Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn khi Công ty Vietnam Beverage (do Công ty Thai Beverage Public (ThaiBev) sở hữu) đã tiến hành mua xong 53,59% cổ phần vào ngày 29/12/2017 với tổng giá trị khoảng 110.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 4,8 tỷ USD) và trở thành cổ đông chiếm đa số và sắp nắm quyền điều hành tại Sabeco. Bài viết này đề xuất thêm một số cách tiếp cận đối với câu chuyện này liên quan đến (i) cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp, giá cổ phiếu và yếu tố hợp đồng của việc công bố thông tin chào bán cổ phiếu; (ii) thời điểm và ý nghĩa của thời điểm chốt quyền trong giao dịch cổ phiếu; và (iii) quyền và trách nhiệm của cổ đông Nhà nước và người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Ảnh minh họa
Cơ sở xác định trị giá doanh nghiệp, giá cổ phiếu và tính ràng buộc của thông tin chào bán
Định giá doanh nghiệp là một trong những bước bắt buộc khi Nhà nước quyết định thoái vốn tại doanh nghiệp đó và phải được tiến hành công khai, công bằng và minh bạch. Thông tư 122/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính về tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Namđã được áp dụng cho Sabeco theo Quyết định số 1034/QĐ-BCT ngày 9/11/2017 về việc thoái vốn Nhà nước tại Sabeco và Quy chế chào bán cổ phần cạnh tranh cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước tại Sabeco ban hành kèm theo Quyết định số 4444/QĐ-BCT ngày 27/11/2017 (Quy chế 4444) của MOIT.
Giá cổ phiếu (nhất là cổ phiếu đã niêm yết) phản ánh rất nhiều yếu tố của doanh nghiệp như giá trị sổ sách, tài sản ròng, tình hình và triển vọng hoạt động kinh doanh, lợi nhuận, cổ tức kỳ vọng, thu nhập đột xuất, năng lực và uy tín của ban lãnh đạo…
Giá cổ phiếu còn phản ánh xu thế của thị trường, các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế, các xu hướng chính trị - xã hội trong nước và quốc tế và nhiều yếu tố khách quan khác. Tâm lý và mục đích của nhà đầu tư như đầu tư như kỳ vọng giá cổ phiếu tăng, vì cổ tức hay vì tham gia quản lý, điều hành hoặc thôn tính cũng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Vì vậy, giá cổ phiếu có thể thấp hơn hoặc cao hơn giá trị tài sản ròng của doanh nghiệp.
Quyết định số 4444 nêu rõ giá khởi điểm chào bán sẽ được xác định trên nguyên tắc lấy giá cao nhất trong ba mức giá sau đây (i) giá tham chiếu bình quân của 30 phiên trên thị trường chứng khoán vào trước thời điểm công bố thông tin về việc bán vốn Nhà nước tại Sabeco; (ii) mức giá cao nhất theo định giá của tư vấn; (iii) giá đóng cửa của ngày giao dịch trước ngày công bố thông tin.
Cũng từ công bố chính thức của MOIT, giá tham chiếu bình quân là 281.700 đồng; mức giá cao nhất theo định giá của tư vấn là 184.700 đồng; giá đóng cửa của ngày giao dịch trước ngày công bố thông tin là 320.000 đồng. Do đó, Quyết định số 133/QĐ-CN ngày 28/11/2017 công bố giá khởi điểm chào bán là 320.000 đồng trên cơ sở tham chiếu giá đóng cửa cổ phiếu của Sabeco (mã SAB) trên SGDCK Tp. HCM ngày 28/11/2017.
Theo bản tin trên Cafef ngày 29/11/2017 “Bộ Công thương đã chọn mức giá còn hơn rất nhiều so với mức giá mà đơn vị tư vấn đưa ra chỉ là 184.700 đồng/cp. Theo đó, P/E của Sabeco đã lên trên 45 lần, cao hơn rất nhiều so với mức bình quân khoảng 22 lần của các DN cùng ngành trong khu vực”. Nói cách khác, giá đó đã được định ở mức cao hơn rất nhiều so với tổng tài sản của Sabeco cũng như thu nhập mà Sabeco có thể tạo ra tính trên mỗi cổ phiếu, và đương nhiên là cao hơn 58% theo định giá của tư vấn. Điều đó cũng có nghĩa số tiền mà MOIT thu thêm theo giá 320.000 đồng đã nhiều hơn 4.649 tỷ đồng so với mức giá 184.700 đồng do tư vấn đề xuất như đã được ThaiBev thanh toán.
