Cứ 10 người có 8 người sử dụng điện thoại di động
Đây là điều mà bà Tammy Phan – Giám đốc Đối tác chiến lược và Kênh bán hàng Google APAC đưa ra tại Hội thảo “Đón làn sóng công nghệ số: Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã sẵn sàng?” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức vào sáng 2/6 vừa qua
Theo bà Tammy Phan, doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng đói với tiềm năng tương lai và kinh tế của Việt Nam. Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chiếm tới hơn 97% số doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp khoảng 40% GDP và tạo việc làm cho 51% lực lượng lao động.
Cũng theo đại diện Google, Việt Nam là quốc gia đứng đầu về điện thoại di động, tới năm 2020, cứ 10 người sẽ có 8 người sử dụng điện thoại di động. Số người dùng điện thoại đã tăng 2 lần từ năm 2013 do điện thoại di động có mức giá hợp lý, thu nhập của người Việt Nam cũng có điều kiện để tiếp cận. Ngoài ra, Chính phủ đóng vai trò trong thúc đẩy như đầu tư băng thông rộng, đường truyền tốc độ cao...
Bà Phan chỉ ra rằng, sử dụng điện thoại di động giúp phát triển kinh tế, cụ thể nếu tăng thêm 1% người dùng điện thoại di động sẽ đóng góp hơn 100 triệu USD vào GDP và tạo hơn 140.000 việc làm mới. Vì vậy, các doanh nghiệp đang tính đến khả năng tiếp cận và mang lại giá trị từ việc tiếp cận internet.
Đáng chú ý, có tới 70% người tiêu dùng sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm hiểu thông tin trước khi mua hàng, đây là công cụ cần thiết trong quyết định mua sắm. Qua nghiên cứu cho thấy, người tiêu dùng tìm kiếm ở nhiều lĩnh vực, dịch vụ khác nhau từ nhà hàng, khách sạn, đồ gia dụng, đồ điện tử... Điều đó có nghĩa các doanh nghiệp kết nối trực tuyến thì khách hàng có thể tìm kiếm dễ dàng hơn.
Cứ 10 người sẽ có 8 người sử dụng điện thoại di động vào năm 2020. |
Chỉ có 20% Doanh nghiệp sử dụng Website
Ông Kevin O'Kane, Giám đốc phục trách mảng Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMB), Google Châu Á Thái Bình Dương cho biết thêm, rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các doanh nghiệp nhỏ sẽ hoạt động tốt hơn khi họ có một trang web mạnh. Doanh nghiệp có thể tăng doanh số bán hàng gấp 4 lần so với các đối thủ cạnh tranh nếu ứng dụng web và các công cụ số, đặc biệt là trên điện thoại di động.
Cách đây 20 năm, các doanh nghiệp nhỏ không thể kham nổi việc quảng cáo trên quy mô toàn cầu. Doanh nghiệp thường đăng trên các trang vàng hay báo địa phương. Ngày nay, với các công cụ như Google AdWords, doanh nghiệp có thể tiếp thị sản phẩm trên khắp cả nước hay phạm vi toàn cầu, tới tận từng thiết bị mà người tiêu dùng luôn mang bên mình.
Ông Kevin O'Kane nêu ví dụ: “Quảng cáo trực tuyến đã giúp mang sản phẩm cá kho làng Vũ Đại vươn ra thị trường trong nước, mang lại sự thịnh vượng cho cả một ngôi làng”.
Dự kiến hoạt động kinh doanh online sẽ tăng thêm 40%, tuy nhiên cũng có những thách thức đó là mới chỉ có 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa có webisite trực tuyến. Các doanh nghiệp cũng lo ngại nhiều vấn đề như chi phí, bảo mật, kỹ thuật... nhưng theo đại diện Google điều đó không hoàn toàn đúng bởi hiện Google cũng đang cung cấp nhiều giải pháp miễn phí cho doanh nghiệp.
Sử dụng Website và Công nghệ số sẽ giúp DN tăng doanh số bán hàng. |
Ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cũng từng nhận định có khoảng 30% dân số mua sắm online vào năm 2020. Doanh số hằng năm đối với loại hình này có thể đạt trung bình 350 USD trên một đầu người. Bên cạnh đó, doanh số B2C (doanh nghiệp bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng) sẽ tăng 20%, đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chiếm 97% cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả khảo sát của VCCI với hơn 10.000 doanh nghiệp trên toàn quốc cũng cho thấy khả năng ứng dụng công nghệ chưa thực sự cao.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI - mức độ kết nối của doanh nghiệp vừa và nhỏ với nước ngoài và chuỗi sản xuất của thế giới tương đối kém. "Trong mẫu 10.000 doanh nghiệp trả lời, tỷ lệ tham gia làm ăn với doanh nghiệp nước ngoài rất ít. Do đó, bức tranh xuất nhập khẩu hiện nay mới chủ yếu là các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài FDI."- ông Tuấn cho biết. Thực tế, tỷ trọng FDI trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng rất nhanh, đạt hơn 70%. cách đây 5 năm chỉ là 50%.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam ứng dụng số hóa còn chậm vì thiếu nhận thức về lợi ích của kết nối trực tuyến; ngại tốn chi phí và thiếu cơ hội tiếp cận vốn đầu tư; thiếu chuyên môn kỹ thuật và thói quen dùng tiền mặt trong xã hội cũng là một vấn đề.