Đó là ý kiến của PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra tại buổi công bố báo cáo “Triển vọng kinh tế Đông Nam Á và Việt Nam quý II/2016” của Hội Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW).
Trần Đình Thiên phát biểu tạo buổi công bố. |
Theo ông Thiên, hệ thống ngân hàng đang quay về phục vụ Nhà nước bằng cách dồn vốn mua trái phiếu Chính phủ và ít phục vụ DN hơn.
Ông Thiên cho hay, mấy năm gần đây, hệ thống ngân hàng Việt Nam có xu hướng huy động vốn từ người dân và dồn tiền đó vào mua trái phiếu.
“Ngân hàng đang quay về phục vụ Nhà nước và ít phục vụ DN hơn. Lãi suất trái phiếu tốt, ổn định và an toàn là những điểm khiến kênh huy động này hấp dẫn ngân hàng. Nếu tình trạng này kéo dài chức năng của ngân hàng là kênh huy động vốn phục vụ các thành phần kinh tế có thể bị lệch lạc đi”- ông Thiên cảnh báo.
Báo cáo mới nhất của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, tính đến 20/4/2016, Ngân hàng Nhà nước đã công bố vốn huy động tăng 4.01% so với cuối năm 2015, trong khi tín dụng mới tăng khoảng 4%. Tín dụng tăng thấp, trong khi kênh huy động trái phiếu Chính phủ lại rất đắt hàng.
Ngân hàng vẫn là đối tượng chủ yếu mua trái phiếu Chính phủ. Giữa tháng 3/2016, Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết, Kho bạc Nhà nước vừa huy động được 7.200 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho 2 kỳ hạn 5 năm và 10 năm. Lãi suất nhích tăng nhẹ với 2% tại cả hai kỳ hạn, ở mức từ 6,33% đến gần 7%/năm. Từ đầu năm đến giữa tháng 3, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công 61.039,93 tỷ đồng trái phiếu chính phủ.
Tháng 5/2016, Sở GDCK Hà Nội tổ chức 13 phiên đấu thầu, huy động được hơn 43.370 tỷ đồng trái phiếu, tăng 43,1% so với tháng 4/2016. Trong đó, toàn bộ 43.370 tỷ đồng huy động được là trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành. Lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 3 năm nằm trong khoảng 5,30-5,50%/năm, 5 năm trong khoảng 6,14-6,36%/năm, 10 năm là 6,94%/năm, 15 năm là 7,65%/năm, 20 năm là 7,75%/năm, 30 năm là 8,00%/năm.
Nguyên nhân các ngân hàng nhanh tay gom trái phiếu vì họ đang dồi dào tiền. Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu hấp dẫn lại an toàn đang cũng là nguyên nhân khiến kênh này hấp dẫn với các ngân hàng hơn là cho vay DN.
Hoạt động nghiệp vụ tại ngân hàng (Hình ảnh chỉ mang tính minh hoạ). |
Theo các chuyên gia kinh tế, ở các nước khác, khi lạm phát thấp, lãi suất cũng sẽ thấp. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại ngược lại, lạm phát thấp nhưng lãi suất vẫn cao. Năm 2015, lạm phát chỉ ở mức 0,63% nhưng lãi suất bình quân vẫn ở mức cao khoảng 6,8- 9%/năm đối với ngắn hạn và 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Đến nay, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay vẫn ở mức cao. Tháng 5, lãi suất cho vay bình quânvẫn ở mức 9,27%. Mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-5,4%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; và từ 5,4-7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 6 tháng.
Nguyên nhân của nghịch lý lạm phát thấp nhưng lãi suất cao, theo PGS, T.S Nguyễn Đình Thiên là do nợ xấu lớn và việc xử lý “cục máu đông” này chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nợ xấu cao, ngân hàng buộc phải cho vay lãi suất cao để bù đắp lãi suất cho đống nợ cũ.
Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách cũng là nguyên nhân khiến lãi suất không thể giảm. Năm tháng đầu năm, con số thâm hụt ngân sách ở mức 70.000 tỷ đồng. Đáng lưu ý là thu luôn không đủ bù chi, bội chi tháng sau cao hơn tháng trước. Không đủ chi, Nhà nước sẽ phải đi vay bằng phát hành trái phiếu Chính phủ. Điều này sẽ gây áp lực lên lãi suất.
Dự báo của Trung tâm nghiên cứu BIDV, lãi suất huy động dự báo sẽ tăng nhẹ đảm bảo thanh khoản cho tín dụng, một phần “cạnh tranh” với thị trường trái phiếu Chính phủ và diễn biến của lạm phát.