Mỗi dịp Tết xuân về, trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình Việt không thể thiếu mâm ngũ quả ngày Tết bày biện cúng tổ tiên. Bày mâm ngũ quả ngày Tết trước là thờ cúng tổ tiên, sau là ước mong năm mới an lành, thịnh vượng và an khang hơn năm trước.
Ngày nay, hoa trái ngày càng nhiều và phong phú. Vì vậy mâm ngũ quả có thể nhiều hơn. Mỗi loại quả đều có mùi vị, màu sắc riêng và cũng mang những ý nghĩa nhất định.
Theo các chuyên gia phong thủy, tùy từng vùng miền và quan niệm văn hóa riêng mà việc lựa chọn và bày biện những loại quả trên mâm ngũ quả cũng khác nhau. Từ đó, người ta chọn ra những loại quả mang ý nghĩa tâm linh, tinh thần để bày trên mâm ngũ quả.
Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết
Mâm ngũ quả mang một ý nghĩa rất sâu sắc và đã trở thành một nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam. Năm cũ qua đi, năm mới lại đến, tất cả mọi người lại mong chờ một năm mới đủ đầy, hạnh phúc viên mãn. Mâm ngũ quả chính là thể hiện năm ước nguyện của các cụ ngày xưa: Phú – Quý – Thọ - Khang – Ninh. Từ xa xưa cha ông ta đã rất chú trọng lễ vật này, nó thể hiện một năm mùa màng tươi tốt, bội thu.
Mỗi miền Bắc - Trung - Nam đều có những loại quả không giống nhau hoàn toàn.
Ngoài ra, mâm ngũ quả còn thể hiện cho ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Ngũ quả sẽ có năm màu tượng trưng cho từng hành, ví dụ như: màu đỏ tượng trưng cho hành Hỏa sẽ có những quả như thanh long, táo. Màu vàng tượng trưng cho hành Thổ sẽ có quả xoài, quả bưởi, quả phật thủ. Tương tự, ta sẽ có quả lê, quả roi màu trắng tượng trưng cho hành Kim, quả chuối, đu đủ, na, dưa hấu màu xanh tượng trưng cho hành Mộc và những quả màu tối như quả nho sẽ tượng trưng cho hành Thủy.
Ngày nay, các gia đình thường có xu hướng bày nhiều loại quả hơn, không nhất thiết phải có năm loại quả. Khi bày mâm, mọi người sẽ chọn số lẻ, không chọn số chẵn với ý nghĩa của sự sinh sôi nảy nở, tượng trưng cho một năm mới phát tài, phát lộc.
Mâm ngũ quả của người miền Bắc
Ở miền Bắc, đa số mọi người đều bày biện mâm ngũ quả theo thuyết Ngũ hành trong văn hóa phương Đông là nhất nhất vạn vật phải dung hòa cùng trời đất.
Do đó, mâm ngũ quả cũng thường phải phối theo 5 màu: kim trắng, mộc xanh, thủy đen, hỏa đỏ, thổ vàng. Cũng bởi điều ấy mà mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Bắc thường có 5 loại quả: chuối, bưởi, đào, hồng và quýt.
Ở miền Bắc, đa số mọi người đều bày biện mâm ngũ quả theo thuyết Ngũ hành.
Cách trình bày phổ biến và truyền thống nhất là: để nải chuối ở dưới cùng, đỡ lấy toàn bộ các loại quả khác. Ở chính giữa là quả bưởi hoặc phật thủ vàng, đào, hồng, quýt thì bày xung quanh còn những chỗ trống có thể cài xen kẽ quất, táo xanh hoặc quả ớt chín đỏ.
Với người miền Bắc, mâm ngũ quả gồm các loại như chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Bạn nên lựa chọn chuối xanh là đẹp nhất và đặt ở dưới cùng. Bên trên, bạn hãy bày: Hồng, quýt, đào đan xen vào nhau.
Nhiều người cho rằng, rửa hoa quả trước khi bày biện sẽ giúp mâm ngũ quả của mình trở nên đẹp hơn, tuy nhiên quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Thực tế, việc rửa trái cây sẽ làm quả sớm bị héo hoặc thối nếu có chỗ đọng nước. Vì vậy, trước khi bày hoa quả, bạn chỉ cần dùng khăn giấy ẩm lau sạch quả là được.
Mâm ngũ quả của người miền Trung
Mâm ngũ quả miền Trung mang nặng ý nghĩa về lòng biết ơn chân thành đối với tổ tiên của họ. Điều đó lý giải cho việc mâm ngũ quả ở miền Trung thường được đơm từ các loại trái cây địa phương, nhà nào có thức nào, đơm thức ấy.
Không giống như miền Bắc hay người miền Nam sở hữu nhiều loại trái cây phong phú, đa dạng, mâm ngũ quả của người miền Trung khá đơn giản. Thường người miền Trung lựa chọn trái cây theo tiêu chí mùa nào thức nấy.
Người miền Trung lựa chọn trái cây theo tiêu chí mùa nào thức nấy.
Những loại quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả miền Trung gồm: nải chuối xanh, quả dừa, xoài, dứa, đu đủ, mãng cầu, quýt.
Mâm quả miền Trung thường kiêng cúng cam, và các loại trái cây có vị đắng, cay. Thay vào đó, người dân ở đây thường ưu tiên chọn các loại trái cây tròn đều, vị ngọt và lâu hỏng để bày trên mâm ngũ quả.
Để bày biện được đẹp, những quả to thường nằm ở dưới, những quả nhỏ nằm ở trên vô cùng tươi ngon, đẹp mắt.
Mâm ngũ quả của người miền Nam
Người miền Nam trưng mâm ngũ quả với mong muốn có một năm mới sung túc, cho nên câu cửa miệng thường là: “Cầu… vừa đủ xài”. Vì vậy, họ sử dụng các loại trái cây có tên bao hàm ý mong muốn, phiên ra ngôn ngữ trái cây là mãng cầu – dừa – đu đủ – xoài.
Đồng thời “điền” thêm vào chỗ trống điều mình nguyện cầu. Ví dụ: sung (sung túc), thơm (năm mới tươi mới, thơm tho)…
Do đó, những loại quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả miền Nam thường gồm: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, dứa (thơm), dưa hấu vỏ xanh. Bên cạnh mâm ngũ quả, người miền Nam cũng thường bày 2 quả dứa hoặc 2 quả dưa hấu hai bên bàn thờ để chúc may mắn.
Người miền Nam kỵ cúng một số loại quả, vì theo phát âm tên gọi mang ý nghĩa không tốt như chuối, lê, táo...
Để mâm ngũ quả được đẹp, bạn hãy chọn 3 loại quả to nhất là đu đủ, dừa, xoài lên phía trước. Sau đó, bày những quả còn lại lên trên để tạo thành hình ngọn tháp. Khi chọn mua, bạn nên lựa chọn đu đủ xanh, có những đốm vàng là đẹp nhất. Trong khi đó, xoài nên có màu vàng đẹp, mãng cầu có dáng đẹp.
Mâm ngũ quả của người miền Nam thể hiện rõ tính bình dị, dân dã và hóm hỉnh. Mỗi người một cuộc sống và mong muốn khác nhau, biết nào là “đủ”, nhưng ai cũng chỉ cần đủ mà thôi.
Người miền Nam kỵ cúng một số loại quả, vì theo phát âm tên gọi mang ý nghĩa không tốt. Ví dụ:
Chuối: Chúi nhủi, làm ăn không phất lên được.
Lê, táo (bom): Lê lết, đổ bể, dễ thất bại.
Cam, quýt: Quýt làm cam chịu.