Thứ 6, 22/11/2024, 13:54 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Big C xài chiêu, doanh nghiệp Việt tự rút hàng

Big C xài chiêu, doanh nghiệp Việt tự rút hàng
(Tieudung.vn) - Rất nhiều doanh nghiệp Việt đã tự động ngưng đưa hàng vào hệ thống siêu thị Big C, Vì Không chịu đựng được mức chiết khấu cao và nhiều khoản phí khác nhau của hệ thống này.

Tăng chiết khấu đối với hàng Việt

Theo Báo Tuổi Trẻ ngày 09.05, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho biết đã có công văn gửi kiến nghị của các doanh nghiệp thủy sản thuộc CLB hàng nội địa VASEP tới hệ thống Big C VN đề nghị không tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016, đồng thời giảm tổng mức chiết khấu xuống mức nhỏ hơn hoặc bằng 15%.

Mô tả ảnh.
Để đưa hàng vào hệ thống Big C, doanh nghiệp phải chi nhiều loại phí và chiết khấu cao Ảnh: Minh hoạ

Trước đó, các doanh nghiệp thuộc CLB hàng nội địa VASEP đã có buổi họp đưa ra những bất cập và bức xúc về chính sách chiết khấu của các siêu thị, trong đó chiết khấu cao nhất là do Big C đưa ra cho các hợp đồng của năm 2016.

Giám đốc một doanh nghiệp thủy sản cho hay trong các hệ thống siêu thị đề nghị tăng chiết khấu năm 2016 thì Big C VN đòi cao nhất, tăng thêm 4,25 - 5% so với năm 2015. Với mức tăng thêm này, doanh nghiệp phải chịu mức chiết khấu lên đến 17 - 20%, thậm chí có mặt hàng chịu chiết khấu lên đến 25%. “Mức chiết khấu này là quá khó khăn cho doanh nghiệp để có thể tồn tại chứ đừng nói đến có lợi nhuận để tái đầu tư” - vị giám đốc này cho hay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để vào được hệ thống Big C, doanh nghiệp phải chịu nhiều loại chiết khấu khác nhau như chiết khấu tháng cho cửa hàng, chiết khấu doanh số theo bậc, chiết khấu cho điểm bán mới, chiết khấu sinh nhật (kỷ niệm ngày khai trương của siêu thị)...

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - phó tổng thư ký VASEP, thời gian qua một số hệ thống siêu thị lớn có sự thay đổi chủ dẫn tới nhân sự và hoạt động chưa ổn định, ảnh hưởng đến hoạt động của cả siêu thị lẫn người cung cấp hàng.

Tuy nhiên, với việc tăng chiết khấu các hợp đồng cung cấp hàng hóa năm 2016 như các doanh nghiệp phản ảnh là quá cao.

“Mức ngưỡng chiết khấu để tồn tại trong ngành thủy sản là 15% mà Big C đòi chiết khấu lên đến 17 - 20% là rất cao mà doanh nghiệp chắc chắn lỗ, không thể có lãi để tái đầu tư” - ông Nam cho hay.

Đủ loại “phí”

Mô tả ảnh.
Ảnh: Minh hoạ

Không chỉ có chiết khấu cao và năm sau được điều chỉnh cao hơn năm trước, doanh nghiệp VN còn phải gánh thêm một rừng phí khác cho nhà bán lẻ.

Một doanh nghiệp liệt kê gần 15 loại phí mà đơn vị này đưa vào Big C bao gồm: chi phí tham gia chương trình khuyến mãi, chi phí cho dùng thử sản phẩm, chi phí hỗ trợ cho lễ hội khách hàng, phí hỗ trợ sinh nhật siêu thị, phí tập hợp đơn hàng, phí hỗ trợ khai trương siêu thị mới, chi phí tháng cho việc tham gia chương trình thẻ khách hàng, chi phí tháng cho thương lượng chung, chi phí tháng cho tối ưu hóa sản phẩm, chi phí cho việc nhập hàng mới, chi phí cho thuê mướn vị trí thử mẫu, hỗ trợ mở rộng siêu thị, hỗ trợ chi phí vận chuyển tháng...

Ngoài chiết khấu và phí hỗ trợ nhà bán lẻ như kể trên, doanh nghiệp cung cấp hàng cho siêu thị còn bị xử ép bởi chính sách tỉ lệ hàng hư hỏng.

Một thành viên của VASEP cho hay trong hợp đồng thương mại, nhà cung cấp đã có điều khoản khoán “tỉ lệ hàng hư hỏng” (thường là 1%), nghĩa là nhà cung cấp đã chiết khấu cho siêu thị 1% doanh số mua vào dù hàng có hỏng hay không.