Quan trọng hơn nữa, Bản Công bố Thông tin về việc thoái vốn của MOIT tại Sebeco ngày 16/11/2017 do đại điện MOIT, Sabeco và liên danh tư vấn gồm Công ty CPCK Bảo Việt (BVSC), Công ty TNHH Earnst & Young Vietnam và CTCP Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam công bố (Bản cáo bạch), khoản lợi nhuận chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước là 2.946 tỷ đồng đã được đưa vào Bản Cáo bạch (trang 26) và báo cáo tài chính hợp nhất của Sabeco năm 2015, 2016 và quý III 2017.
Về mặt định giá doanh nghiệp và lập báo cáo tài chính, khoản lợi nhuận để lại chưa chia nằm trong khoản mục "Các nguồn vốn của Chủ sở hữu". Đây là hạng mục quan trọng bậc nhất mà người mua (như ThaiBev) thường quan tâm xem đầu tiên khi họ định giá doanh nghiệp để quyết định có tham gia đấu giá hay không và đặt giá bao nhiêu.
Bản Cáo bạch cũng nêu rõ (i) Sabeco hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính trung thực, phù hợp với thực tế, đầy đủ và cần thiết để nhà đầu tư có thể đánh giá về tài sản, hoạt động, tình hình tài chính và triển vọng của Sabeco, và (ii) MOIT chỉ được miễn trách nhiệm đối với Bản Cáo bạch nếu Sabeco cung cấp thông tin không chính xác và không trung thực.
Như vậy, Bản Cáo bạch và Quy chế 4444 cũng như các thông tin khác được cung cấp liên quan đến việc thoái vốn của MOIT tại Sabeco đã tạo thành các trình bày và bảo đảm có giá trị như bản chào giá hay thông tin trong giao kết hợp đồng (theo ngôn ngữ của Bộ luật Dân sự) có tính ràng buộc MOIT, Sabeco và nhà đầu tư tham gia đấu giá mà cuối cùng là ThaiBev.
Điều 387 Bộ luật Dân sự quy định rằng trong trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết và bên đó phải bồi thường cho bên kia nếu vi phạm nghĩa vụ này. Do đó, nếu khoản lợi nhuận chưa phân phối đó đã được đưa vào mục các nguồn vốn của chủ sở hữu trong Bản Cáo bạch và các báo cáo tài chính nhưng MOIT biết là không đúng như KTNN, Bộ Tài chính hay MOIT đang lập luận thì MOIT phải bồi thường cho ThaiBev nếu ThaiBev có thiệt hại do thông tin chào bán cổ phiếu này (cũng tương đương số tiền mà MOIT đang muốn truy nhận) hay nói cách khác là MOIT phải trả lại đúng số tiền đó (có thể kèm theo tiền lãi) cho ThaiBev.
Hậu quả pháp lý khác là giao dịch đó phải bị hủy bỏ (của ai trả về người đó) vì đã có sự không trung thực hoặc sai sót trong việc cung cấp thông tin, đây có lẽ là điều mà bản thân MOIT không muốn xảy ra.
Cũng cần lưu ý thêm là MOIT bán cổ phiếu (share hay equity) của Sabeco chứ không phải bán tài sản (assets) hay một mảng kinh doanh (business) của Sabeco để mà có thể loại trừ các khoản tiền nằm trong bảng cân đối kế toán (vốn chủ sở hữu), trừ khi đã có khuyến cáo rõ ràng trong Bản Cáo bạch. Mua cổ phiếu là mua doanh nghiệp (một phần hay toàn bộ) theo hiện trạng (trừ có điều khoản hay hạng mục tài sản được bảo lưu) bao gồm cả các rủi ro hiện hữu hay tiềm ẩn (như nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí, khoản phạt, bồi thường thiệt hại, các khoản lỗ chưa hạch toán), ngoại trừ có thỏa thuận và bảo đảm của bên bán về trách nhiệm của bên bán đối với các nghĩa vụ này. Nói theo cách dễ hình dung là khi đã bán một chai rượu theo nguyên trạng thì không thể đòi lấy lại một phần rượu trong chai.
Tóm lại, từ thực tế và quy định pháp luật hiện tại, tác giả không thấy cơ sở hợp lý nào cho các yêu cầu của KTNN, Bộ Tài chính hay MOIT đối với khoản lợi nhuận chưa chia đó cũng như lỗi hoặc trách nhiệm của những người liên quan đến vấn đề này. Tác giả thậm chí còn thấy rủi ro vi phạm hợp đồng với ThaiBev bởi chính MOIT từ những đòi hỏi đó.
