Bánh giò
Bánh gò là loại bánh ăn vặt quen thuộc ở thủ đô Hà Nội. Bánh giò được làm từ bột gạo tẻ và bột năng nên bánh khá thanh, mềm không giống như các loại làm từ bột nếp. Nhân bánh là sự kết hợp của thịt băm, mộc nhĩ, hành khô, nấm hương... sau đó được gói bằng lá chuối nên vỏ bánh cũng có màu xanh nhạt trông khá mát mắt và ngon miệng.
Lá chuối để gói bánh giò thường được phơi héo sau đó lau cho thật sạch và để khô, xếp vào phễu để thành khuôn rồi cho bánh, nhân bánh vào rồi gói bằng dây lạt. Bánh sau khi gói cho vào chõ hấp chừng 30 phút là chín.
Ở các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa cũng có loại bánh này, tuy nhiên tên gọi có chút thay đổi, là bánh lá.
Bánh gio, bánh tro
Khi lớp lá cuối cùng được bóc ra, chiếc bánh như một khối ngọc màu hổ phách trong vắt lộ ra, có thể nhìn thấu bên trong khối ngọc đó từng hạt gạo nếp nhỏ óng ánh.
Khi ăn, chấm bánh vào bát mật mía vàng óng, thơm phức rồi nhẩn nha tận hưởng hương vị rất lạ của bánh tro.
Bánh chưng, bánh tét
Bánh chưng (“chưng” trong “chưng cất”, nghĩa là hấp nước, nhưng thực tế bánh được nấu bằng cách luộc) là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở.
Nguyên liệu làm bánh chưng gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong và bánh thường được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt, cũng như ngày giỗ tổ Hùng Vương - mùng 10 tháng 3 âm lịch).
Bánh tét, có nơi gọi là bánh đòn, là một loại bánh trong ẩm thực của cả người Kinh và một số dân tộc thiểu số ở miền Nam và miền Trung Việt Nam, là nét tương đồng của bánh chưng ở Miền Bắc về nguyên liệu, cách nấu, chỉ khác về hình dáng và sử dụng lá chuối để gói thay vì lá dong, vì vậy nó cũng được sử dụng nhiều nhất trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc Việt Nam với vị trí không khác bánh chưng.
Nhưng cũng có nhiều bánh tét nhân chuối hay đậu đen được làm hay là bán quanh năm.
Bánh gai
Bánh gai (bánh ít) là một món bánh đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, có hình vuông, vừa bằng bàn tay. Ở Bình Định hay một số tỉnh miền Trung khác, bánh ít lá gai hình chóp nhọn, cũng là món ăn có hương vị và cách chế biến tương tự.
Lá gai sau khi được giã ra, luộc lên và trộn với bột nếp sẽ được nặn hình tròn làm vỏ bánh. Nhân bánh thường gồm đỗ xanh nấu chín, giã nhuyễn, mỡ lợn, dừa, hạt sen... thái nhỏ trộn lẫn. Sau khi đặt nhân vào bên trong lớp vỏ sẽ được gói bằng lá chuối và cho vào chõ đồ lên. Không nhuốm màu xanh lục như bánh chưng hay bánh tét, bánh gai thường có màu đen. Bánh có vị ngọt, bùi, thơm ngậy của nhân bánh, mát dẻo của vỏ bánh. Món bánh này thường được thưởng thức như đồ tráng miệng.