Thế nhưng trong thực tế thì khi hàng hóa bị hư hỏng thật (không phải lỗi do nhà cung cấp) thì nhân viên đặt hàng của siêu thị vẫn ép nhà cung cấp phải nhận hàng hư về và đổi hàng khác, nếu doanh nghiệp không đồng ý thì siêu thị không đặt đơn hàng mới

Hàng Việt bị hất cẳng trên sân nhà: Luật lỏng lẻo 'hại chết' nhà đầu tư nội
Hàng Việt bị hất cẳng trên sân nhà: Luật lỏng lẻo 'hại chết' nội
(Xã hội) - (Tieudung24h.vn) - Metro VN được chuyển nhượng chỉ lộ ra khi mọi việc gần như hoàn tất. Còn ở thương vụ Big C, nhà đầu tư Việt bị đánh bật vào phút chót...

Như vậy, nhà cung cấp vừa phải chịu hết hàng hư hỏng thực tế, vừa phải chịu thêm tỉ lệ khoán hàng hư hỏng theo hợp đồng.

Không chỉ riêng doanh nghiệp thủy sản, nhiều doanh nghiệp khác cũng thừa nhận sân chơi siêu thị chưa bao giờ là cơ hội của doanh nghiệp nhỏ do yêu cầu quá cao, đặc biệt là chiết khấu cao khiến cho họ bán hàng không lợi nhuận nếu chấp nhận đưa hàng vào đây.

Giám đốc truyền thông một doanh nghiệp sữa cũng cho biết chiết khấu cho siêu thị Big C đứng hàng đầu trong các hệ thống bán lẻ.

Chính vì lý do chiết khấu cao, doanh nghiệp chịu đựng không được đã dẫn đến tình trạng cắt hàng, dừng hàng đột ngột.

“Vì chiết khấu quá cao nên có những năm công ty tôi dừng cung cấp một thời gian để phản ứng, sau đó mới phân phối lại” - vị này .
Phải dứt áo ra đi

Ông Thái Quốc Huy - giám đốc Công ty Thảo Hương, chuyên sản xuất đường thốt nốt - từng trả lời câu hỏi một vị tổng giám đốc siêu thị ngoại tại VN “Vì sao hàng ngon vậy mà không đem vào siêu thị bán?” rằng: “Chiết khấu của siêu thị cao quá, bán không được”.

Mô tả ảnh.
Hàng Thái ngập tràn trong hệ thống Big C Ảnh: Minh hoạ

Theo ông Quốc Huy, Big C có chính sách bán hàng giá rẻ, vì vậy họ đòi chiết khấu khá sát mà nếu chấp nhận đưa hàng vào bán thì không thể nào có lời.

“Chiết khấu ban đầu có vẻ rất hợp lý, chỉ cần hơn 10% nhưng cộng các khoản tiền phí khai trương, sinh nhật, phí tiền mặt... lại thì phải gần đến 25%. Với doanh nghiệp nhỏ như vậy thì làm sao trụ được” - ông Huy nói.

Cho đến nay, đường thốt nốt và nước màu của Thảo Hương đã vào được Co.op Mart nhưng ông Huy nói không có ý định đưa vào Big C dù có nhận được lời mời.

Ông Nguyễn Trường Chinh, giám đốc Công ty Năm Thụy, cho biết đưa hàng vào siêu thị chưa bao giờ là ưu tiên của doanh nghiệp nhỏ. Sau hơn một năm đưa hàng vào siêu thị, doanh nghiệp quyết định dừng bán ở kênh này mà tập trung vào kênh truyền thống vì những phức tạp mà bên mua yêu cầu.

Ngoài thủ tục siêu thị yêu cầu quá mức so với những chứng chỉ cơ quan quản lý cấp thì chiết khấu cao cũng bóp nghẹt nhà sản xuất. “Gần một tháng nay tôi quay trở lại kênh bán hàng hiện đại, nhưng chỉ mới đưa vào bán ở cửa hàng tiện lợi, siêu thị nhỏ, còn những siêu thị lớn họ vẫn đòi chiết khấu cao, trong khi ngâm tiền hàng rất lâu, tiền lời làm hàng thậm chí không đủ trả vay” - ông Chinh chia sẻ thêm.

