Tòa nhà Saigon Trade Center (quận 1, TP.HCM) là nơi nhà bán lẻ này chọn mở cửa đầu tiên. Ngay trong tháng đầu, chuỗi cửa hàng đã mở rộng với tốc độ mỗi tuần thêm một cửa hàng mới ra mắt tại trung tâm quận 1.
Hàng hóa nghèo nàn, đồ ăn giá cao
Sau vài ngày chứng kiến cảnh giới trẻ chen chúc xếp hàng “check in”, cửa hàng đầu tiên đã quay về như thực trạng của hàng trăm cửa hàng tiện lợi khác đang có mặt tại TP.HCM. Tại cửa hàng này, khách chỉ đông hơn vào buổi trưa, khi nhân viên văn phòng làm việc tại tòa nhà này vào giờ ăn. Thời gian khác trong ngày thường chứng kiến hình ảnh nhân viên đông hơn khách mua sắm.
Tương tự, tại các cửa hàng khác, đã không còn cảnh xếp hàng chờ mua cơm hộp, đợi 30 phút chờ tính tiền 1 ly trà.
Theo phân tích của một chuyên gia thương hiệu, người tiêu dùng Việt háo hức với 7- Eleven ngoài việc là thương hiệu quốc tế khổng lồ, thì điều chờ đợi là được mua hàng và thử những món tiện lợi “ngoại” giá Việt.
Thế nhưng, từ danh mục hàng hóa ở các cửa hàng đầu tiên, có thể thấy 7-Eleven chưa làm được điều này. Hàng hóa đa phần là các sản phẩm phổ thông như trà, cà phê hòa tan, mì gói, các loại nước giải khát, vài mặt hàng tiêu dùng đơn giản như USB, pin, sữa tắm, dầu gội... và hầu hết có xuất xứ Việt Nam.
Danh mục hàng hóa không có gì đặc sắc với phần nhiều hàng Việt thông thường. Ảnh: Thanh Tùng. |
Không gian cửa hàng, nếu so với các điểm bán của Satrafood hay Co.opFood, lại nhỏ hẹp hơn.
Điểm khác biệt của 7-Eleven so với các cửa hàng tiện ích khác là bày bán khá nhiều các loại đồ ăn đóng hộp tiện dụng. Tủ đồ ăn với đủ các loại cơm, bún, phở đến các món ăn vặt như trứng vịt lộn xào me, bắp xào, gỏi cuốn, các loại chè...
Tuy nhiên, mức giá đính kèm lại đặt khách hàng vào sự tính toán khác.
Một hộp cơm thịt heo xào có giá 45.000 đồng. Đồ ăn được tách riêng với cơm bởi miếng lót thực phẩm, nhằm giúp cơm không bị bở. Nhưng mức giá này nếu so với phần ăn đang bán tại các hàng quán, các hệ thống của BigC, Co.op thì cao hơn khá nhiều. Mức giá cơm tương tự tại hai chuỗi này cao nhất chỉ khoảng 30.000 đồng.
Các món ăn nhanh khác cũng có giá từ 25.000 đồng/món đơn giản như xúc xích, cánh gà nướng đến 49.000 đồng đối với các món như mì xào bò...
Tủ nước giải khát không có gì khác biệt, trừ nước Slurpee 3 vị. Tuy nhiên, Family Mart cũng đang phục vụ dạng nước giải khát pha hương vị tương tự.
Điểm cộng của thương hiệu cửa hàng tiện ích này mà khách hàng dễ thấy nhất là nhân viên đông đúc, hỗ trợ khách nhiệt tình ngay từ cổng ra vào.
Người dùng Việt vẫn chờ sự khác biệt
Theo chia sẻ của nhân viên cửa hàng ở số 37 Tôn Đức Thắng (quận 1), 7-Eleven không thể “bê” các mặt hàng từ cửa hàng ở Mỹ hay Thái Lan vào thị trường Việt Nam mà phải “nhập gia tùy tục”.
Việc chen chúc nhau mua sắm của nhiều người Việt khi 7-Elevenmở cửa hàng đầu tiên được cho là mong chờ trải nghiệm sản phẩm ngoại giá Việt, nhưng thực tế không xảy ra. Ảnh: Thanh Tùng. |
Ở mỗi thị trường, thương hiệu phải phục vụ phù hợp với nhu cầu tại chỗ. Chính vì vậy, không khó lý giải vì sao các cửa hàng của 7-Eleven bán những mặt hàng như chè hạt đóng hộp, hột vịt lộn xào me, bánh tráng trộn, cơm thịt kho hay bún xào, mì gói, cà phê...
Nhưng việc địa phương hóa này khiến người tiêu dùng, nhất là giới trẻ, vốn háo hức chờ đợi trước đó, đã nhanh chóng thất vọng.
Lan Chi, nhân viên một công ty tài chính tại Saigon Trade Centre, chia sẻ: “Mình cũng là một trong những người cố chen lấn để được tham quan 7-Eleven sớm nhất. Tuy nhiên, thực tế cửa hàng khiến mình ngỡ ngàng. Nếu không có đồ ăn trưa thì có lẽ Chi và bạn bè không có nhu cầu gì để quay trở lại”.
Lan Chi cũng cho rằng chỉ ăn trưa khi công việc gấp vì cửa hàng nằm cùng tòa nhà. Nếu ăn thường xuyên thì mức giá cho một bữa cơm với đầy đủ đồ mặn, canh ít nhất 60.000 đồng là vượt quá khả năng chi trả của dân văn phòng như cô.
Theo một nhân viên quản lý cửa hàng tại 7-Eleven Pasteur (quận 1), sau thời gian mở cửa hàng ồ ạt với tốc độ mỗi tuần 1 cửa hàng, hiện doanh nghiệp tạm ổn định để xem xét lại lại và sẽ mở cửa hàng tiếp theo vào tháng sau.
Thực tế, từ rất sớm, đã có nhiều thương hiệu cửa hàng tiện ích nước ngoài đặt sự hiện diện tại TP.HCM như Familymart, Shop&Go, B’s mart, Circle K,… Trong nước cũng có hàng loạt thương hiệu đình đám với hệ thống cửa hàng phủ khắp từ nội thành đến ngoại ô.
Nhiều khuyến cáo từng đặt ra với ông lớn bán lẻ này từ khi chuẩn bị đặt chân tới Việt Nam với việc tuyên bố mở 1.000 cửa hàng. Trong đó, Vinmart+, một thương hiệu Việt, đã đi trước với hệ thống 1.000 cửa hàng trên cả nước, và dự kiến nâng lên 2.000 cửa hàng trong vài năm tới.