Bất bình đẳng…
Trong thư kiến nghị, tập thể 180 đoàn viên thanh niên thuộc Đoàn cơ sở Taxi Vinasun cho rằng, kể từ khi Bộ giao thông vận tải có quyết định số 24/QĐ – BGTVT vào tháng 1/2016 về việc ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (gọi tắc là Đề án 24) đã có sự đối xử không công bằng giữa taxi công nghệ với taxi truyền thống. Cụ thể, một bên thì bị quản lý chặt chẽ, một bên thì buông lỏng không quản lý. Chính những sự khác biệt về chính sách như: thủ tục đăng ký, quy định về nhận diện, chính sách quản lý giá, bảo hiểm, chính sách thuế, phân luồng giao thông, điểm đỗ... đã tạo nên sự bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận tải taxi. Nếu như Chính phủ chúng ta càng chậm có được khung pháp lý mới để điều chỉnh thì loại hình này vẫn cứ nghiễm nhiên hoạt động ngoài vòng pháp luật và để lại nhiều hệ lụy cho xã hội. Cụ thể là họ không được nhận diện, cứ ẩn hình như các xe ô tô cá nhân, các cơ quan quản lý Nhà nước không thể quản lý, gây thất thu thuế, thất thu về bảo hiểm xã hội.
Trong vụ kiện đòi Grab bồi thường cho Vinasun có rất đông các tài xế của Vinasun đến tham dự phiên tòa. |
Trong 3 năm (từ năm 2014 đến năm 2016), trong khi hãng taxi chính thống Vinasun chỉ hoạt động ở TP Hồ Chí Minh với 6.000 xe taxi đã nộp vào ngân sách Nhà nước 1.200 tỷ đồng, trong khi đó Grap với hơn 37.000 xe thì chỉ nộp thuế có 9,5 tỷ đồng (chỉ bằng 1/130 số thuế mà Vinasun đã nộp). Đây chính là sự bất công rất lớn đối với những hãng taxi chính thống. Cũng chính vì việc các xe Grap hoạt động vô hình, số lượng xe không ai kiểm soát được, doanh thu như thế nào, quãng đường vận chuyển ra sao chỉ có mình Grap biết, các cơ quan quản lý Nhà nước không nắm rõ đã dẫn đến những hệ lụy này cho xã hội. Dẫn chứng là đến tháng 12/2017, Uber và Gap báo cáo số liệu về Bộ giao thông vận tải có 866 hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải hoạt động với 36.809 xe hoạt động thì chỉ 4 tháng sau (tháng 4/2018) Uber, Grap lại báo cáo chỉ còn 491 đơn vị tham gia thí điểm. Tuy nhiên theo số liệu của cục thuế TP Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 31/12/2018 (tức là 3 tháng sau đó), riêng Grap đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với 1.656 tổ chức, hợp tác xã trên 6 tỉnh, thành phố trong cả nước, gấp 3 lần số thống kê của Bộ GTVT.
Cần gắn hộp đèn cho xe hợp đồng điện tử
Cũng trong thư kiến nghị nêu rõ, phần lớn các tài xế xe Grap đã bỏ hết phù hiệu hợp đồng, các dấu hiệu nhận dạng xe hợp đồng để có thể dễ dàng đi vào các đường cấm taxi, xe hợp đồng trong các khung giờ cao điểm, các lực lượng chức năng không tài nào phát hiện và xử lý, gây ùn tắc giao thông rất nghiêm trọng... “Như vậy liệu chúng ta có thể chạy theo kiểm soát được một đơn vị vận tải liên tục sử dụng các chiêu thức trá hình, chiêu thức gian lận về số lượng như Grap trong thời gian qua hay không? Do vậy chúng tôi khẩn thiết đề nghị Thủ tướng giữ nguyên quyết định gắn hộp đèn cho xe hợp đồng điện tử như dự thảo lần thứ 9 của Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 do bộ giao thông vận tải trình Chính phủ”, thư kiến nghị của tập thể đoàn viên thanh niên thuộc Đoàn cơ sở Vinasun Group. kiến nghị Thủ tướng Chính phủ.
Theo thông tin từ Taxi Vinasun, mới đây, Công đoàn Taxi Vinasun đã gửi lên Văn phòng Chính phủ về thư kiến nghị của 7.688 lái xe, đề đạt một số ý kiến về việc Chính phủ chuẩn bị ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô, với nguyện vọng mong muốn Chính phủ sẽ nhanh chóng hành động tạo khung pháp lý mới, công bằng, bình đẳng cho ngành vận tải ô tô, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.