Luật sư Trần Đình Dũng. |
PV: Vụ mất bản đồ quy hoạch 1/5.000 khu đô thị mới Thủ Thiêm (theo thông báo của Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 2.5.2018), đã gây nên làn sóng phản ứng trên dư luận trong đó không ít ý kiến trên các diễn đàn cho rằng cần phải xử lý hình sự liên quan đến việc mất bản đồ qui hoạch này, luật sư nghĩ sao?
Luật sư Trần Đình Dũng: Bản đồ qui hoạch khu 1/5.000 khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP Hồ Chí Minh) là một tài liệu quan trọng của cơ quan Nhà nước. Trong bối cảnh Trung ương Đảng đang chỉ đạo quyết liệt chống tham nhũng, việc mất bản đồ khu vực “đất vàng” Thủ Thiêm như rơi vào tâm điểm dư luận.
Tôi cho rằng bản đồ này quan trọng ở chỗ nó là bản qui chiếu để so sánh địa phương TP Hồ Chí Minh có làm đúng theo qui hoạch mà chính địa phương đề xuất và Thủ tướng (thời kỳ Thủ tướng Võ Văn Kiệt 1992 – 1997) phê duyệt theo quyết định 367/QĐ-TTg ngày 4.6.1996. Do tính chất hết sức quan trọng như thế nên nếu bị mất thì gây ra hệ quả quá lớn.
Tuy nhiên để xử lý hình sự một hành vi cần phải xem xét ở các dấu hiệu có phù hợp với tội danh qui định tại Bộ luật hình sự hay không.
Vụ mất bản đồ gốc Thủ Thiêm, nếu mất thì phải xác định mất ở khâu nào để khởi tố vụ án! |
Như vậy việc ai đó lấy mất một tài liệu quan trọng như thế, có thể bị xử lý hình sự hay không?
Luật sư Trần Đình Dũng: Nếu đúng là bản đồ này bị mất. Cơ quan chức năng cần phải yêu cầu cán bộ có liên quan trong việc di chuyển, bảo quản tường trình rõ để xem xét trong hai trường hợp: Mất do rơi rớt, hay mất do bị ai đó lấy.
Nếu không phải do rơi rớt lúc di chuyển thì người lấy bản đồ là người có hành vi chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức. Đây là một hành vi phạm tội qui định tại Điều 342 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (Điều 268 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009), với tội danh “chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Như vậy nếu mất thì phải xác định mất ở khâu nào để khởi tố vụ án trong trường hợp không phải mất do rơi rớt.
Nhưng không xác định được người lấy thì khởi tố vụ án theo thủ tục như thế nào?
Luật sư Trần Đình Dũng: Việc khởi tố vụ án là nhằm điều tra đối với những người liên quan, nếu có dấu hiệu phạm tội thì khởi tố bị can để xử lý theo qui định pháp luật. Trong thực tế, rất nhiều vụ án liên quan đến tham nhũng lúc đầu không xác định được nghi can nhưng khi thực hiện các hoạt động điều tra sau thời điểm khởi tố vụ án đã đưa ra trước vành móng ngựa nhiều cá nhân phạm tội.
Khởi tố vụ án là căn cứ vào Điều 153 Bộ luật tố tụng hình sự qui định “Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trừ những vụ việc do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đang thụ lý, giải quyết quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này”. Sau khi khởi tố để điều tra, nếu xác định người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can (Điều 179 BLTTHS).
Xin cảm ơn luật sư!
Hà Nam (thực hiện)