Bỗng dưng trở thành bị cáo?
Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Thị Thu Huệ (sinh năm 1972, ngụ quận 11, TP.HCM) thành lập một số doanh nghiệp, trong đó có Công ty Thúy Hà với vốn điều lệ là 18 tỷ đồng. Công ty này bà Huệ nhờ 2 người đứng tên thành viên, trong đó Nguyễn An Ninh là người đại diện theo pháp luật.
Do có quan hệ làm ăn từ trước nên ngày 28/11/2008, bà Huệ thỏa thuận chuyển nhượng trước 50% vốn góp của Công ty Thúy Hà cho Huỳnh Công Thiện (sinh năm 1976, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM). Quá trình thương lượng, hai bên thống nhất rằng, phía ông Thiện sẽ thay mặt bà Huệ trả toàn bộ các khoản vay mà Công ty Thúy Hà đang nợ tại ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn. Đổi lại, ông Thiện sẽ được bà Huệ nhượng lại phần vốn góp tại một số công ty mà bà Huệ có hùn hạp làm ăn với ông Thiện...
Bà Huệ bỗng dưng bị buộc tội lừa đảo sau gần chục năm đã trả xong nợ. |
Đến ngày 18/12/2008, phía Công ty Thúy Hà chính thức được sở Kế hoạch Đầu tư đăng ký thay đổi cả 2 thành viên (100%) từ phía bà Huệ sang cho vợ và người thân của ông Thiện đứng tên, phía bà Huệ mới chính thức bàn giao con dấu…
Việc làm ăn, nợ nần đến đây coi như chấm dứt, bà Huệ không còn liên quan gì với ngân hàng. Sau khi thỏa thuận, phía ông Thiện cũng rất tích cực trả các khoản nợ mà phía bà Huệ chuyển giao. Đến ngày 30/9/2009, phía ông Thiện đã trả toàn bộ số nợ (49,5 tỷ đồng) của Công ty Thúy Hà thời kỳ bà Huệ vay, trong đó có khoản nợ 10,1 tỷ đồng mà Công ty Thúy Hà vay trong các ngày 1,3 và 9/12/2008.
Được đối tác trả hết nợ thay mình, các tài sản mà bà Huệ mang đi thế chấp cũng được ngân hàng lần lượt giải chấp, trả lại cho phía bà Huệ.
Thế nhưng thật trớ trêu thay, vào năm 2015, ông Thiện làm ăn thua lỗ, không còn khả năng trả nợ nên bị điều tra nhiều khoản vay, trong đó có các khoản vay của Công ty Thúy Hà. Lúc này bà Huệ được cơ quan điều tra mời lên với tư cách là nhân chứng trong vụ án. Sau đó bà Huệ bị chuyển thành người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và đến tháng 7/2018 bà Huệ trở thành bị can trong vụ án với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản 10,1 tỷ đồng của ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn.
Có dấu hiệu oan sai?
Mặc dù bị cáo Huệ kêu oan thảm thiết, nhưng hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên mức án 12 năm tù và buộc bồi thường cho BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn hơn 23 tỷ đồng (10,1 tỷ tiền gốc và 13,1 tỷ tiền lãi).
Trong quá trình điều tra, ông Thiện nhiều lần thừa nhận, giữa ông với bà Huệ đã thỏa thuận ông sẽ thay bà Huệ trả cho BIDV là hơn 49,5 tỷ đồng và ông đã tất toán xong vào ngày 30/9/2009 (trong đó có khoản 10,1 tỷ đồng mà bà Huệ rút ra trong các ngày 1,3 và 9/12/2009…).
Tuy nhiên mãi đến năm 2018, ông Thiện mới thay đổi lời khai, làm đơn tố cáo cho rằng, do không biết bà Huệ làm hồ sơ để vay BIDV 10,1 tỷ đồng trong các ngày 1,3 và 9/12/2008.
Từ đó, nhà chức trách lập luận rằng, bà Huệ đã thỏa thuận chuyển Công ty Thúy Hà cho phía ông Thiện vào ngày 28/11/2008, thế nhưng đến ngày 1,3 và 9/12/2008, vẫn chỉ đạo Nguyễn An Ninh (lúc này đã chuyển vốn góp cho người ông Thiện chỉ định) ký với phía công ty khác mua thép để xuất hóa đơn “khống”, để phía ngân hàng BIDV giải ngân số tiền 10,1 tỷ đồng và rút ra đưa cho bà Huệ là hành vi lừa đảo.
