Tieudung24h.net có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm Tư vấn Pháp luật TP Hồ Chí Minh – Trung ương Hội Luật gia Việt Nam) xung quanh vấn đề này.
Luật sư Trần Đình Dũng trả lời phỏng vấn tieudung24g.net - ảnh Huy Chương |
Thưa luật sư, chỉ chưa kịp đăng ký kinh doanh và sau đó 05 ngày người bán phở đã đăng ký nhưng vẫn bị khởi tố hình sự Tội kinh doanh trái phép, LS có nhận nhận gì về vụ việc này?
Về nguyên tắc, kinh doanh là phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp phép. Nếu không đăng ký thì bị pháp luật xem là hành vi kinh doanh trái phép. Bộ luật hình sự qui định Tội kinh doanh trái phép tại Điều 159. Tuy nhiên, không phải cứ kinh doanh không xin phép là xử lý hình sự. Điều luật nêu rất rõ về điều kiện để khởi tố hình sự là phải từng bị phạt hành chính mà vẫn tiếp tục kinh doanh không xin phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép.
Qua các thông tin trên báo chí, tôi thấy vụ việc anh Nguyễn Văn Tấn mở quán phở tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh bị cơ quan hữu trách tại địa phương khởi tố Tội kinh doanh trái phép là quá áp đặt và áp dụng pháp luật không chính xác.
Ông Tấn đứng buồn rầu trước quán phở đã ngừng bán sau khi bị khởi tố vì chậm ...xin phép |
Luật sư có thể nói rõ hơn việc cơ quan Công an và Viện kiểm sát ở huyện Bình Chánh áp dụng pháp luật không chính xác như thế nào?
Điều 159 BLHS quy định Tội kinh doanh trái phép như sau: “Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm: a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…”
Yếu tố bắt buộc phải có trong cấu thành tội phạm của tội này là khi kiểm tra lần thứ hai sau khi bị xử phạt hành chính, người kinh doanh vẫn kinh doanh không có giấy phép. Trong khi đó, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh số 41T8021904 do UBND huyện Bình Chánh cấp cho anh Tấn ngày 19/8/2015 với ngành nghề bán ăn uống, cà phê, nước giải khát và ngày lập biên bản kiểm tra vi phạm lần hai là ngày 10/9/2015. Như vậy, lần kiểm tra sau anh Tấn không vi phạm kinh doanh trái phép nữa mà đã kinh doanh có phép. Không thể khởi tố hình sự tội này khi chủ thể đã được cấp phép kinh doanh.
Nhưng khi kiểm tra lần 02, ông Nguyễn Văn Tấn lại bị xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm. Luật sư nghĩ sao?
Vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm là một hành vi khác, nếu gây hậu quả lớn thì có thể bị truy tố bởi một điều luật khác về vi phạm an toàn thực phẩm chứ không thể “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia” nhằm xử lý hình sự tội kinh doanh trái phép. Tôi cho rằng, đây chính là điểm nhầm lẫn của người ký quyết định khởi tố.
Rõ ràng xử lý hình sự trong trường hợp này là có dấu hiệu oan sai. Hành vi không đủ cấu thành Tội kinh doanh trái phép.
Hành vi kinh doanh không phép xảy ra không ít trong xã hội, luật sư có thể nói thêm gì không về tình trạng này và điều luật về tội kinh doanh trái phép?
Đúng như nhà báo vừa nói. Hàng ngày, xung quanh ta xảy ra thường xuyên các hoạt động kinh doanh không phép mà đúng ra cần phải có phép. Từ người chuyên cho vay mượn tiền (theo qui định phải đăng ký lập tổ chức tín dụng), đến người bán café ven đường, đến anh xe ôm (phải đăng ký vận chuyển người), đến người thầu xây dựng (không lập doanh nghiệp xây dựng)… đều có hoạt động kinh doanh trái phép. Các hoạt động này, quan điểm pháp luật tiến bộ nên nhìn nó dưới gốc độ dân sự hơn là hình sự. Các nhà lập pháp Quốc hội chúng ta cũng đã theo quan điểm tiến bộ này và đã bỏ luôn Điều 159 khi ban hành luật mới. Tôi xin thông tin rõ là Bộ luật hình sự 2015 (thay thế BLHS 1999) đã bãi bỏ Tội kinh doanh trái phép!
Hành vi kinh doanh không xin phép kể từ ngày 1/7/2016 không được xem là có tội nữa. Người kinh doanh không phép chỉ phải thiệt thòi nói xảy ra tranh chấp dân sự.
Xin cảm ơn luật sư!
Hà Nam (thưc hiện) - tieudung24g.net