nam tiếp tục ghi danh trong danh sách 20 món súp ngon nhất...
 
3 điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống
(Tieudung.vn) An toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu trong ngành kinh doanh dịch vụ ăn...
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
2.58280 sec| 936.141 kb