“Bê bối” trong hoạt động thu chi tài chính
Những ồn ào liên quan đến sự bất ổn trong nội bộ Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh bắt đầu được dư luận chú ý kể từ khi 2 Phó Giáo sư kiêm Phó Trưởng khoa của trường nộp đơn từ chức kèm theo nhiều nội dung tố cáo về những bê bối của nhà trường.
Cụ thể, cho rằng môi trường sư phạm tại ĐH Luật TP Hồ Chí Minh chưa trong sạch mà bản thân đã nỗ lực thay đổi không thành, PGS.TS Phan Nhật Thanh (Phó Trưởng Khoa Luật Hành chính) và PGS.TS Nguyễn Thị Thuỷ (Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa Quản trị Luật) đã làm đơn xin từ chức.
Liên quan đến vụ việc này, một số cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Luật cũng đã gửi tâm thư tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ với nhiều nội dung rất đáng chú ý.
![]() |
Những bất ổn âm ỉ được cho là đã xảy ra nhiều năm ở Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh và chưa biết khi nào mới có hồi kết. |
Trong đó, bức tâm thư đã nêu ra hàng loạt bức xúc liên quan đến tình trạng mất đoàn kết, các dấu hiệu bè phái, lợi ích nhóm, dấu hiệu vi phạm trong quản lý tài chính, các lùm xùm trong công tác bổ nhiệm cán bộ ở một số vị trí...
Theo các cán bộ, giảng viên, từ nhiều năm qua, nhà trường có những tin đồn và dấu hiệu nhiều việc vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động thu chi tài chính đối với học phí, các khoản phí sinh viên,…
Được biết, các sai phạm về tài chính của ĐH Luật TP Hồ Chí Minh đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra tại thông báo số 556/TB-KTNN từ ngày 26/3/2018 đến ngày 8/4/2018, trong đó, nổi cộm nhất là hoạt động thu, chi sự nghiệp và dịch vụ.
Cụ thể, Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh không thực hiện chi toàn bộ học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên bằng nguồn thu học phí và chi từ nguồn ngân sách số tiền 1,5 tỷ đồng; Chưa thực hiện đấu thầu theo Luật đấu thầu về hợp đồng liên kết đào tạo với Công ty Anh văn Việt Mỹ (VASS) để tổ chức đào tạo Anh ngữ theo chương trình TOEIC quốc tế (3 tỷ đồng) và hợp đồng với Công ty cổ phần giáo dục và đào tạo GHI quốc tế tổ chức đào tạo kỹ năng cứng, kỹ năng mềm theo yêu cầu chuẩn đầu ra (653 triệu đồng).
Chi thù lao giảng dạy cho 55 giảng viên dạy vượt giờ 300 giờ lao động là chưa tuân thủ quy định tại Hội nghị số 45/2013 của Chính phủ với tổng số giờ 7.033 giờ tương ứng với số tiền 607,6 triệu đồng.
Chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động 18,2 tỷ đồng bằng 0,96 lần Quỹ lương cấp bậc chức vụ đang thực hiện theo tính bình quân, chưa căn cứ vào hiệu suất, kết quả công việc dựa trên tiêu chí xếp loại ABC theo quy định tại Quy chế chi tiêu nội bộ. Chi thanh toán tiền học lại, thi lại cho cán bộ, viên chức chưa có trong Quy chế chi tiêu nội bộ, không có bảng chấm công và hồ sơ chứng minh các nội dung thực hiện như quản lý, chỉ đạo, thực hiện số tiền 2,1 tỷ đồng…
Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ, năm học 2016-2017 và 2017-2018 nhà trường thu học phí vượt mức quy định 6,87 tỷ đồng. Thu vượt học phí học lại, đồng thời chưa công khai mức thu trên trang mạng của trường số tiền 205,9 triệu đồng. Thu vượt lệ phí tuyển sinh theo quy định 84 triệu đồng.
Về liên kết đào tạo, Kiểm toán Nhà nước kết luận Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh thực hiện liên kết đào tạo với một số cơ sở giáo dục khi chưa đủ điều kiện thực hiện liên kết. Trong số 14 cơ sở liên kết đào tạo, chỉ có 2 cơ sở có công văn trả lời đồng ý của Bộ GD-ĐT, 1 cơ sở có gửi Bộ tờ trình nhưng không được phản hồi, còn lại 11 cơ sở chưa cung cấp được quyết định cho phép liên kết đào tạo của Bộ GD&ĐT.
