Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (áo hồng) chủ trì buổi tiếp xú cử tri - Ảnh Huy Khánh. |
Đền bù cho dân giá 18 triệu, DN bán lại 350 triệu/m2
Bà Lê Thị Bạch Tuyết, một trong những người dân bị giải tỏa trắng trong dự án KĐTMTT cho biết: “Tôi gọi lên phòng kinh doanh của dự án Khu đô thị Sala (Công ty Cổ phần Đại Quang Minh), họ bảo tôi 350 triệu 1 mét vuông nhưng hiện nay hết hàng rồi. Năm 2018 sẽ có hàng bán lại, 23 tỉ đồng 1 căn, khi nào có sẽ thông báo”. Cũng theo bà Lê Thị Bạch tuyết: “Đất của tôi, nhà nước đền bù có 18 triệu đồng/m2, trong khi doanh nghiệp bán lại 350 triệu đồng/m2 như vậy là ép dân quá, nếu doanh nghiệp bán 350 triệu thì ít nhất chúng tôi cũng phải được đền bù 50 triệu thì mới thỏa đáng.
Về vụ mất bản đồ, cử tri Lê Thị Bạch Tuyết cho rằng: “Mất bản đồ 1/5.000 ban hành theo quyết định 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng, Bộ Xây dựng trả lời trên báo chí nói lấy quyết định 6565/QĐ-UBND ngày 27/12/2005 của thành phố do phó chủ tịch Nguyễn Văn Đua ký để thay thế là rất vô lý, nói như vậy là rất “láo”. Quyết định 6565 không thể thay thế quyết định 367, đề nghị Trung ương và cả Thành phố xem lại những quyết định này”.
“Trả đất cho dân làm nhà”
Nhóm cử tri thuộc khu phố 1 phường Bình An và Khu phố 1, khu phố 2 phường Bình Khánh đều có chung ý kiến đòi trả lại đất (theo bản đồ quy hoạch do nguyên phó chủ tịch UBND thành phố Võ Viết Thanh công bố trên báo chí, 3 khu phố này nằm ngoài ranh quy hoạch KĐTMTT).
Cử tri Lê Thị Hồng Vân cho biết: “Tôi đã đi khiếu kiện 10 năm nay rồi. Nhà tôi không nằm trong diện giải tỏa, nay mọi sự đã sáng tỏ như ban ngày, cấp lại nhà mới cho tôi, cha tôi đã chết, chồng tôi cũng đã chết vì chuyện này”…
Cử tri Lê Thị Ngọc Nga, ngụ tại C11/1 phường Bình Khánh bức xúc cho biết: “Nhà của tôi bị cưỡng chế tháo dỡ từ tháng 9/2009, chúng tôi khiếu nại thì địa phương thách đố chúng tôi đi kiện, tôi đi đòi công lý 10 năm. Chính quyền không ban hành quyết định thu hồi đất với giá đình, họ hành xử căn cứ quyết định nội bộ, cưỡng chế trái pháp luật”.
Cử tri Nguyễn Ngọc Thanh bức xúc cho biết, căn nhà của gia đình bà có vị trí 2 mặt tiền đường Lương Định Của được mua với giá 50 lượng vàng thế nhưng khi bị giải tỏa chỉ được bồi thường 90 triệu đồng. Trong khi đó, khi tái định cư bằng 1 căn hộ, gia đình bà còn phải trả thêm hơn 800 triêu đồng. “Bây giờ mọi việc rõ ràng, nhà tôi nằm ngoài ranh quy hoạch, đề nghị trả nhà đất lại cho tôi để tôi buôn bán làm ăn”, bà Thanh đề nghị.
Vụ Thủ Thiêm làm bùng nổ dư luận, ước tính đã có hơn 100 phóng viên về tác nghiệp tại buổi tiếp xúc cử tri quận 2 với Đoàn đại biểu Quốc hội. |
Cử tri Đặng Bích Ngọc, ngụ phường Bình An cho biết: “nhà tôi bị cưỡng chiếm 30/11/2011, tôi gọi là cưỡng chiếm vì việc lấy nhà không đúng pháp luật, đập nhà ngoài ranh quy hoạch, như vậy không cưỡng chiếm thì là gì?”
“Toàn bộ Khu phố 1 phường Bình An, khu 1, 2 phường Bình Khánh bị giải tỏa trắng nay lập thành khu dân cư phía Bắc. Tôi yêu cầu chỉ ra 160 ha đất tái định cư của dân ở đâu”, cử tri Đặng Bích Ngọc gay gắt đề nghị.
