Sau 2 phiên trầm lắng, thanh khoản trên thị trường đã hồi phục trở lại, tuy chưa bằng những phiên sôi động các tuần trước nhưng cũng đã tăng vài chục phần trăm. Dòng tiền vẫn đang tìm đến các cổ phiếu của những doanh nghiệp đầu ngành và có triển vọng như ngành sắt thép, xây dựng, ngân hàng, chứng khoán.
Cú sốc tin về ông Trần Bắc Hà và căng thẳng Mỹ-Triều Tiên đã lắng xuống. Các nhà đầu tư đã bắt đầu tham gia thị trường tích cực hơn, bớt thận trọng xem xét đánh giá như 2 phiên cuối tuần vừa qua.
Tâm điểm thu hút sự chú ý của thị trường là nhóm cổ phiếu thép, bao gồm HPG của Tập đoàn Hòa Phát, HSG của Tập đoàn Hoa Sen, SMC của CTCP Đầu tư thương mại SMC…
Cổ phiếu HPG của đại gia Trần Đình Long gây sốt với giá lên mức cao nhất trong lịch sử. Đây là lần thứ 2 trong vòng khoảng 2 tuần qua, cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát chinh phục những đỉnh cao mới.
Dòng tiền vẫn đang chờ đợi cơ hội trên thị trường chứng khoán. |
Cổ phiếu HPG tăng 4% lên 34 ngàn đồng/cp. Đây là mức giá điều chỉnh cao nhất trong lịch sử kể từ khi cổ phiếu này lên sàn cách đây 10 năm. Với hơn 380 triệu cổ phiếu, ông Trần Đình Long chứng kiến túi tiền phình nở lên mức chưa từng có, gần 13 ngàn tỷ đồng.
So với trước đây vài năm, ông Trần Đình Long đã giàu có hơn rất nhiều, gấp đôi ba lần. Tuy nhiên, so với thị trường ông Trần Đình Long lại có chiều hướng đi xuống. Trước đây, ông Trần Đình Long xêp vị trí thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất, thì giờ đây ông đã tụt xuống vị trí thứ 4 do có sự xuất hiện của tỷ phú USD Trịnh Văn Quyết (Tập đoàn FLC) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo (VietJet Air). Nhiều cổ phiếu lớn lên sàn đang làm thay đổi bảng xếp hạng những người giàu nhất.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn duy trì được tính thanh khoản khá cao, tốc độ xây dựng rất lớn, các cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu xây dựng trong đó có thép đang có những bước tiến rất mạnh.
Cổ phiếu HSG của đại gia Lê Phước Vũ kém đôi chút nhưng cũng đang tăng tốc trở lại. Ông Lê Phước Vũ tiếp tục may mắn sau khi bán thành công gần chục triệu cổ phiếu của chính mình với mức giá cao kỷ lục mọi thời đại: khoảng 32 ngàn đồng/cp rồi quay lại đăng ký mua khi cổ phiếu này rớt xuống gần 26 ngàn đồng.
Cho dù kết quả kinh doanh thua kém tươi sáng hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành nhưng cổ phiếu HSG cũng đang tăng lại cùng thị trường và với triển vọng vẫn khá tốt của cổ phiếu vật liệu xây dựng.
Các cổ phiếu ngành thép khác như SMC, NKG cũng tăng giá mạnh.
Bên cạnh nhóm xây dựng, các cổ phiếu đầu ngành như Vinamilk (VNM) và Dược Hậu Giang (DHG) cũng đang hâp dẫn các nhà đầu tư, trong đó có khối ngoại. Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng hàng chục tỷ đồng các cổ phiếu này.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng trở lại sau vài phiên sụt giảm sau sự cố tin đòn ông Trần Bắc Hà, nguyên chủ tịch Ngân hàng BIDV bị bắt. Nhóm cổ phiếu này tăng nhanh cùng với sự hồi phục của các cổ phiếu blue-chips đã khiến thị trường xanh trở lại.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu đang được chính các cổ đông lớn và lãnh đạo doanh nghiệp bán ra sau một thời gian tăng nóng.
Ông Lê Quốc Hưng và vợ - bà Lê Thị Ngọc Nữ đã bán thỏa thuận 300.000 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 4,9% và không còn là cổ đông lớn của Quốc Cường Gia Lai (QCG). QCG hiện vẫn do gia đình ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla) nắm quyền chi phối.
CTCP Global Mind Việt Nam đã bán ra hơn 3,8 triệu cổ phiếu SCR của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín trong 2 ngày 09 và 10/8, giảm sở hữu tại SCR từ hơn 7,5% xuống còn 5,85%. Sacomreal là doanh nghiệp bất động sản của nhà ông Đặng Văn Thành. Hay TGĐ CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT) đăng ký bán ra 1 triệu cổ phiếu NVT từ ngày 18/8 đến 16/9 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Trước đó, ông Dũng đã bán ra hơn 890.000 cổ phiếu NVT.
Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán vẫn đang chờ những tín hiệu mạnh hơn để hồi phục vững chắc sau cú gãy sóng trong tuần vừa qua. Dòng tiền vẫn khá lớn và có thể đổ vào bất cứ lúc nào. Các nhà đầu tư ngoại đang tranh thủ cổ phiếu giảm mua vào.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/8, VN-index giảm 4,09 điểm xuống 776,17 điểm; HNX-Index tăng 0,64 điểm xuống 101,5 điểm. Upcom-Index giảm 0,33 điểm xuống 54,37 điểm. Thanh khoản tăng khá mạnh trở lại lên 245 triệu cổ phần được giao dịch. Tuy nhiên, giá trị mới đạt hơn 4 ngàn tỷ đồng, vẫn thấp hơn so với mức trung bình gần 4,8 ngàn tỷ đồng trước đó.