Bất công khi so sánh mức đóng thuế giữa taxi truyền thống và công nghệ
Mới đây, trong công văn phát đi của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Corp.), ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Vinasun cho biết, thông tin Grab đóng thuế nhiều gấp 3 lần Vinasun là hoàn toàn không chính xác.
Theo số liệu báo cáo đã kiểm toán của Vinasun năm 2018, số thuế Vinasun đã nộp năm 2018 là 207.861.519.259 đồng (Hai trăm lẻ bảy tỷ tám trăm sáu mươi mốt triệu năm trăm mười chín ngàn hai trăm năm mươi chín đồng), chứ không phải con số 144 tỷ đồng như thông tin đưa ra trước đó. Trong khi đó, theo số liệu Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo trước Quốc hội ngày 5/6/2019, trong năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, tổng số thuế 9 công ty taxi công nghệ, trong đó có Grab, kê khai, phải nộp là 437 tỷ đồng và các doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách 415 tỷ đồng.
Cùng với đó, thời gian vừa qua trên một số kênh thông tin đại chúng cho rằng số thuế của Grab đã nộp là 441 tỷ đồng (mặc dù biết con số này mâu thuẫn với số thuế Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo ngày 5/6/2019 trước Quốc hội) và số thuế của Vinasun là 144 tỷ đồng là không chính xác.
![]() |
Cần phải công bằng và minh bạch về thuế giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ. |
Cũng theo ông Quý, trong nhiều năm qua Công ty CP Ánh Dương Việt Nam luôn là đơn vị đứng đầu về nộp thuế trong toàn ngành vận tải taxi. Số thuế nộp vào Ngân sách nhà nước tăng đều qua các năm. Cụ thể, từ năm 2014 – 2016 tổng số thuế của Vinasun nộp là trên 1.200 tỷ đồng, trong khi với số lượng xe lớn hơn gấp nhiều lần Grab chỉ nộp vỏn vẹn 9,5 tỷ đồng (kết luận của Thanh tra Tổng cục Thuế). Năm 2017 Vinasun nộp 335,07 tỷ đồng và năm 2018 nộp 207,86 tỷ đồng.
Bắt đầu năm 2016, bước sang năm 2017, từ khi bắt đầu thực hiện đề án thí điểm số 24, cũng chính là thời điểm Grab, Uber triển khai rầm rộ tại thị trường Việt Nam với nhiều ưu đãi về chính sách, hoạt động kinh doanh của Vinasun có nhiều dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Doanh thu giảm sút, lái xe bỏ việc, ra đầu tư xe chạy Grab, Uber. Trong vòng 6 tháng đầu năm 2017, đã có hơn 10.000 lái xe bỏ việc, phần lớn sang Grab, Uber vay mượn tiền mua sắm xe để chạy xe. Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi đã buộc phải thanh lý bớt xe để duy trì hoạt động công ty. Hiện nay Công ty còn 5.612 xe hoạt động.
Với số lượng phương tiện suy giảm, doanh thu trên đầu phương tiện cũng suy giảm nhưng Công ty CP Ánh Dương Việt Nam luôn cố gắng thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ thuế. Năm 2018, với số lượng xe bình quân là 5.822 xe, Vinasun đã nộp 207,86 tỷ đồng thuế, trung bình 1 xe của Vinasun trung bình nộp vào Ngân sách nhà nước 35,7 triệu đồng/năm/xe.
Ông Quý cho rằng, nếu nhân thử số thuế trên một xe của Vinasun đang nộp ngân sách nhà nước với số lượng xe đang chạy cho Grab (theo số liệu Thiếu tướng Đào Thanh Hải cung cấp tại Quốc hội ngày 5/6/2019 là Hà Nội có 31 ngàn xe ô tô, TP. Hồ Chí Minh cỡ gấp 3 lần, tổng số xe ô tô chạy Grab tại riêng hai thành phố đã hơn 100 ngàn xe, chưa tính đến vài trăm ngàn xe gắn máy) thì số thuế của Grab nộp vào ngân sách nhà nước chắc hẳn phải là con số 4.000 – 5.000 tỷ đồng. Vậy 200 tỷ, hay 300 tỷ, 400 tỷ thì quá ít.
Bộ trưởng GTVT yêu cầu Grab phải đăng ký, đăng kiểm như taxi truyền thống
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể sáng ngày 5/6, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề về cạnh tranh không lành mạnh giữa xe hợp đồng điện tử và taxi truyền thống. Theo đại biểu Phạm Văn Hoà - Phó đoàn chuyên trách tỉnh Đồng Tháp, Grab mới nộp thuế 10 tỷ đồng năm 2014-2016, còn các hãng taxi truyền thống nộp thuế hàng nghìn tỷ mỗi năm. Giải pháp nào để quản lý xe công nghệ như Grab, chặn tình trạng tăng số lượng xe chui, trốn thuế...?
Trước những câu hỏi chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện có khoảng 48.000 xe hợp đồng điện tử đăng ký hoạt động, song con số thực tế có thể cao hơn do còn lượng lớn người dân mua xe kinh doanh hình thức này mà không đăng ký. Ông Thể khẳng định, chính sách quản lý hoạt động vận tải đảm bảo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài, nhất là giữa xe công nghệ và taxi truyền thống.
Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 86/2014 sau 7 lần sửa đổi, trình Chính phủ thì hiện đã nhận được ý kiến đồng thuận cao. Theo dự thảo Nghị định này sẽ quy định xe hợp đồng điện tử và taxi truyền thống đều phải gắn mào để lực lượng chức năng dễ nhận biết, quản lý phương tiện lưu thông trên đường.
Ngoài ra, xe công nghệ hay taxi cũng đều phải chịu quy định về thủ tục như nhau, chẳng hạn Grab hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký, đăng kiểm, cũng như chịu trách nhiệm trực tiếp trước lái xe, hành khách... như taxi truyền thống. Ngược lại, taxi truyền thống cũng sẽ được gắn các thiết bị công nghệ phục vụ hành khách như xe hợp đồng điện tử.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tin, khi Nghị định thay thế Nghị định 86 được ban hành thì Quyết định 24 sẽ hết hiệu lực. Lúc đó, cạnh tranh giữa xe công nghệ và taxi truyền thống là như nhau. "Xe hợp đồng điện tử hay taxi truyền thống cũng đều có điều kiện phục vụ, chịu quản lý về thủ tục như nhau. Nghĩa là Grab và taxi truyền thống hoạt động công bằng như nhau", ông Thể nói.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng báo cáo với Quốc hội 9 công ty vận tải taxi từ năm 2018 đến nay đã kê khai và nộp 437 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cục thuế TP.HCM đã kiểm tra và truy thu 66,68 tỷ đồng tiền thuế từ Công ty Uber giai đoạn 2014-2016. Trong thời gian tới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định tiếp tục kết nối, cung cấp thông tin liên quan đến quản lý thuế đối với doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách. Công tác kiểm tra, thanh tra cũng sẽ được Bộ cùng các cơ quan liên ngành tăng cường thực hiện nhằm chống thất thu thuế từ kinh doanh vận tải điện tử.