Cử tri Ngô Hồng Bân, khu phố 3, phường An Khánh quận 2 vừa khóc vừa trình bày, nhà nằm trong Thủ Thiêm, 160 ha tái định cư nằm trong Thủ Thiêm, hôm nay nó đã mất rồi. Chúng tôi hiểu lâu rồi, chúng tôi khiếu nại, không ai giải quyết cứ bảo chúng tôi khiếu nại không đúng. Khi nhà nước có lệnh cưỡng chế, tôi xin chấp nhận khiếu nại sau. Nhà 412m2 đền 4 tỷ, nhà tôi 10 người. Nay tôi yêu cầu, trả lại tiền đền bù cộng lãi suất ngân hàng, cho nhận lại nền tái định cư. Cha tôi chết cách đây 2 năm lúc 102 tuổi, trước lúc chết ông khóc và gào lên nhà tao đâu?”
Cử tri Nguyễn Thị Dung phường Bình An, khi được mời phát biểu đã nói như chưa bao giờ được nói: “Nhà tôi có số đỏ, nằm ngoài ranh quy hoạch, bị cưỡng chế năm 2012, tôi bị dúi vào khu tạm cư, nay tôi già yếu bệnh tật, yêu cầu chính quyền thành phố giải quyết đúng pháp luật trả đất cho tôi. Yêu cầu trả 160 ha tái định cư cho dân về làm nhà ở, dân oán hận lắm rồi”…
Cử tri Nguyễn Thị Tám, phường Bình Khánh, nhà tôi bị cưỡng chế 7 năm. Tôi không xa lạ gì với chị Tâm, gặp ngoài Hà Nội nhiều lần rồi. Nay tôi hỏi không có bản đồ quy hoạch, dựa vào đâu dập nhà tôi, đập xong rồi nói là không có bản đồ quy hoạch. Đập nhà tôi mà không có quyết định thu hồi đất. Em hỏi chị Tâm, vậy mà thành phố nói làm đúng, đúng là đúng như thế nào? Không có bản đồ là quy hoạch lậu, cướp đất. Hôm nay phải trả lời cho người dân biết”.
Đề nghị thanh tra Chính phủ vào cuộc
Ông Nguyễn Phi Thường, 71 tuổi, ở phường An Khánh bày tỏ: “Pháp lý của Thủ Thiêm chỉ có một chứ không thể có hai. Đề nghị bà con tập trung vào pháp lý của dự án, nhà mình có nằm trong dự án không. Tôi đề nghị, nếu cán bộ thấy cái sai của mình rồi thì ngồi lại với dân, chỗ nào đã có chủ đầu tư rồi thì bàn bạc thỏa thuận giá cả như thế nào. Chỗ nào không thỏa thuận được thì phải trả lại đất cho dân. Chúng tôi dễ thôi, không khó khăn gì với cán bộ cả, nhưng cán bộ phải thấy được cái sai của mình. Tôi đề nghị Trung ương cử một đoàn thanh tra vào thanh tra toàn bộ dự án Thủ Thiêm".
Bà Nguyễn Thị Mỹ cho rằng: “Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ là quyết định mang tính nhân văn, bởi đã phân rõ khu vực trung tâm đô thị và tái định cư gần nhau, chứ không phải sau này lấy thêm đất của dân ngoài ranh nhập vào khu trung tâm đô thị, còn phần đất tái định cư lại phân bổ rải rác nhiều nơi. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của một lãnh đạo thành phố cho rằng đồng tiền đã làm biến đổi bản chất khu đô thị mới Thủ Thiêm. Chính quyền thu hồi đất không có phương án đền bù, khuôn viên giải tỏa của gia đình tôi gồm đất, nhà nhưng chỉ được bồi thường 200.000/m2. Tôi yêu cầu Tổ đại biểu Quốc hội cần phải kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết bồi thường cho người dân trong và ngoài ranh một cách thỏa đáng", bà Mỹ quyết liệu yêu cầu…
Trả lời ý kiến của các cử tri, ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND quận 2, dự án KĐT mới Thủ Thiêm diễn ra quá lâu nên quận sẽ ghi nhận các ý kiến và có phản hồi cụ thể. "Có một số thông tin, chúng tôi cũng không thể trả lời được hôm nay", ông Nguyễn Phước Hưng phân trần và cho biết, các khiếu nại trong ranh - ngoài ranh quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm thì UBND quận 2 không trả lời được mà phải chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ, ý kiến của UBND TP.
Nội dung trả lời của ông Nguyễn Phước Hưng khiến nhiều người dân không kiềm được, đã có một số hành vi quá khích...
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm phải nhiều lần thuyết phục mới ổn định trật tự và tiếp thu, ghi nhận các ý kiến của cử tri để chuyển tới các cơ quan chức năng trả lời theo thẩm quền.