Ngày 29/5, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bị án Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn (SN 1972, nguyên Phó Giám đốc Vietinbank - Chi nhánh Nhà Bè).
"Siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn tại phiên tòa. |
Lập công ty sân sau để cho vay lãi cao
Trong phần tranh luận tại phiên tòa, Luật sư Nguyễn Văn Ngoan (bào chữa cho Huyền Như) lập luận: “Huyền Như chiếm đoạt được tiền của 5 công ty là do chính những sai phạm, sơ hở, tắc trách của chủ tài khoản. Các công ty đều có người đại diện thỏa thuận ngoài với Như về việc gửi tiền vượt trần quy định. Các công ty thực chất là sân sau của các ngân hàng nhằm che dấu giao dịch gửi tiền sai quy định (Công ty Phương Đông, Công ty An Lộc là trung gian của Ngân hàng TMCP Tiên Phong – TPBank; Công ty Hưng Yên là trung gian của Ngân hàng TMCP Hàng Hải). Tài khoản thanh toán của các công ty này, mở tại Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh là theo sự sắp đặt của Như để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp với Như nhằm kiếm lời, không phải để thanh toán cho hoạt động của đơn vị mình. Thậm chí chủ tài khoản trao quyền quản lý, định đoạt tài sản cho Như ngay từ khi thực hiện giao dịch, chưa ký hợp đồng nhưng vẫn chuyển tiền đến (Công ty An Lộc).
Còn các luật sư của Vietinbank cho rằng từ năm 2011 Ban lãnh đạo TPBank đã có chủ trương chuyển tiền cho công ty “sân sau” là Công ty CP Quản lý Quỹ Lộc Việt (Quỹ Lộc Việt) dưới hình thức hợp đồng Quản lý danh mục đầu tư (HĐQLDMĐT) để gửi vào các tổ chức tín dụng (TCTD) và giao cho bà Lê Thị Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm nguồn vốn của TPBank. Thực hiện chủ trương trên, bà Phương đã đề xuất cấp hạn mức cho Quỹ Lộc Việt và được TPBank chấp thuận. Trên cơ sở này, TPBank ký 03 HĐQLDMĐT với Quỹ Lộc Việt tổng số tiền 670 tỷ đồng. Sau đó bà Phương thỏa thuận với Huyền Như về việc TPBank sẽ thông qua Quỹ Lộc Việt chuyển tiền cọc mua trái phiếu cho Công ty An Lộc, để Công ty An Lộc thực hiện gửi tiền vào Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh với lãi suất ghi trong hợp đồng là 14%/năm, lãi suất ngoài hợp đồng từ 5,2 - 5,5%/năm và khoản phải chi trả riêng cho bà Phương là 2% trên tổng số tiền gửi. Do đang cần tiền trả nợ cho các khoản vay trước đó nên Huyền Như đồng ý ngay. Ngày 12/8/2011, Như làm Hợp đồng tiền gửi giả chữ ký ông Hà Anh Tuấn - Giám đốc chi nhánh Vietinbank Nhà Bè, đóng dấu giả chi nhánh Vietinbank Nhà Bè để ký với Công ty An Lộc nhận tiền gửi 100 tỷ đồng. Từ ngày 15/8/2011 đến 5/9/2011, Như tiếp tục đề xuất lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh ký 10 hợp đồng tiền gửi với Công ty An Lộc tổng số tiền 470 tỷ đồng. Cả 10 hợp đồng này Công ty An Lộc chưa ký. Toàn bộ lãi suất chi trả ngoài hợp đồng, số tiền chi riêng cho cá nhân bà Phương đã không được Như báo cho lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh.
Cũng theo các luật sư của Vietinbank, mọi giao dịch của Công ty An Lộc đều do nhân viên TPBank thực hiện trực tiếp với Như. Hợp đồng giữa TPBank với Quỹ Lộc Việt để thông qua 2 công ty con là Công ty An Lộc và Công ty Đức Minh Quang chỉ là hợp đồng hình thức để TPBank gửi vốn vào Vietinbank hưởng chênh lệch lãi suất cao. Quỹ Lộc Việt và Công ty An Lộc hoàn toàn làm theo sự sắp xếp và chỉ định của bà Phương. Về số tiền bà Phương được Như chi trả, tại tòa bị án Như vẫn giữ lời khai đã chi cho bà Phương số tiền 40 tỷ đồng “hoa hồng”.
Kế toán trưởng SBBS nhận gần 10 tỷ “hoa hồng” từ Huyền Như!
Cũng theo các luật sư của Vietinbank, tại bản án phúc thẩm năm 2015 vụ án Huyền Như, kết luận bà Vũ Thị Mỹ Linh (Kế toán trưởng SBBS) từ tháng 5/2010 thông qua môi giới tên Hải, biết Huyền Như nhận tiền gửi với lãi suất cao, ngoài 14%/năm theo quy định của NHNN còn lãi ngoài chênh lệch thêm 16-18%/năm cho Công ty SBBS và Linh, Hải môi giới (tổng cộng 32-36%/năm). Đến khi Huyền Như bị bắt thì bà Linh nhận được 9,9 tỷ đồng, và Hải nhận được 2,9 tỷ… Tất cả hợp đồng mà bà Linh ký kết với Huyền Như là hợp đồng giả. Theo đó để SBBS tin tưởng giao tiền cho Như, từ ngày 18/5/2011 đến 31/8/2011 Huyền Như đã làm giả 14 hợp đồng ủy thác đầu tư (UTĐT) giữa công ty SBBS với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè bằng cách Như tự ký giả chữ ký của ông Hà Tuấn Anh, Võ Anh Tuấn (Giám đốc, Phó Giám đốc CN Nhà Bè) để huy động 245 tỷ đồng. Trong quá trình giao dịch với Huyền Như, bà Linh đã phát hiện có nhiều điểm nghi vấn, nhưng vẫn ký tiếp nhiều lần. Tiền lãi 14%/năm từ “hợp đồng uỷ thác” với ngân hàng nhưng SBBS nhận được dưới hình thức cá nhân Đỗ Quốc Thái nộp tiền mặt vào tài khoản SBBS tại Eximbank (Thái là nhân viên Công ty Hoàng Khải của Huyền Như). Đối với 4,2 tỷ đồng tiền lãi ngoài của SBBS đều do người giúp việc của Như chuyển cho Hải sau đó Hải chuyển cho Linh. Khi nhận được Linh tự nộp tiền mặt vào tài khoản SBBS.