Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2018 sáng 31/3 với nhiều câu hỏi và giải đáp được trình bày trong hội nghị.
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc VNM, cho biết VNM hiện đặt mục tiêu mỗi năm tăng 1% thị phần và tới năm 2021, thị phần của VNM sẽ đạt trên 60% thị phần. Về sản phẩm chiến lược, công ty tung ra nhiều sản phẩm mới như sữa đậu nành hạt óc chó, sữa chua pho mai tươi... Tăng trưởng của công ty sẽ chủ yếu dựa trên cơ sở cung cầu.
Doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk trong các năm gần đây |
Bà Mai Kiều Liên cho biết ngành sữa chỉ tăng trưởng khoảng 5-7% năm. Và để giành thị phần thì phải tăng trên 7%. Và hiện VNM đang triển khai tăng trưởng hơn 7%. Chưa kể, với ngành sữa, thì tăng trưởng có nhiều cách hiểu, uống sữa nhiều cũng là tăng trưởng, tăng người uống cũng là tăng trưởng, nên tương lai sẽ tăng trưởng nhiều.
"Nhanh hay chậm thì phải dựa trên con đường rất dài. Chúng ta vẫn còn cơ hội cho 5 năm tới hoặc 10 năm tới" - Bà Liên dẫn ví dụ - các công ty sữa ở các nước châu Âu tăng trưởng 1 - 2% đã là điều rất mừng rồi".
Liên quan đến tình hình xuất khẩu, Tổng giám đốc VNM cho biết hiện công ty không chủ động được phần xuất khẩu. Xuất khẩu năm 2017 giảm và quý I.2018 cũng vẫn giảm, tuy nhiên trong năm 2018 ban điều hành vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng 8,5%. VNM không chắc chắn được về tình hình xuất khẩu có ổn định hay không.
Về kế hoạch mở rộng ở các thị trường nước ngoài, VNM đang kết hợp với cổ đông F&N để nghiên cứu thị trường Thị trường Myanmar và tìm nhà phân phối để bán hàng trên quy mô lớn ở thị trường. Lấy ví dụ thị trường Campuchia, bà Liên cho biết VNM đã thực hiện rất thận trong khi hợp tác với nhà phân phối ở đây và đến khi giành được 30-40% thị phần thì VNM mới tiến hành mở nhà máy.
Còn thị trường Trung Quốc, bà Liên cho biết 1-2 tháng tới nhà chức trách Trung Quốc sẽ sang Việt Nam để kiểm định sản phẩm và nhà máy của VNM để quyết định việc cấp phép cho một số sản phẩm có quy định khắt khe. Tuy nhiên, bà Liên cho rằng thị trường Trung Quốc hiện đang rất thuận lợi và VNM vẫn đang xuất khẩu sang Trung Quốc những sản phẩm mà chính phủ 2 nước không hạn chế.
Ngoài ra, VNM cũng đang thảo luận với cổ đông mới là Jardine để thông qua chuỗi siêu thị (Diary Farm) của cổ đông này để mở rộng xuất khẩu sản phẩm cửa VNM ra nước ngoài, đồng thời Jardine cũng giới thiệu một số đối tác ở nước ngoài cho VNM.
Dòng sản phẩm hữu cơ Organic đang dần trở thành mặt hàng dẫn đầu cũa Vinamilk. Bà Liên cho biết dòng sữa organic ra mắt từ 2017, hiện nay do thiếu nguyên liệu không đủ hàng để bán. VNM sẽ triển khai 2.000 con bò sữa cho trang trại ở Thanh Hóa và sẽ mở rộng trang trại organic ở Đà Lạt về phía Di Linh. Song song đó, công ty sẽ nhập bò organic mang thai từ Úc về để tăng đàn. Ở thị trường miền Tây, VNM sẽ kết hợp nông trường Sông Hậu để làm organic cho miền Tây phục vụ cho miền Tây.
Trong tháng 4/2018, VNM sẽ mua sữa organic theo tiêu chuẩn châu Âu, Nhật Bản nhập về Nghệ An để sản xuất. Trong 1-2 năm tới, VNM sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu sữa organic. Các sản phẩm khác sẽ vẫn đảm bảo nhu cầu người tiêu dùng.
Các cổ đông của Vinamilk đã biểu quyết thông qua mọi đề xuất của HĐQT trong buổi đại hội cổ đông, với kỳ vọng lợi nhuận sau thuế sẽ đạt xấp xỉ 10.800 tỉ đồng trong năm 2018.
Đại hội cũng thông qua việc để ông Alain Xavier Cany (quốc tịch Pháp), Trưởng đại diện - Chủ tịch Tập đoàn Jardine Matheson Limited Việt Nam, trở thành thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021 của Vinamilk.
Jardine Cycle & Carriage là cổ đông nước ngoài lớn thứ hai của Vinamilk, chỉ sau Tập đoàn F&N của Singapore, hiện đang sở hữu 19,95% vốn điều lệ của Vinamilk. Trong khi đó, cổ đông lớn nhất hiện nay là SCIC chỉ còn nắm giữ 36% vốn điều lệ của Vinamilk sau hai đợt thoái vốn tại doanh nghiệp này. |