Trong những năm gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam đã liên tiếp diễn ra nhiều vụ thâu tóm đình đám của các DN nước ngoài và xu hướng này được dự đoán sẽ vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới. Điều này khẳng định, bán lẻ vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, cơ hội dành cho DN Việt vẫn có nhưng đồng thời đó cũng là lời cảnh báo tới các DN trong nước cần phải thay đổi để tồn tại.
Bên cạnh việc các tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc, Nhật Bản liên tục mở rộng chuỗi phân phối của mình, các hoạt động mua lại những chuỗi bán lẻ lớn như Big C, Metro của người Thái đã khiến phần lớn thị trường này thuộc về tay các DN nước ngoài.
Hàng Thái đang xuất hiện tràn ngập tại các siêu thị như Metro hay BigC. |
Chỉ tính đơn cử với trường hợp của các tập đoàn Thái là Central Group và TCC, những DN này hiện đã sở hữu 52/88 điểm bán lẻ của các đơn vị có đầu tư nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực này. Ước tính doanh số bán hàng của hệ thống siêu thị trong tay người Thái chiếm xấp xỉ 50% của toàn thị trường.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ cho rằng, tại thị trường này, nếu ai nắm được khâu phân phối thì người đó sẽ có tiếng nói quyết định đến các hoạt động cung ứng ra thị trường cũng như sản xuất sản phẩm. Như vậy, với sự xâm lấn mạnh mẽ của các DN ngoại vào những hệ thống phân phối lớn nhất của Việt Nam, hoàn toàn có khả năng hàng Việt phải "ra đường" nhằm dọn chỗ cho các mặt hàng đến từ những quốc gia khác.
Và khả năng năng này hoàn toàn có thể xảy ra khi mới đây nhiều DN trong nước đã "kêu trời" khi các siêu thị ngoại đang đòi tăng mức chiết khấu cho sản phẩm với mức cao nhất lên tới 25%. Con số này được cho là làm khó DN Việt, nếu chấp nhận thì đừng nói là có lợi nhuận mà hòa vốn để tồn tại cũng là vấn đề lớn. Ngoài ra, với việc gánh thêm xấp xỉ 15 chi phí khác để hàng của mình có thể xuất hiện trong các siêu thị này, nhiều DN đã phải ngậm ngùi chấp nhận rút lui mặc dù biết đây là kênh phân phối quan trọng nhất hiện nay.
Hàng nội đi, đồng nghĩa với hàng ngoại thế chỗ. Theo số liệu khảo sát của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, tại một điểm bán của Big C, các mặt hàng ngoại đang có tỷ lệ tăng dần, nước suối chiếm 52%, bánh là 34% và kẹo lên đến 36%. Còn tại Metro, tỷ lệ của 3 mặt hàng trên đều hơn 40%. Thậm chí trong chuỗi siêu thị Cirle K (Mỹ), mặt hàng bánh kẹo ngoại chiếm tới 71%, đè bẹp hoàn toàn hàng nội.
Tuy nhiên theo thông tin mà Kinh tế & Đô thị tìm hiểu được, mức chiết khấu mà các siêu thị ngoại đưa ra là áp dụng chung cho tất cả các DN cung cấp sản phẩm không phân biệt là của Việt Nam hay nước ngoài. Thêm vào đó, hầu hết các tập đoàn bán lẻ lớn ở Việt Nam đều có quy mô quốc gia, hoạt động theo định hướng quốc tế, vì vậy rất khó có khả năng họ chấp nhận cắt giảm lợi nhuận để đưa hàng nước mình vào thay thế hàng Việt. Thực tế đã chứng minh, trong lĩnh vực bán lẻ, nếu chỉ dựa vào "lòng yêu nước" thì rất khó để phát triển lớn mạnh.
Bảo vệ hàng Việt: Người Việt cần làm gì?
(Bảo vệ NTD) - (Tieudung24h.vn) - Kể từ lúc Big C Việt Nam “lọt” vào tay người Thái, cũng là lúc hàng hóa mang nhãn Thái Lan ồ ạt đặt mình lên kệ, song song với đó hàng Việt Nam có nguy cơ bị “hất cẳng”. |
Từ đó có thể thấy, việc hàng ngoại xuất hiện càng nhiều trên thị trường cũng mang lại một số ý nghĩa tích cực. Người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn sản phẩm đa dạng hơn cả về mẫu mã lẫn giá cả, song song với đó sức ép cạnh tranh sẽ khiến các DN trong nước buộc phải nâng cao chất lượng, hạ giá thành nhằm chiều lòng khách hàng.
Đồng tình với nhận định trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc các DN nước ngoài tiến vào thị trường Việt không chỉ tạo cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận với hàng hóa có chất lượng cao hơn nhưng mức giá hợp lý hơn. Bên cạnh đó cũng buộc DN từ cung ứng cho đến bán lẻ trong nước phải cạnh tranh sòng phằng để có thể tồn tại.
Điều này đồng nghĩa với việc các DN trong nước phải có cách phục vụ cũng như quản trị kinh doanh tốt hơn, cũng như phải giữ được chữ tín trên thị trường, ông Long đưa ra lời khuyên. Nếu hàng hóa của Việt Nam có chất lượng tốt, giá cả hợp lý thì chắc chắn sẽ không bị thua trên sân nhà, khi đó nhờ lợi thế tiết kiệm chi phí, các DN bán lẻ ngoại sẽ sẵn sàng lựa chọn những sản phẩm dạng này.
Việc các hãng bán lẻ ngoại tràn vào Việt Nam không chỉ là thách thức mà cũng là dịp để DN trong nước phải thay đổi đồng thời mở ra cơ hội hợp tác cũng như tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho bản thân DN và người tiêu dùng, ông Long khẳng định.
Còn ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, hiện sức cạnh tranh của DN bán lẻ và cung ứng sản phẩm trong nước đang rất yếu. Với trường hợp của Thái Lan, Hàn Quốc, DN bên họ được hỗ trợ rất tốt về mặt chính sách, từ thuế, phí cho đến thủ tục hành chính đều thấp và thuận tiện hơn nhiều so với DN Việt rất nhiều. Từ đó có thể thấy, DN nội đã thua ngay từ khâu quản lý nhà nước.
Không chỉ có vậy, ngay trong chính nội bộ DN Việt, tính liên kết cũng rất kém, ai lo phần người đó chứ không biết bắt tay nhau để cùng phát triển. Thậm chí ngay cả hàng Việt muốn vào siêu thị nội cũng bị gây khó khăn, đòi hỏi chiết khấu cao chứ chưa nói gì đến siêu thị ngoại. Vì vậy, cục diện thị trường bán lẻ như hiện nay với phần lớn thuộc về DN ngoại là do DN nội tự hại nhau là chính, tác động bên ngoài cũng chỉ là một phần, ông Phú phân tích.
Theo ông Phú, đã đến lúc các DN Việt trong mảng bán lẻ cần phải ngồi lại với nhau, đưa ra chiến lược cạnh tranh dựa trên sự liên kết, uy tín hàng hóa cũng như giá thành hợp lý. Chỉ có như vậy, DN nội mới có thể tồn tại trên thị trường luôn có sự đào thải khốc liệt này.