Bất ngờ, vì đã hơn bốn năm trôi qua, điểm xuất phát của ý tưởng vẫn nằm đó, như một sự lãng quên. Và chắc chắn sẽ còn nằm đó dài dài, như một nhiệm vụ bất khả thi.
Bài toán khó?
Tháng 8/2011, ông Nguyễn Văn Bình đảm nhận vị trí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Một trong những kế hoạch lớn mở đầu nhiệm kỳ là xử lý vốn vàng trong hệ thống ngân hàng, lập lại trật tự thị trường và gợi mở về đề án huy động nguồn lực vàng trong dân cư.
Khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã ước tính quy mô nguồn lực này có thể đã lên tới 500 tấn. Ý tưởng vạch ra: Nhà nước đứng ra huy động vàng thông qua các tổ chức tín dụng, quy đổi thành ngoại tệ để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Vàng đang có vai trò là một phương tiện tích trữ tài sản, một loại hàng hóa được giao dịch hàng ngày trên thị trường, đang đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận trong nền kinh tế. Vai trò đó không phải là sự lãng phí. |
Bẵng đi hơn bốn năm qua, ý tưởng về đề án này được Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam “lật lại”, với đề xuất triển khai. Song, lại không có câu hỏi vì sao sau một thời gian dài như vậy mà Ngân hàng Nhà nước không đả động đến?
Có lẽ chính Ngân hàng Nhà nước cũng đứng trước bài toán không đơn giản.
Nhưng, hãy thử hình dung quy trình thực hiện đề án này một cách đơn giản. Nhà nước, qua đầu mối các ngân hàng thương mại, tổ chức huy động và trả lãi suất, người dân gửi vàng. Vàng có tính chuyển đổi quốc tế, điều mà VND gần như chưa làm được, nên đưa ra nước ngoài bán, lấy ngoại tệ về phục vụ đầu tư, thậm chí để cân đối ngân sách trong nước.
Hay ở một cách làm đơn giản hơn nữa, như một số hướng bàn luận gần đây, Chính phủ dùng vàng huy động đó làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay nước ngoài, lãi và chi phí vay sẽ thấp hơn nhiều so với các đợt phát hành trái phiếu quốc tế thời gian qua và dự kiến trong tương lai (?).
Tuy nhiên, các điểm kỹ thuật lại không đơn giản như vậy.
Lâu nay và hiện nay, nguồn vốn Chính phủ đi vay chủ yếu cần ở loại dài hạn, phổ biến từ 3-10 năm. Vậy, nguồn vàng dân gửi có ổn định được cho nhu cầu vay dài hạn đó không?
Có thể khỏa lấp vấn đề kỳ hạn này bằng việc chỉ sử dụng một tỷ lệ nhất định lượng vàng huy động được để chuyển đổi, rồi tiếp tục huy động dùng các khoản gửi ngắn gối đầu kê cho phần đã chuyển đổi để Chính phủ vay vốn dài nói trên. Nếu vậy, chi phí phải trả và vận hành những vòng quay này phải tính toán cẩn trọng.
Cũng vì nhu cầu vay của Chính phủ tập trung ở các kỳ hạn dài, độ lỏng của vàng huy động đầu vào sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào trước các biến động giá tiềm ẩn, kể cả những con sóng lớn.
Giá vàng từng vọt lên tới 47 triệu đồng/lượng và lao xuống còn khoảng 30 triệu đồng/lượng. Những biến động lớn về giá đều kích thích các hoạt động chốt lời/cắt lỗ, ảnh hưởng đến tính bền vững của vốn vàng Nhà nước huy động. Ứng xử với rủi ro vốn vàng rút trước hạn cũng là vấn đề đáng lưu ý.
Và như trên, với đặc tính nhu cầu vay vốn dài hạn của Chính phủ, vốn vàng vay của dân, bán ra để lấy ngoại tệ và vay, khi đáo hạn, rủi ro lớn về giá vàng khi mua để trả lại cho dân sẽ xử lý thế nào. Nếu giá vàng giảm thì may, nếu giá tăng cao, không loại trừ cả những cơn sốt từ 30 lên 47 triệu đồng/lượng hay sự bùng nổ như những năm 2010-2011 thì bảo hiểm thế nào.
Có ý kiến cho rằng, Chính phủ vẫn vay vốn vàng, bán đi lấy ngoại tệ rồi sử dụng sản phẩm phái sinh mua vàng kỳ hạn trong tương lai để trả lại dân. Nhưng với nhu cầu vay dài hạn của Chính phủ cùng giá vàng luôn tiềm ẩn khả năng biến động mạnh, rủi ro và chi phí phát sinh không dễ xử lý.
Tương tự, như cách có thể xem là đơn giản, vay vàng của dân rồi dùng làm tài sản thế chấp vay vốn nước ngoài, Chính phủ sẽ phải tính được bài toán cân đối kỳ hạn vay dài sẽ trói buộc vốn vàng bảo đảm, gắn với rủi ro biến động giá, tính bền vững của vốn vàng huy động.
“Nói cùn”, các cơ chế kỹ thuật, quản lý các vòng quay và các loại rủi ro đều có thể xử lý. Vấn đề là chi phí liên quan sẽ ở mức độ nào, có chấp nhận được hay không mà thôi.
Lái vốn thay vì huy động?
Trong khi đó, quan điểm mà Ngân hàng Nhà nước suốt hơn bốn năm qua là bóc tách ảnh hưởng của vốn vàng, giảm bớt lực hấp dẫn của vàng trong dân cư.
Nói cách khác, với những gì đã và đang làm cho thấy, Ngân hàng Nhà nước muốn hạn chế dòng tiền tiếp tục nhồi vào vàng, lái dòng tiền đó đi vào ngân hàng, chứng khoán, bất động sản hoặc vào sản xuất kinh doanh. Tiếp đó là hạn chế sự ảnh hưởng của vàng đối với tỷ giá và giá trị VND.
Xét riêng ở việc hạn chế dòng tiền trong dân cư nhồi vào vàng, ở việc ba năm qua không phải dồn ngoại tệ để nhập vàng về, cũng có thể xem đã là một hướng huy động vốn gián tiếp.
Thực tế thời gian qua, tại những thời điểm giá trong nước thấp hơn đáng kể so với giá thế giới, nhưng vàng không còn hút vốn, lôi kéo vốn như trước. Giao dịch vàng trên thị trường, theo ước tính của Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), bình quân hiện chỉ bằng khoảng 40% những năm sôi động trước đây.
Nay, nếu thực hiện đề án huy động vàng, trả lãi suất và tạo thêm hấp dẫn cho vàng trong mắt dân cư, có lẽ là hướng ngược với mong muốn và cách đang làm của Ngân hàng Nhà nước?
Trong khi đó, ngay cả khi “chôn” trong dân cư, vàng vẫn đang có vai trò là một phương tiện tích trữ tài sản, một loại hàng hóa được giao dịch hàng ngày trên thị trường, đang đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận trong nền kinh tế. Vai trò đó không phải là sự lãng phí.