Vì vậy, thời gian qua một số doanh nghiệp thủy sản đã dừng đưa hàng vào Big C dù có nhận được thư mời quay lại của hệ thống này. Do chưa thống nhất được mức chiết khấu và nhiều nguy cơ thua lỗ nên nhiều nhà cung cấp chưa nhận lời.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho hay trong công văn gửi Big C, VASEP nêu rất rõ là đề nghị hệ thống này không tăng thêm chiết khấu của hợp đồng năm 2016, đồng thời giảm tổng chiết khấu xuống dưới 15% để doanh nghiệp có điều kiện hợp tác kin doanh với Big C.

Một mũi tên trúng nhiều đích

Theo ông Hồ Minh Chính - chuyên gia đào tạo bán hàng, việc hệ thống Big C VN tăng chiết khấu lên mức quá cao như thời gian qua là một mũi tên trúng nhiều đích.

Bằng cách tăng chiết khấu, nhà bán lẻ đã dễ dàng loại bỏ những nhà cung cấp VN vì các doanh nghiệp không thể đưa hàng vào bán mà không có lời do chi phí bán hàng quá cao. Trong hoàn cảnh khó khăn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ VN khó có thể trụ được lâu dài trên quầy kệ với mức chiết khấu cao, bên cạnh đó họ còn phải làm nhiều “nghĩa vụ” khác như chi phí cho khuyến mãi, vận chuyển hàng hóa... Hàng Việt bị ra đi thì cơ hội để hàng Thái, hàng ngoại nhập vào lấp khoảng trống.

Bên cạnh đó, việc tăng chiết khấu là điều kiện để giúp người bán hàng hạ giá bán đến tay người cuối cùng. Chiến lược cạnh tranh giá rẻ này mặc nhiên lôi kéo được đến mua sắm, đồng thời tăng cạnh tranh với doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Về lâu dài, các nhà bán lẻ trong nước không đủ sức chạy đua và dễ bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm.

Đề nghị doanh nghiệp làm việc với siêu thị

Liên quan đến mức chiết khấu, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Quốc Nguyên, giám đốc truyền thông hệ thống Big C, cho rằng thông tin về chiết khấu cao mới chỉ nghe nên Big C rất khó để xử lý. “Nếu doanh nghiệp hoặc đơn vị nào có khiếu nại, có thể gửi văn bản, email trực tiếp về hệ thống siêu thị, khi đó chúng tôi sẽ có bộ phận chuyên môn trả lời cụ thể từng trường hợp theo đúng quy trình” - ông Nguyên nói.

 

Tags:
4.4 13 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan
Tỷ giá

Khởi nghiệp

Hỗ trợ start-up Việt giảm thiểu thất bại, bước ra thế giới 
(Tieudung.vn) Viet Unicorn là sáng kiến quốc tế hỗ trợ start-up Việt với kỳ vọng từng bước hiện thực...
 
Dự án về khoai mì Củ Chi giành giải nhất cuộc thi khởi nghiệp Xanh
(Tieudung.vn) Dự án đến từ TP Hồ Chí Minh “Các dòng bánh khoai mì dinh dưỡng Cusami” của Mai Tuấn...
 
Nhiều dự án độc đáo tranh tài tại Chung kết cuộc thi Khởi nghiệp Xanh
(Tieudung.vn) Sáng 9/11, tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh, vòng Chung kết cuộc thi ý tưởng/dự...

Thương hiệu

Phân bón Cà Mau được vinh danh đến ba giải cao về: Quản trị Công ty và Báo cáo phát triển bền vững
(Tieudung.vn) Ngày 16/11/2024, tại Đà Lạt, Lễ trao giải Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (Vietnam Listed Company...
 
Vinpearl lọt top 3 thương hiệu mạnh nhất Đông Nam Á
(Tieudung.vn) Mới đây, Vinpearl được vinh danh top 3 thương hiệu mạnh nhất Đông Nam Á, số 1 Việt...
 
Phân bón Đầu Trâu đạt thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024
(Tieudung.vn) Tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9 năm 2024,...

Tin Doanh nghiệp

Đề xuất doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử phải nộp thuế
(Tieudung.vn) Sáng 22/11, thừa ủy quyền Thủ tướng, Phó thủ tướng Lê Thành Long trình dự thảo Luật Thuế...
 
Mỹ khởi xướng điều tra chống bán phá giá vỏ viên nhộng cứng nhập khẩu từ Việt Nam
(Tieudung.vn) Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương, ngày 13/11/2024, Bộ Thương mại...
 
Áp thuế suất GTGT 5%, giá phân bón có dư địa giảm
(Tieudung.vn) Làm rõ băn khoăn về lo ngại đưa phân bón chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5%...
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.69201 sec| 894.18 kb