Hai hôm nay cộng đồng mạng, doanh nghiệp ngỡ ngàng với cái văn bản của công ty võng xếp Duy Lợi, với cách chuyển tải thông tin một cách “bá đạo”. Nhiều tờ báo, trang mạng, và nhất là cộng đồng mạng, chạy những cái tít cũng… bá đạo không kém, kiểu như “Công ty Duy Lợi chi tiền cho nhân viên đi nhà nghỉ, mua bao cao su”, “Ông chủ Duy Lợi khuyến khích nhân viên đi nhà nghỉ bằng tiễn hỗ trợ thiếu việc”…
Sự việc khởi nguồn ở chỗ ông Lâm Tấn Lợi, chủ công ty sản xuất võng xếp Duy Lợi, ký một thông báo về việc hỗ trợ cho nhân viên làm tốt nhưng “thiếu việc” của năm 2016, với số tiền 100.000 đồng/ngày. Sẽ chẳng là gì nếu ngôn ngữ và cách chuyển tải thông tin trong văn bản này cực kỳ khác thường, mà những người quen với nếp sống đạo mạo, khổ hạnh (cứ cho là đạo đức) chắc chắn sẽ bị sốc. Cụ thể văn bản này có những dòng kiểu: “Khoản tiền này dành để nuôi vợ (chồng), con, bồ nhí…”, “đi nhậu (bình dân); hay thậm chí là “đi nhà nghỉ”.
Trong phần “đi nhà nghỉ”, thông báo trên còn hướng dẫn khá chi tiết như: “Đi nhà nghỉ, nếu vô 1 giờ giá 50.000đ/ giờ thì hùn tiền với đối tác mỗi người 25.000đ; nếu là nhân viên nam thì mua bao cao su, nếu là nhân viên nữ thì mua thuốc tránh thai. Nếu ở nhà nghỉ giá 2 giờ 70.000đ thì mỗi người hùn nhau 35.000đ, phần còn lại mua bao cao su”.
Đã có ý kiến trái chiều, thậm chí trên mạng xã hội có ý kiến chê bai, mỉa mai về cách làm văn bản và thậm chí còn ám chỉ chê bai nhân cách người viết, ký văn bản. Trước các ý kiến này, ông Lâm Tấn Lợi trả lời giản dị: “Việc ra văn bản với những từ ngữ như thế là không có gì sai, gần gũi với người lao động và thực sự những nhu cầu như văn bản đề cập là chính đáng của con người”.
Chiếc võng xếp Duy Lợi đem lại sự tiện lợi và thoải mái cho rất nhiều người. |
Thực ra chưa có quy định nào yêu cầu hễ cứ văn bản hành chính là bắt buộc phải sử dụng ngôn ngữ phải đúng phong cách văn bản hành chính, miễn văn bản không sai về nội dung và hình thức trình bày. Ông Lâm Tấn Lợi đã phá cách để nói một điều quan trọng bằng một lối nói giản dị, dễ gần, dễ tiếp thu. Quả thực một văn bản hành chính mà khơi gợi được cảm xúc, là cách làm rất sáng tạo.
Người ta bị cái thói quen cứ đọc gì hiểu nấy, theo cái nghĩa đen mà con chữ đem lại. Chỉ có người ngớ ngẩn mới hiểu theo cái cách là văn bản nói gì có nghĩa là khuyến khích đúng nội dung đó. Trọn tinh thần cái thông báo này là phụ cấp thất nghiệp cho công nhân 100.000 đồng/ngày. Nhưng văn bản chỉ vỏn vẹn mấy chữ khô khốc như vậy thì nó cụt lủn, sơ sài đơn điệu quá. Và những cái gạch đầu dòng là lối pha trò, hài hước dí dỏm, giúp cho sự căng thẳng của tình trạng thất nghiệp cũng giảm đi ít nhiều.
Cuộc sống vốn dĩ đã gay gắt, căng thẳng, lẽ ra làm cho nó dịu đi, nếu vẫn bị những thói quen định kiến, không chịu cho nó “phá cách”, nghĩ khác, làm khác, thì chỉ mình làm cực thêm cho cuộc sống của mình mà thôi.
Với cách làm văn bản như vậy, chắc chắn ông Lâm Tấn Lợi sẽ đem lại cảm xúc vui vẻ và khả năng đã có thể khiến công nhân chấp nhận ngay điều khoản ông đưa ra mà không hề đấu tranh, đòi hỏi gì thêm (biết đâu trước đó đã có ý kiến đòi phụ cấp thất nghiệp tính theo cách khác, hay cao hơn, ví dụ 120.000 đồng/ngày chẳng hạn?).
Và cũng có thể, đó là cái chiêu “hạ hỏa” cao tay của ông chủ võng xếp, khi đưa ra thời gian trả tiền trợ cấp “thiếu việc” này là vào đầu năm 2018! Mất việc thì không có thu nhập, người ta cần có tiền để sống qua ngày, cần phải giải quyết ngay, chứ để đến năm 2018, khi đã đi làm lại và có thu nhập, mới được nhận, thì những đồng tiền trợ cấp đâu có ý nghĩa gì!
Có thể đó mới là cái còn “độc” hơn nữa trong văn bản này, chứ không phải mấy chữ đi nhà nghỉ, mua bao cao su, mua thuốc tránh thai kia.