Tại phiên tòa, bị cáo Huệ cũng như các luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng, Công ty Thúy Hà có 2 thành viên. Vào ngày 28/11/2008, bà và ông Thiện mới thỏa thuận chuyển phần vốn góp 50%, còn lại 1 thành viên vẫn chưa thỏa thuận. “Thực tế giấy tờ đó mới chỉ là bàn bạc, chứ chưa phải chính thức về mặt pháp lý vì phải chờ sở Kế hoạch và Đầu tư đăng ký thay đổi thì mới có giá trị theo quy định. Mãi đến ngày 18/12/2008, việc chuyển nhượng này mới hoàn tất khi được sở Kế hoạch và Đầu tư đăng ký thay đổi. Thời gian từ khi thỏa thuận đến khi hoàn tất thì mọi việc tại Công ty Thúy Hà vẫn do tôi điều hành và ông Thiện cũng rất hiểu điều đó. Hơn thế, việc vay 10,1 tỷ này là nằm trong kế hoạch và hạn mức tín dụng được phía ngân hàng BIDV đã ký với Công ty Thúy Hà từ trước đó. Đặc biệt, trong các ngày 1,2 và 4, anh Nguyễn An Ninh (người của bà Huệ tại Công ty Thúy Hà - PV) vẫn ký và chuyển tiền để tất toán một số khoản mà Công ty Thúy Hà đang nợ ngân hàng BIDV, chứ chưa chuyển giao cho phía ông Thiện…”, bà Huệ lý giải.
Bà Huệ thừa nhận rằng để vay được tiền, bà đã đưa rất nhiều tài sản để thế chấp. Tuy nhiên thời điểm đó, không phải có tài sản là được cho vay nên cả người vay lẫn ngân hàng đều có những “chiêu” để tạo điều kiện cho nhau.
Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng, việc quy kết bị cáo Huệ phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chưa thuyết phục, thiếu căn cứ, có dấu hiệu oan sai cho bị cáo. Theo luật sư Công Hùng, việc bà Huệ có “lách” bằng cách cung cấp hồ sơ chưa trung thực với thực tế hoạt động của công ty để được vay vốn ngân hàng, nhưng việc lách đó không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, vì thực tế bị cáo không gây thiệt hại gì cho phía ngân hàng bởi đã được phía ông Thiện đã trả thay cho bà Huệ theo thỏa thuận xong từ 30/9/2009.
“Không ai đi lừa đảo mà đưa rất nhiều tài sản có giá trị lớn để đi thế chấp vay khoản tiền nhỏ cả. Còn nếu cho rằng ông Thiện không biết khoản vay của Công ty Thúy Hà vào các ngày 1,3 và 9/12/2008 nên ông Thiện đã trả nhầm, trả lố lại càng vô lý vì trong rất nhiều lời khai trước, ông Thiện đều khai rõ có sự thỏa thuận phía ông Thiện phải trả cho BIDV chinh nhánh Tây Sài Gòn hơn 49,5 tỷ đồng. Hơn nữa, thời điểm đó, ông Thiện phải đi vay từng khoản tiền nhỏ vài trăm triệu, mà lại đi trả nhầm, trả lố cho bà Huệ 10,1 tỷ đồng là không thể nào tin được và nó phi logic. Khoản tiền 10,1 tỷ này đã được tất toán xong cả chục năm và không có bất kỳ khiếu nại, nhắc nhở, khúc mắc nào từ tất cả các bên… nên cáo buộc bà Huệ có hành vi lừa đảo là không có cơ sở, cần phải có bản án giám đốc thẩm công minh, khách quan nhất…”, luật sư Công Hùng nhấn mạnh.
Nhiều luật sư khác cũng cho rằng, việc chứng minh tội phạm với trường hợp này rất khiên cưỡng, thiếu cơ sở khoa học, hình sự hóa các quan hệ dân sự. Tại phiên tòa, ông Thiện khai rằng do nhiều năm điều tra, CQĐT báo cho ông Thiện biết mình đã trả cho bà Huệ “lố” 10,1 tỷ. Cho rằng bà Huệ gian lận nên ông Thiện đã làm đơn tố cáo sau gần chục năm “trả lố”. Thế nhưng, cáo trạng và bản án lại quy kết bà Huệ “chiếm đoạt tài sản của ngân hàng”.
“Nếu ông Thiện trả nhầm, trả lố cho bà Huệ 10,1 tỷ thì bà Huệ có phạm tội hay đây chỉ là việc dân sự? Nếu ông Thiện trả nhầm, trả lố cho bà Huệ thì có quyền yêu cầu bà Huệ phải trả lại khoản tiền đó cho ông Thiện, chứ sao lại buộc tội bà Huệ lừa đảo? Tại sao một khoản tiền được tất toán cho ngân hàng cả chục năm về trước, giờ lại được đưa vào diện phong tỏa để trả nợ cho một khoản khác? Tòa không những đã tuyên phạt bị cáo Huệ 12 năm tù mà còn buộc bị cáo này phải trả cho ngân hàng số tiền khổng lồ (23.2 tỷ đồng, trong đó gốc 10,1 tỷ đồng và lãi 13,1 tỷ đồng) trong khi ngân hàng này không bị thiệt hại từ các khoản vay của Công ty Thúy Hà lúc bà Huệ làm chủ. Các khoản nợ này đã được tất toán xong cả gần chục năm và không hề có bị hại thì việc buộc tội bị cáo Huệ phạm tội là không có căn cứ, oan sai. Các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xem xét lại để có cái nhìn khách quan toàn diện, đúng quy định pháp luật, tránh oan sai”, luật sư Lê Thị Minh Ngọc (nguyên Thẩm phán TAND TP HCM) phân tích.