Khám phá ve sầu lột xác
Chúng tôi chia nhau mỗi tốp 2-3 người, cầm đèn pin, túi xốp, cây sào dài 3 - 4 m, đầu có buộc một túi ni lông, đi soi từng gốc điều, ngọn cây khô để tìm ve sầu. Thành kể, trước kia, người ở đây không ai dám ăn nhưng khoảng năm 2010, một số người làm thuê trong rẫy bắt về một rổ ve sầu đem chiên làm mồi nhậu. Mọi người nếm thử thấy thơm, ngon, bùi và giòn nên từ đó, “phong trào” bắt ve sầu làm mồi nhậu rộ lên. Có nhiều gia đình còn săn ve sầu về làm thức ăn trong mỗi bữa cơm.
Trẻ em chờ săn ve sầu vào đêm. |
Mùa ve sầu thường bắt đầu từ đầu tháng 2 âm lịch, khi xuất hiện những cơn mưa sớm, đến khoảng tháng 5 âm lịch thì kết thúc. Quá trình ve sầu lột xác từ ấu trùng thành ve trưởng thành diễn ra rất ngắn. Ấu trùng ve sầu thường chọn thời điểm chạng vạng tối để từ những lỗ dưới đất chui lên, tìm đến các gốc cây bám vào. Sau khi cố định trên thân cây, chúng bắt đầu quá trình tách mình khỏi lớp vỏ ban đầu.
Khi mới lột xác, thân ve sầu rất mềm. Sau khi lột xác xong, thân và cánh ve sầu xanh biếc, trông rất đẹp nhưng rất dễ bị tổn thương, nhất là khi dính nước. Chính vì vậy, chúng không bao giờ lên khỏi mặt đất và lột xác nếu trời mưa. Để có thể bay và kêu, chúng phải đợi thêm khoảng 30 phút nữa cho thân và cánh khô cứng lại.
Tùy vào khu vực sinh sống, ấu trùng ve sầu có thể trú ngụ sâu dưới đất từ 1 năm cho đến vài năm nhờ hút nhựa từ rễ cây. Khi đủ lớn, chúng đục đất leo lên các thân cây để lột xác, tìm bạn tình, giao phối xong đẻ trứng trên thân, lá cây. Khi trứng nở, ấu trùng ve rơi xuống đất, tự đào hố ở ẩn và lại bắt đầu quy trình mới. Trái ngược với thời gian sống dưới lòng đất, thời gian sống trên cây của ve sầu khá ngắn, chỉ trong khoảng 2 tháng hè.
Theo Thành, để ăn đúng loại ve sầu ngon, phải bắt con vừa lột xác, cánh tơ mới nở. Vì vậy, thời gian đi săn thường bắt đầu từ khoảng 18 giờ 30 phút đến 19 giờ. Nếu đi trễ, cánh ve sầu đã khô cứng, ăn không ngon.
Nửa triệu đồng/kg, vẫn đắt như tôm tươi
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Tiến, chuyên bán ve sầu ở Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, ve sầu là đặc sản của người miền Tây đã nhiều năm nay, nhưng với người Hà Nội thì vẫn còn khá mới mẻ.
Anh Tiến cho biết, vào mùa hè, tại những vườn cây ăn quả ở miền Tây (nơi có những đàn ve sầu cư ngụ), buổi tối người dân thường vào vườn soi đèn pin để bắt nhộng ve sầu non (loại thân mềm, màu xanh) để chế biến thành các món ăn hấp dẫn.
Người dân Hà Nội săn ve sầu về làm mồi nhậu |
Tuy nhiên, người ta chỉ bắt loại nhộng ve vừa mới lột xác, đặc biệt, phải canh đúng thời điểm mới bắt được loại nhộng ve ngon nhất.
Theo anh Tiến, trước đây người dân miền Tây thường bắt ve sầu về ăn, nhưng giờ nhu cầu thị trường ngày càng cao nên nhiều người đi bắt ve để bán. Giá ve sầu vì thế càng ngày càng đắt đỏ bởi do cung không đủ cầu, và ve sầu cũng càng ngày càng hiếm.
"Tôi thu mua ở trong kia đã 400.000 đồng/kg, chuyển ra Hà Nội bán 500.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hàng gom lại để chuyển ra cũng không nhiều, mỗi tuần chỉ 2 lần, mỗi lần tầm 10-20 kg, không đủ để trả cho khách đặt trước", anh nói.
Ở Hà Nội hiện khá nhiều người biết ăn ve sầu. Thế nên, các khách hàng của anh Tiến đều đặt mua vài kg/lần để ăn dần.
"Mặc dù được cho là món đặc sản ngon nhất nhì miền Tây, nhưng có người ăn ve sầu bị dị ứng nên cần cẩn trọng, ăn thử một vài con để thử phản ứng trước khi chén cả đĩa”, anh Tiến lưu ý.