Ngay trong thời gian tổ kiểm toán làm việc cũng nhận được một đơn thư phản ánh và yêu cầu của ông Lê Minh Tuấn, nhân viên phòng hành chính nhưng do thời gian và thẩm quyền, tổ không thực hiện điều tra xác minh.
Cụ thể, ông Tuấn đề nghị làm rõ việc thu - chi học phí các môn học hoàn thiện của sinh viên văn bằng 2 hệ chính quy, văn bằng 2 hệ vừa làm vừa học và tiền học lại, thi lại của sinh viên hệ vừa làm vừa học mà dư luận trong trường cho rằng con số này có thể lên tới hàng chục tỉ đồng/năm. Số tiền học phí của Trung tâm Anh văn VASS tại nhà trường cũng chuyển vào tài khoản bà Mai Quốc Thu Trang, thủ quỹ nhà trường.
Tuy nhiên, theo kết luận của Tổ xác minh Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, bà Trang có mở một tài khoản tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi nhưng các khoản tiền này chỉ nhằm tạo thuận lợi cho học viên, sau đó được chuyển về trường. Kết luận này sau đó đã gây ra rất nhiều dư luận không đồng tình trong nội bộ nhà trường.
Nội bộ bất ổn, mất đoàn kết
Trong khi tình hình phức tạp nói trên chưa kịp lắng xuống, thì đến ngày 3/6/2019 trong đơn phản ánh gửi đến các cơ quan truyền thông, một giảng viên đang công tác tại trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh đã “tố cáo” nhiều hành vi sai phạm của ông Bùi Xuân Hải, Phó hiệu trưởng nhà trường.
Cụ thể, vào thời điểm tháng 3/2018, khi Giáo sư Mai Hồng Quỳ kết thúc nhiệm kỳ hiệu trưởng của mình, Phó giáo sư Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng nhà trường đã được Đảng ủy và Hội đồng nhà trường tin tưởng, đề xuất giao nhiệm vụ phụ trách trường trong thời gian chờ bổ nhiệm Hiệu trưởng mới.
Thế nhưng, thời điểm này, ông Bùi Xuân Hải, Phó hiệu trưởng nhà trường kiêm Phó bí thư phụ trách Đảng uỷ đã dùng nhiều cách ngăn cản, gây khó khăn cho việc điều hành của Phó hiệu trưởng phụ trách Trần Hoàng Hải.
Ngày 20/2/2019, Trường ĐH Luật đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm Hiệu trưởng, Hiệu phó trường theo kế hoạch thực hiện công tác quy hoạch viên chức giai đoạn 2018-2023 với sự tham giá giám sát trực tiếp của các đơn vị chức năng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Kết quả, ông Bùi Xuân Hải nhận được 21/33 (chiếm 63,64%) phiếu tín nhiệm thấp. Trong khi đó 2 Phó hiệu trưởng còn lại là ông Trần Hoàng Hải và Lê Trường Sơn có số phiếu tín nhiệm thấp lần lượt là 0% và 12,1%.
Theo quy định 262-QĐ/TW ngày 08/10/2014 của Bộ chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên lãnh đạo cấp uỷ và thành viên cán độ lãnh đạo trong cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thì nếu có tín nhiệm thấp, tùy theo mức độ sẽ xem xét không quy hoạch vào chức vụ cao hơn, hoặc cho từ chức, cho thôi chức vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.
“Đối chiếu với trường hợp của ông Bùi Xuân Hải, với 63,64% tín nhiệm thấp đã thể hiện rõ nhiều người không có sự đánh giá cao về khả năng và uy tín lãnh đạo của ông ta. Ông Bùi Xuân Hải không còn đủ tư cách để tiếp tục giữ chức vụ Phó hiệu trưởng lãnh đạo chúng tôi. Mặc dù được tín nhiệm quá thấp nhưng thay vì nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm, sửa đổi để hoàn thiện bản thân thì ông Bùi Xuân Hải lại đặt điều, phản ánh, khiếu nại với Ban cán sự Đảng và Bộ trưởng là do Phó hiệu trưởng Trần Hoàng Hải đã triệu tập thành phần lấy phiếu tín nhiệm không đúng quy định, vận động để bỏ phiếu cho ông ta tín nhiệm thấp. Ông Bùi Xuân Hải còn đặt điều cho rằng đại diện lãnh đạo Bộ tham dự buổi lấy phiếu tín nhiệm đã phát biểu gây bất lợi làm cho ông ta bị tín nhiệm thấp!!!...”, trích đơn tố cáo.
(còn nữa)