Cá thu kho nước cốt dừa
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Nguyên liệu:
Cá thu 500 gr
Thịt ba rọi 500 gr
Gừng 50 gr
Riềng 60 gr
Xả cây 40 gr
Lá chanh 30 gr
Tiêu xanh 15 gr
Ớt 10 gr
Ớt bột 1 thìa cà phê
Nước cốt dừa 150 ml
Đường thốt nốt 2 thìa cà phê
Nước mắm 200 ml
Sa tế 1 thìa cà phê
Nước màu 1 thìa cà phê
Dầu hào 1 thìa cà phê
Thịt heo mua về bạn rửa với nước sạch nhiều lần, dùng ít muối pha loãng để rửa thịt để loại bỏ các chất bẩn từ thịt. Sau đó cắt miếng vừa ăn.
Cá thu bạn bỏ đi nội tạng và loại bỏ vây. Làm sạch phần máu cùng màng trắng đục trong bụng. Sau đó rửa sạch lại lần nữa rồi chặt khúc vừa ăn. Gừng và riềng rửa sạch, cạo vỏ, để ráo rồi thái miếng mỏng. Lá chanh và xả cây rửa sạch, để ráo.
Trong một cái tô, bạn cho tất cả nước mắm, nước cốt dừa, đường thốt nốt, sa tế, dầu hào, nước màu rồi khuấy đều. Trong một cái nồi, bạn xếp lần lượt 40gr gừng, 50gr riềng, 30gr lá chanh, 30gr xả cây, thịt ba rọi, cá thu và rưới hỗn hợp sốt đã làm ở bước 2 lên trên. Tiếp theo cho thêm 10gr xả cây, 10gr riềng, 15gr tiêu xanh, 10gr ớt và rắc đều 1 thìa cà phê ớt bột. Sau đó bạn đậy nắp và kho cá ở lửa liu riu trong 3 giờ đồng hồ.
Nộm sứa
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Nguyên liệu:
Sứa
Rau của trộn cùng gồm: cà rốt, dưa chuột (hoặc hoa chuối, xoài xanh), hành tây, giá đỗ. Rau thơm gồm: húng quế, kinh giới, rau mùi ta.
Lạc rang, vừng trắng
Gia vị: chanh, dấm, đường, tỏi, ớt, lá chanh, sả, gừng, dầu ăn, muối…
Cách làm:
Sứa rửa kỹ với chanh/dấm để loại bỏ đi mùi tanh, nhớt bẩn rồi để ráo nước. Thái sứa thành các miếng vừa ăn rồi rửa kỹ lại bằng nước ấm pha gừng. Sau đó, vắt sứa cho khô kiệt nước.
Cà rốt, hành tây làm sạch, gọt vỏ, bào/thái sợi. Riêng dưa chuột cần bỏ ruột, để cả vỏ, thái mỏng vừa phải để giữ độ giòn. Ngâm phần nguyên liệu này vào với dấm ăn trong 10 phút rồi vớt ra để ráo.
Nếu bạn nộm sứa cùng với hoa chuối thì hoa chuối sau khi thái sợi cần ngâm nước muối loãng để khử nhựa. Xoài xanh thái sợi cũng làm tương tự như vậy. Ngâm xong nguyên liệu thì vớt ra dùng tay vắt nhẹ nước.
Giá đỗ rửa sạch rồi ngâm qua với nước muối loãng rồi vớt ra để cho ráo nước.
Các loại ra thơm rửa sạch rồi đem ngâm với nước muối loãng. Sau đó vớt ra để ráo nước, thái khúc vừa ăn. Pha chế nước trộn chua ngọt
Pha nước trộn nộm sứa theo tỉ lệ sau: 2 thìa nước lọc + 2 thìa dấm + 1 thìa cốt chanh + 1 thìa đường + 1,5 thìa dầu ăn + 1 thìa muối. Hòa tan hỗn hợp rồi thêm ớt, tỏi bằm. Cuối cùng bạn cho sứa, các loại rau củ, nước trộn vào một tô lớn rồi trộn đều, để khoảng 20-30 phút cho nộm sứa ngấm đều gia vị.
Canh rau ngót thịt băm
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Nguyên liệu:
1 mớ rau ngót
100 gram thịt băm
2 củ hành khô, dầu ăn, nước mắm, muối, bột nêm
Hướng dẫn cách làm: Rau ngót sau khi mua về bạn tuốt lấy lá non, bỏ cọng rồi đem rửa sạch sau đó dùng tay vò cho hơi nát, hành khô bạn đem băm nhỏ.
Đặt nồi lên bếp cùng 1 thìa dầu ăn, khi dầu nóng bạn cho hành khô vào phi cho thơm sau đó cho thịt băm vào xào, đảo đều cho thịt tơi ra, nêm chút nước mắm, muối, bột nêm.
Tiếp theo bạn thêm lượng nước vừa đủ ăn vào nồi nấu cho sôi khoảng 2-3 phút và cho rau ngót vào, nấu cho rau ngót chín và nếm lại cho vừa khẩu vị rồi tắt bếp, múc canh ra bát để thưởng thức.
Lưu ý khi nấu xong bạn không được đậy vung, rau sẽ bị chuyển màu vàng nhìn món canh mất ngon. Canh thịt băm nấu rau ngót rất dễ ăn, nước canh ngọt mát, thơm ngon lại bổ dưỡng, thích hợp cho cả người lớn và trẻ nhỏ.