Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trả lời việc lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt này là không đủ cơ sở để Bộ có ý kiến. Thêm vào đó, 11 lô đất được hoán đổi cho dự án có những lô nằm trong diện “đất vàng” thì việc định giá sẽ thấp hơn nhiều so với đấu giá. Cũng như việc di dời cảng Tân Thuận hiện hữu chắc chắn làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận tàu của cảng Sài Gòn.
Tổng mức đầu tư tăng gần gấp đôi
Theo ý kiến của Bộ GTVT tại Công văn số 8576/BGTVT-DTCT ngày 26/7/2016 thì khi triển khai dự án cầu Thủ Thiêm 4 với khẩu độ, tĩnh không là BxH=80x10m sẽ làm ảnh hưởng đến bến cảng Tân Thuận Đông, giảm khả năng tiếp nhận tàu cập cảng tại các cầu tàu K12, K12A, K12B của cảng Sài Gòn. Nếu đầu tư với tĩnh không tương đương cầu Phú Mỹ là 45m thì sẽ đảm bảo duy trì được hoạt động khai thác, khả năng tiếp nhận tàu của các bến cảng hiện hữu, tuy nhiên tổng mức đầu tư sẽ rất cao.
Mục tiêu xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nhằm giải quyết ùn tắc giao thông từ quận Bình Thạnh, Thủ Đức qua các quận 7,8, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè liệu có thành hiện thực? |
Mục tiêu xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 phải giải quyết 2 vấn đề: Thứ nhất, giảm ùn tắc giao thông trên bộ khu vực nội đô từ phía quận Bình Thạnh, Thủ Đức qua các quận 7,8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè. Thứ hai, phải đánh giá tổng thể hiệu quả đầu tư cũng như tác động của dự án để di dời cầu cảng trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương di dời cầu cảng và khẩu độ, tĩnh không cầu là BxH=80x10m.
Tại văn bản số 1901/UBND-DA ngày 7/4/2017 của UBND TP.HCM thì tổng mức đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 4 khoảng 8.752 tỷ đồng, chứ không phải khoảng 5.253 tỷ đồng như kế hoạch BT dự án cầu Thủ Thiêm 4 tại đại hội cổ đông của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt năm 2017.
Như vậy, nếu xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 với khẩu độ, tĩnh không cầu là BxH=80x10m mà không di dời cầu cảng thì nguy cơ “thông trên bộ, tắc dưới sông” là chắc chắn. Đương nhiên, TP.HCM sẽ không lựa chọn phương án này, còn nếu thực hiện phương án di dời thì tổng mức đầu tư sẽ tăng gần gấp đôi. Thực tế, tổng mức đầu tư sẽ còn cao hơn nếu vị trí các lô đất vàng trong đề xuất hoán đổi quỹ đất phải đấu giá, thay vì định giá.
Không dễ định giá “đất vàng”
Theo thông tin tại văn bản nêu trên của UBND TP.HCM thì thành phố sẽ phải bố trí quỹ đất lớn để thanh toán cho nhà đầu tư vừa thực hiện di dời cầu cảng (khoảng 3.500 tỷ đồng), vừa thực hiện đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 (khoảng 5.253 tỷ đồng). Trong số các lô đất được đề nghị hoán đổi có nhiều vị trí được xem là “đất vàng”, khả năng đấu giá sẽ thu được số tiền lớn hơn nhiều so với định giá.
Ví dụ, khu đất tại số 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, diện tích 1.186m2; khu đất tại số 540/21 Cách Mạng Tháng Tám, Phường 11, Quận 3, diện tích 7.000m2. Trước đó (năm 2015) TP.HCM đã đấu giá lô “đất vàng” có diện tích 3.055m2 tại số 23 Lê Duẩn, Quận 1 với giá khởi điểm 558 tỷ đồng, sau đó khu đất thuộc về Tập đoàn Tân Hoàng Minh với mức giá 1.430 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần giá khởi điểm. Cho dù ở mỗi vị trí giá “đất vàng” khác nhau thì con số chênh lệch từ đấu giá nêu trên cũng là thước đo để so sánh giữa đấu giá và định giá.
Ngoài 2 khu “đất vàng” kể trên thì các khu đất đề xuất hoán đổi tại dự án khu đô thị Thủ Thiêm mới (11 lô đất với diện tích 99.904m2 tại khu chức năng số 3 và 4, đã có quy hoạch 1/2000) hay quận Thủ Đức (kết nối hạ tầng đồng bộ) đều ở vị trí đẹp, có thể khai thác ngay hoặc chậm nhất trong vòng 3 - 5 năm tới.
Từ lợi thế của các khu đất này cho thấy việc định giá “đất vàng” sẽ khó thuyết phục. Hơn nữa, đề xuất lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu được Bộ KH&ĐT trả lời “không đủ cơ sở để có ý kiến”. Theo đó, lý do “để giải quyết ùn tắc giao thông” một cách chung chung không đủ cơ sở cho việc “xuất hiện các điều kiện đặc thù”. Văn bản giải trình về phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt mới đề cập đến kinh nghiệm nhà đầu tư và năng lực tài chính chung chung, chưa đề cập đến khả năng huy động, thu xếp vốn đầu tư vào dự án (bao gồm cả việc di dời các cầu cảng) nhằm đảm bảo tính khả thi.