Để đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi của trang trại bò Úc đóng trên địa bàn xã Nghi Lâm, từ năm 2014 đến nay, huyện Nghi Lộc chuyển đổi, mở rộng diện tích trồng giống ngô đỏ. Riêng xã Nghi Lâm, trang trại bò Úc đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ cây ngô cho nông dân các xóm 4, 5, 12 và 13.
Xã đã chuyển đổi 80 ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô đỏ. Thời gian cho thu hoạch của giống ngô này 3 tháng, năng suất trung bình đạt 40 tấn/ha. Mỗi vụ toàn xã Nghi Lâm thu hoạch khoảng 3.200 tấn ngô cây bán cho trang trại bò Úc, giá trị ước đạt 2,7 tỷ đồng/vụ.
Bà con thu hoạch ngô bán cho doanh nghiệp. |
Huyện Tân Kỳ có hơn 2.000 ha đất màu ven sông Con, mỗi năm trồng 2 -3 vụ ngô hàng hóa. Những năm gần đây, Tân Kỳ có nhiều trang trại bò sữa, bò thịt và cả bò Úc, nhu cầu thức ăn cho bò rất lớn nên nhiều gia đình không chờ ngô già lấy hạt, mà chặt bán ngô non cho các trang trại.
Vụ xuân hè này, trên các cánh đồng, những chiếc xe trọng tải lớn tấp nập ra vào thu mua ngô cây. Nông dân các xã: Tân Long, Kỳ Tân, Nghĩa Dũng, Nghĩa Bình... hồ hởi chặt ngô non đang ngậm sữa để bán.
Gia đình ông Bùi Xuân Bình, xóm 1, xã Kỳ Tân trồng 1 mẫu ngô xuân hè trên đất màu ven sông cho biết: Khi cây ngô được 80 ngày, bắp đang giai đoạn ngậm sữa, trại bò đến mua ngô cả cây với giá 700 nghìn đồng/tấn, gia đình đồng ý bán. Xe ô tô ra tận ruộng, gia đình huy động nhân lực, chặt sát gốc cây ngô, bốc lên xe. Gia đình đã bán được 5 xe, mỗi xe cân được hơn 10 tấn. Tính ra 1 sào ngô thu được 1,7 tấn cây, bán được 1,2 triệu đồng.
Hiện, các xã vùng bán sơn địa như Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Mỹ - những địa bàn thường khô hạn, thiếu nước trồng trọt cũng đã chuyển đổi diện tích trồng hành tăm, ngô lấy hạt trước đây sang trồng ngô thu hoạch cây. Trung bình mỗi hộ trồng từ 2 đến 5 sào.
Giống ngô đỏ cung cấp thức ăn cho bò được bà con trồng là các giống: CT888, CT919, CT999, CT989 … có ưu điểm nổi trội là thời gian sinh trưởng ngắn (3 tháng), ngắn hơn ngô hạt 1 tháng; mật độ cây cao hơn, năng suất cao và giá trị kinh tế cao hơn (ước đạt 1,8 triệu/sào) cao hơn cây ngô lấy hạt (1,2 triệu/ sào). Bởi thế, người dân địa phương rất hưởng ứng chuyển đổi sang trồng ngô cây để cung cấp cho trang trại bò Úc.
Diện tích ngô rộng lớn để cung cấp cho doanh nghiệp. |
Hiện nay, cây ngô non trên địa bàn huyện Tân Kỳ được bán cho nhiều công ty, trang trại bò như: Vinamilk, Công ty sữa TH, trại bò Úc của Công ty TNHH Kiều Phương và một số trại bò ở Hà Tĩnh...
Công ty TNHH Kiều Phương ở huyện Tân Kỳ có trại bò Úc trên 500 con, vụ ngô này Công ty có kế hoạch thu mua 300 tấn cây ngô non về chế biến thức ăn cho bò. Ông Tô Anh Phương - Giám đốc Công ty cho biết: Ngô đang là nguồn thức ăn chính của bò Úc, ngô mua về băm nhỏ, ủ chua cho bò ăn dần phòng những mùa thiếu lương thực.
Ông Nguyễn Bá Thức - Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện cho rằng: Người dân đang bán ngô cây cho các trại bò hoàn toàn tự phát, các hộ tự thống nhất giá với chủ xe để mua bán. Bán ngô non làm thức ăn cho bò đem lại thu nhập gần như tương đương với bán ngô hạt, lại có thể quay vòng 3 vụ/năm, trong khi trồng ngô lấy hạt chỉ được 2 vụ/năm.
Trồng ngô bán non là cách làm hay, tạo cho nông dân có thêm thu nhập, nhưng về lâu dài, giữa "3 nhà" cần có hợp đồng cam kết tiêu thụ sản phẩm hàng năm, hàng vụ và cơ chế thanh toán tốt để nông dân thực hiện sản xuất chuyên nghiệp hơn.