Ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết
Mâm ngũ quả là nét đẹp văn hóa của người Việt ở cả 3 miền. Mọi người đều mong muốn dâng những sản vật vùng miền, những gì tinh túy nhất dành cho ông bà, tổ tiên, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, thể hiện thành quả lao động cả năm dâng lên bề trên.
Theo quan niệm của người Việt nói riêng và văn hóa phương Đông nói chung, mâm ngũ quả còn tượng trưng cho 5 yếu tố của Ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, là những yếu tố cấu thành nên vũ trụ. Đó cũng là lý do mâm ngũ quả thường có 5 loại trái cây với tên gọi khác nhau, màu sắc khác nhau.
Còn theo đạo Phật, mâm ngũ quả được bày trên bàn thờ gia tiên gắn với hình ảnh trái cây 5 màu. Theo quan niệm nhà Phật, 5 màu quả tượng trưng cho ngũ thiện căn bản bao gồm: Huệ căn (sáng suốt), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), tấn căn (ý chí kiên trì) và tín căn (lòng tin).
Dù bày biện như thế nào thì điều quan trọng nhất vẫn chính là lòng hiếu thảo, sự thành tâm của con cháu đối với ông bà, tổ tiên, uống nước nhớ nguồn trong những ngày đầu năm. Đó chính là ý nghĩa tốt đẹp nhất mà phong tục truyền thống để lại cho những người đời sau.
Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết
Mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết theo truyền thống thường sẽ có nải chuối xanh đặt ở dưới cùng. Ở giữa thường đặt những quả cỡ lớn làm trung tâm như bưởi, bòng, dưa hấu, dừa… Điểm xuyết xung quanh là các loại quả có kích cỡ, màu sắc khác nhau như: táo, ớt, quất, nho… Cách bày biện này thường thấy ở các gia đình Bắc Bộ.
Chuối được bày trên bàn thờ thường là chuối tiêu già quả nhưng vẫn còn đủ xanh để trong những ngày Tết có thể chín dần, không bị hỏng. Mỗi nải chuối thường trên 20 quả với hình dáng cong cong để ôm được các loại quả khác.
Với người miền Nam, mâm ngũ quả được bày biện với mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài”, tức là mong một năm mới đủ đầy, sung túc. Mâm ngũ quả vì thế cũng tương ứng với 5 loại quả: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài… Ngoài ra, còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà hay một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu mong may mắn cả năm.
Người miền Trung lại có cách bày biện trang trí mâm ngũ quả khá đơn giản. Thường là dứa đặt cao nhất, xung quanh được bày xoài, thanh long, táo, nho, quýt…
Ngoài việc bày mâm ngũ quả theo quan niệm từng vùng miền, lựa chọn sản vật đặc trưng của vùng miền ấy đặt lên bàn thờ với sự trang trọng nhất thì nhiều gia đình hiện nay cũng thường bày mâm ngũ quả theo ngũ hành.
Với cách bày biện này, nhiều người cho rằng như vậy sẽ phù hợp với phong thủy để mọi việc hanh thông, đón thêm nhiều tài lộc trong năm mới. Một số gia đình còn khá cầu kỳ với việc chọn số lẻ trong mâm ngũ quả.
Nguyên tắc bày mâm ngũ quả theo ngũ hành thường bao gồm 5 loại quả có màu sắc khác nhau. Số 5 tượng trưng cho Phú – Quý – Thọ - Khang – Ninh, nói lên những mong muốn đạt được trong năm mới.
Mâm ngũ quả cũng được chọn 5 loại quả có 5 màu sắc khác nhau tương ứng với Ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, tượng trưng cho ngũ phúc: Giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình an.
Các loại quả màu đỏ như: hồng, táo, thanh long. Các loại quả màu trắng như: quả roi hoặc lê. Các loại quả màu xanh như: chuối, đu đủ, mãng cầu, na, sung, dừa, dưa hấu… Các loại quả màu nâu hoặc vàng như: xoài chín, bưởi, quýt, cam…Các loại quả màu đen như: nho đen hoặc các quả có màu tối, sẫm.
Cách bảo quản mâm ngũ quả tươi lâu
Sau khi mua về, bạn không nên rửa khiến nước đọng nhiều trong các loại quả gây hỏng nhanh. Bạn chỉ nên dùng khăn giấy ẩm lau sạch. Với bưởi có thể hòa chút nước vôi, thấm vào khăn và lâu để vỏ bưởi được bóng đẹp, tránh bị ố vàng.
Nên lựa chọn các quả còn xanh nếu chọn vào ngày 27, 28 tháng Chạp Âm lịch. Nếu không vội bạn có thể chọn các loại quả vào ngày 29, 30 tháng Chạp Âm lịch và bày lên bàn thờ để giúp mâm ngũ quả thật đẹp, thật tươi vào những ngày Tết.