DN vận tải không ký… vì lỗ
Bà Tống Thị Thu Thanh, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Vận tải Quyết Thắng, cho biết không riêng gì HTX của bà không ký hợp đồng nguyên tắc với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (QLGTCC) TP Hồ Chí Minh mà nhiều HTX, doanh nghiệp (DN) Vận tải hành khách công cộng (VTHKCC)… không ký. Đến thời điểm hiện tại chỉ có 5/13 HTX và DN ký với Trung tâm QLGTCC vì họ cần tiền để trả nợ ngân hàng.
Các DN vận tải hành khách công cộng cho rằng mức trợi giá xe buýt hiện nay rất thấp... |
Theo bà Thanh, hàng năm mức trợ giá cho các HTX, DN VTHKCC do TP đưa ra khoảng 1.000 tỷ đồng. Năm 2018, sau khi các HTX, DN đã thay 1.200 xe buýt mới theo chủ trương của UBND TP Hồ Chí Minh, nhưng mức trợ giá vẫn 1.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa mức trợ giá bị tụt xuống rất nhiều vì đầu tư xe mới, sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, mua giá 2,750 tỷ đồng/xe, trong khi so với xe cũ chỉ đầu tư từ 800 – 940 triệu đồng/xe.
“Các HTX, DN VTKHCC thay xe mới theo yêu cầu của thành phố (TP) để người dân được hưởng lợi, nhưng TP lại không tính giá như thế nào để các xã viên đảm bảo trả nợ ngân hàng khi vay tiền mua xe. Phía nhà quản lý cứ lấy mốc 1.000 tỷ đồng để phân bổ cho cũng bao nhiêu đó chiếc xe, vẫn ngần đó chuyến thì làm sao đảm bảo doanh thu cho chủ xe? Trong khi hiện tại các tuyến xe buýt đều giảm mà người dân bình thường cũng có thể nhìn thấy, đó là: Hạ tầng xuống cấp kéo theo kẹt xe, dẫn đến xe buýt chạy không thể đúng giờ. Từ việc chạy không đúng giờ, thì người ta sử dụng phương tiện vận tải khác nên kéo theo giảm sản lượng, đồng nghĩa giảm doanh thu. Trong khi doanh thu bị giảm nhưng các HTX, DN VTHKCC vẫn bị áp doanh thu đó, việc này Trung tâm QLGTCC và Sở GTVT vẫn biết nhưng không làm gì được vì gói ngân sách chỉ như thế”, bà Thanh nói.
Nhiều HTX vận tải ngồi trên lửa
Một Giám đốc HTX VTHKCC (xin không nêu tên) cho rằng hiện ông cùng hàng trăm xã viên HTX đang “ngồi trên lửa” bởi các đối tác không tiếp tục bán thiếu nhiêu liệu và cung cấp các dịch vụ sữa chữa. Hiện HTX của chúng tôi đang nợ 30 - 40 tỷ đồng tiền mua nhiên liệu, dịch vụ sửa chữa và nguy cơ phá sản đang rất gần. “Không chỉ HTX chúng tôi mà nhiều HTX, DN VTHKCC khác đã chịu không nổi và đã kiến nghị với UBND TP Hồ Chí Minh là sẽ dừng hoạt động vào ngày 15/10 tới đây, nếu mức trợ giá năm nay vẫn như cũ. Hôm qua (ngày 10/10), Sở GTVT cũng tổ chức họp với Sở Tài chính để nghe các HTX, DN vận tải nêu nguyện vọng. Tuy nhiên Sở Tài chính vẫn lập luận… tăng trợ giá là không căn cứ! Trong khi các HTX, DN không biết cái “căn cứ” mà Sở Tài chính nêu là cái “căn cứ” gì? Đại diện Sở Tài chính chỉ nói “chung chung” trong khi phía Sở GTVT đã đưa ra cụ thể các mức chiết tính! Phía Sở Tài chính không xem xét cụ thể hạ tầng, việc HTX đầu tư xe mới…, đến lúc cao trào thì đại diện Sở Tài chính xin phép nghỉ để… đi họp chỗ khác!
... Nên càng chạy nhiều thì càng lỗ nhiều! |
Khi được hỏi, cả bà Thanh lẫn vị Giám đốc HTX nêu trên đều khẳng định từ đầu năm 2018, Trung tâm QLGTCC và Sở GTVT đã kiến nghị xin UBND TP bổ sung thêm 330 tỷ đồng. Nhưng đến giờ phút này Sở Tài chính vẫn “vặn vẹo” đủ đường và chưa thể giải quyết cho dù UBND TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo 2 ngành GTVT và Tài chính ngồi lại với nhau. Sở Tài chính lập luận vì sao tuyến không tăng, sản lượng không tăng mà trợ giá lại tăng? Câu hỏi này rất quan liêu vì Sở Tài chính không chịu thừa nhận các HTX, DN đầu tư xe mới và tình trạng kẹt xe dẫn tới giảm sản lượng…
Chưa kể, từ đầu năm đến nay các HTX, DN VTHKCC chỉ được nhận tạm ứng trợ giá 40% theo đơn giá của tiền trợ giá tháng 12/2017 (tương đương 50% của 80% hợp đồng nguyên tắc năm 2018), dẫn đến không đủ chi phí trả công, đổ nhiên liệu, trả nợ ngân hàng vì đã mượn để mua xe mới theo chủ trương của TP, chi phí sửa chữa xe… nên nhiều người dừng chạy. Cũng theo vị Giám đốc HTX VTHKCC nêu trên cho rằng tiền trợ giá được tạm ứng hiện nay quá thấp và ít. Vì lấy sản lượng thực hiện năm 2017 làm mốc, cộng với 20% sản lượng kỳ vọng tăng trưởng của năm 2018 làm doanh thu năm 2018. Tuy nhiên so sánh con số phân bổ trợ giá kiểu “đổ đồng” thì truy ngược sẽ ra doanh thu kỳ vọng năm 2018 là 39% chứ không 20%, mà số 39% là quá cao.
Toàn TP có 103/141 tuyến xe buýt được trợ giá Theo ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm QLGTCC TP Hồ Chí Minh, trợ giá xe buýt được thực hiện từ năm 2002 đến nay. Hiện có 103/141 tuyến xe buýt được trợ giá với 2.500 phương tiện, trung bình có 17.000 chuyến xe/ngày, vận chuyển mỗi ngày khoảng 650.000 - 700.000 lượt hành khách. Kinh phí trợ giá năm 2017 là 957 tỷ đồng. Giá vé hòa vốn của xe buýt là 7.773 đồng/lượt khách, trong khi giá vé bình quân hiện nay chỉ 3.489 đồng/lượt khách. |
Còn nữa