Thời điểm chốt quyền và thẩm quyền quyết định phân phối lợi nhuận
Trong giao dịch cổ phiếu, ngày chốt quyền được hiểu là ngày tổ chức phát hành lập danh sách người sở hữu cổ phiếu được hưởng các quyền và lợi ích chính đáng của cổ đông, trong số đó, quan trọng nhất là quyền biểu quyết và nhận cổ tức. Tại ngày chốt quyền, nếu nhà đầu tư có tên trong danh sách người sở hữu cổ phần sẽ được nhận cổ tức tương đương với số lượng cổ phần mà họ sở hữu tính đến thời điểm công bố danh sách. Do đó, MOIT đã không còn quyền nào đối với 53,59% cổ phiếu tại Sabeco từ ngày 29/12/2017.
Theo pháp luật và Điều lệ Sabeco, HĐQT sẽ lập danh danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả để Đại hội Cổ đông quyết định.Điều này được hiểu là việc được nhận và nhận bao nhiêu cổ tức phụ thuộc vào (i) thời điểm chốt quyền, (ii) số cổ phần mà cổ đông sở hữu tại thời điểm chốt quyền và (iii) quyết định của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ). Điều này có thể dẫn đến trường hợp, tại thời điểm chia cổ tức các cổ đông hiện hữu sở hữu số cổ phiếu phổ thông cùng loại bằng nhau nhưng nhận số tiền cổ tức khác nhau.
Như vậy, xét theo ngày chốt quyền, MOIT không có quyền đòi hỏi chia thêm cổ tức gần 2.500 tỷ đồng bằng việc yêu cầu HĐQT của Sabeco thực hiện việc này.
Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn. Ảnh: Internet
Quyền và trách nhiệm của Nhà nước trong vai trò là cổ đông phổ thông và trách nhiệm của người đại diện vốn Nhà nước
Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 cũng như Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp (NĐ 91) không hề quy định công ty cổ phần có vốn Nhà nước phải chia hết lợi nhuận sau thuế cho Nhà nước hay người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đó phải đề nghị việc này. Luật này chỉ quy định trách nhiệm của họ trong việc đốc thúc doanh nghiệp nộp khoản lợi nhuận được chia (tức là đã có quyết định chia theo đúng luật và Điều lệ của doanh nghiệp đó) về ngân sách nhà nước (Điều 48 (4)) bên cạnh trách nhiệm xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại ĐHĐCĐ, cuộc họp của HĐQT, Hội đồng thành viên về những vấn đề quan trọng của doanh nghiệp và chủ sở hữu (Điều 48 (1)). Hai văn bản này cùng Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi NĐ 91 cũng khẳng định phương án chia cổ tức sẽ được quyết định tại ĐHĐCĐ. Vì lẽ đó, việc đề nghị xem xét trách nhiệm của những người đại diện vốn Nhà nước tại Sabeco liên quan đến số lợi nhuận chưa phân phối nêu trên là việc cần đánh giá kỹ lưỡng và trách nhiệm để tránh các oan sai.
Nói tóm lại, việc KTNN đề nghị truy thu Sabeco gần 2.500 tỷ đồng cũng như xem xét trách nhiệm của người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này gây ra rất nhiều vấn đề pháp lý và tài chính đáng tranh cãi. Từ quan điểm cá nhân của người viết, số tiền gần 2.500 tỷ đồng không phải là lợi nhuận được phân phối nhưng chưa nộp ngân sách và nó không thể là khoản phải thu trên bảng cân đối kế toán của cơ quan đại diện vốn nhà nước hay kho bạc nhà nước. Quan trọng hơn nữa, số tiền này đã thể hiện là nguồn vốn chủ sở hữu trong các tài liệu chào bán cổ phiếu do chính MOIT cung cấp để mời chào nhà đầu tư định giá và tham gia đấu giá. Bởi vậy, yêu cầu đó là không đúng luật và thực tiễn. Những yêu cầu đó còn có tác động tiêu cực trong việc gây dựng niềm tin của các nhà đầu tư tiềm năng của nhà nước tại các doanh nghiệp lớn đang nằm trong kế hoạch cổ phần hóa hoặc IPO sắp tới. Các cơ quan có thẩm quyền cũng cần hết sức cẩn trọng trong việc truy cứu trách nhiệm cá nhân của những người liên quan đến việc đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tránh làm oan người vô tội cũng như tạo nên sự e dè, sợ sệt của những người đang thực hiện công việc này dẫn đến các quyết định của doanh nghiệp bị trì hoãn hoặc có sai lầm. Tất cả những hệ lụy đó rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước và cuối cùng là nhân dân.