“Hai vụ quán Xin chào và Chòi vịt cùng do một người ký quyết định khởi tố, kết luận điều tra và cùng một người phê chuẩn và cùng gây oan sai cho người dân, đã nói lên sự “lạm quyền” của ngành điều tra, truy tố ở huyện Bình Chánh”, là nhận định của một chuyên gia trong lĩnh vực luật hình sự - Luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm Tư vấn Pháp luật TP. Hồ Chí Minh – Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), trong cuộc trao đổi chiều nay với Tieudung24g.net
![]() |
Ông Nguyễn Văn Tân (bên trái) nhận quyết định đình chỉ vụ án hình sự |
Công an TP. Hồ Chí Minh vừa có chỉ đạo Công an huyện Bình Chánh rút kết luận điều tra đề nghị truy tố đối với ông Nguyễn Văn Bỉ trong “vụ Chòi Vịt”. Theo đó xác định hành vi xây dựng chòi nuôi vịt của ông Bỉ không đủ yếu tố phạm tội. Luật sư có ý kiến gì về việc này?
So với vụ quán Xin Chào, vụ dựng chòi nuôi vịt, Cơ quan Điều tra Công an huyện Bình Chánh làm sai một cách thô thiển. Nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự mà cũng áp dụng sai. Đơn giản, Tội vi phạm quy định về quản lý nhà ở thì không thể mang ra xử lý đối với hành vi vi phạm về công trình không phải nhà ở. Điều này, ở một góc độ nào đó, cũng tương tự như tình huống người ta giết con heo lại truy tố người ta tội giết người!
Chỉ đạo của Công an TP. Hố Chí Minh là kịp thời sửa sai. Tuy nhiên tôi cho rằng, để đảm bảo thủ tục tố tụng hình sự theo luật định, ông Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh (vì kết luận điều tra vụ án này đã được chuyển qua Viện KSND huyện Bình Chánh) cần nhanh chóng ra quyết định đình chỉ vụ án vì lý do hành vi không đủ cấu thành tội phạm. Viện kiểm sát là cơ quan nắm dữ thẩm quyền mà cứ dây dưa chờ phía công an là thiếu trách nhiệm và xem thường dư luận.
![]() |
Vì dựng cái chòi vịt mà ông Nguyễn Văn Bỉ bị khởi tố hình sự |
Hai vụ quán Xin chào và Chòi vịt cùng do một người ký quyết định khởi tố, kết luận điều tra và cùng một người phê chuẩn và cùng gây oan sai cho người dân, đã nói lên sự “lạm quyền” của ngành điều tra, truy tố ở huyện Bình Chánh
Công an TP. Hồ Chí Minh vừa quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Đại tá Nguyễn Văn Quý, người ký quyết định khởi tố đối với cả hai vụ án. Thưa luật sư, việc xử lý trách nhiệm của Đại tá Quý và những người liên quan sẽ như thế nào theo qui định pháp luật?
Tôi nghĩ, việc xử lý Đại tá Nguyễn Văn Quý, người ký các quyết định khởi tố với tư cách Thủ trưởng Cơ quan Điều tra Công an huyện Bình Chánh như thế nào còn phải chờ vào kết quả thẩm tra của cấp trên. Sai ở khâu nào, mức độ ra sao thì việc xử lý sẽ tương xứng. Không riêng gì trưởng công an huyện mà lãnh đạo viện kiểm sát, những người khác liên quan rồi cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh. Hiện nay, việc tạm đình chỉ công tác chỉ nhằm làm rõ các sai phạm để có hình thức xử lý.
Nhiều ý kiến trên mạng xã hội đưa ra, trong đó đề cập đến tình huống cần xem xét xử lý hình sự những cán bộ này về hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội. Luật sư thấy như thế nào?
Đúng là mấy ngày qua trên một số diễn đàn xã hội bàn tán nhiều và một số ý kiến phân tích nên xử lý hình sự các cán bộ gây oan sai cho hai ông Tấn và Bỉ. Mới nghe qua câu chuyện, ông Tấn, ông Bỉ không có tội nhưng bị trưởng công an huyện truy cứu trách nhiệm hình sự là người ta liên tưởng ngay đến Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội qui định tại Điều 293 Bộ Luật hình sự. Nhưng dưới góc độ khoa học pháp lý, chúng ta cần phân tích để thấy rõ hành vi sai phạm của họ ở mức nào.
Tôi cho rằng, hành vi ra quyết định khởi tố, truy tố một người nào đó mà sau đó xác định họ không có tội, xảy ra ở hai trường hợp dẫn đến hai hậu quả pháp lý khác nhau.
Thứ nhất, đó là trường hợp không chứng minh được tội phạm do đánh giá chứng cứ không chính xác dẫn đến gây hàm oan cho người vô tội. Hậu quả pháp lý của trường hợp này mặc dù cũng nặng nề đối với người có quyết định truy tố, khởi tố nhưng không thể áp dụng Điều 293 về Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội đối với họ. Tuy nhiên, cần loại khỏi ngành những cán bộ non kém nghiệp vụ này vì đã nhiều lần gây oan sai cho người dân.
Trường hợp thứ hai, là biết rất rõ người ta không có tội mà cứ truy cứu hình sự thì chắc chắn người có thẩm quyền phạm vào Điều 293 về Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội. Thông thường trường hợp này gắn liền với việc truy cứu nhằm mục đích cá nhân như trả thù, vụ lợi trong một mối quan hệ khác, thị uy để dẫn đến chiếm đoạt hoặc hưởng lợi vật chất…
Cho nên, tùy vào tình tiết cụ thể từng trường hợp mà người có thẩm quyền truy cứu hình sự gây hàm oan cho người vô tội, có bị phải chịu trách nhiệm hình sự hay không.
Xin cảm ơn luật sư!
Hà Nam thực hiện