Năng lực bán hàng tươi sống của Bách hóa Xanh là vô địch
Ông Trần Kinh Doanh – CEO Bách hóa Xanh
Các cửa hàng tiện lợi bán thực phẩm và hàng tiêu dùng đang hiện diện khắp nơi, độ phủ rộng, từ thành thị đến nông thôn. Những cái tên tham gia thị trường này nổi bật có Bách hóa Xanh, Co.op Food, Satra Food, VinMart+. Tuy nhiên, dạo một vòng người tiêu dùng dễ dàng nhận ra được khác biệt của chuỗi Bách hóa Xanh so với các tên tuổi khác.
Đó là một không gian mua sắm mát mẻ, hiện đại, đầy tiện ích, người tiêu dùng vào Bách hóa Xanh được chọn hàng thoải mái mà không bị đóng khung trong tủ, kệ như nhiều nơi khác. Trong khi đó, giá cả lại vừa túi tiền, chỉ như chi phí đi chợ mà thôi.
Để tạo ra sự khác biệt này, CEO Bách Hóa Xanh – ông Trần Kinh Doanh cho biết đó là một câu chuyện khá dài. Thời gian đầu, ông Doanh cũng từng loay hoay tìm hướng đi, nhìn sang các đối thủ khác để xem họ làm thế nào, bán bó rau, trái cây ra sao,.. Nhưng càng đi sâu, ông Doanh càng thấu hiểu và đã tìm được cho Bách hóa Xanh một hướng đi hoàn toàn khác biệt.
“Hẳn ai bước vào chuỗi Bách hóa Xanh cũng đều nhận thấy cửa hàng được bày trí mạch lạc, rõ ràng, tạo thuận tiện cho khách hàng mua sắm. Khu thực phẩm tươi sống được thiết kế nằm riêng biệt, đây chính là một tiện ích. Hiện doanh thu hàng tươi sống của Bách hóa Xanh đã chiếm 55% trên tổng doanh thu”, ông Doanh chia sẻ.
“Tôi có thể khẳng định, người tiêu dùng không thể tìm được chuỗi siêu thị bán hàng thực phẩm nào có sản lượng đóng góp hàng tươi sống được như Bách hóa Xanh. Nói cách khác, năng lực bán hàng tươi sống của Bách hóa Xanh là vô địch. Chưa kể, nhân viên tại Bách hóa Xanh đều rất hiếu khách, thân thiện với khách hàng nên ai vào mua sắm ở Bách hóa Xanh cũng đều có ấn tượng tốt”.
Theo ông Doanh, Bách hóa Xanh ngay từ đầu xác định tập trung vào những giá trị cốt lõi mà khách hàng cần và họ dồn sức chiến đấu cho mục tiêu này. Người tiêu dùng vào Bách hóa Xanh mua bó rau muống, thứ họ cầm về chắc chắn sẽ phải là một bó rau muống tươi rói, hay một miếng thịt, con cá cũng đều như vậy.
“Tôi cho rằng, phương pháp về cung ứng, mua hàng – đặc biệt là nhóm hàng tươi sống của hệ thống kênh mua hàng hiện đại, người ta đang ảo tưởng mình tạo ra giá trị nào đó cho khách hàng. Họ cứ nghĩ khách hàng cần và thêm cái này cái kia vô, chẳng hạn thêm cái nơ cho đẹp lên, cho bắt mắt hơn… Nhưng họ quên rằng khi họ thêm – thực chất đó không phải thứ khách hàng cần, trong khi nó lại làm cho giá thành sản phẩm bị đội lên.
Đó là lý do tại sao kênh bán hàng hiện đại đã xuất hiện hơn hai mươi năm nay mà người ta vẫn cứ thích đi chợ mua rau, thịt. Ở đây, cái mà người tiêu dùng cần là miếng thịt, con cá, bó rau, tất cả đều phải tươi ngon, giá phải tốt. Vậy thì đáp ứng đúng cái họ cần đi, thêm “râu ria” làm gì. Bách hóa Xanh đã, đang, sẽ làm thay đổi điều này”, ông Doanh nhấn mạnh.
Ông Doanh kỳ vọng, cuối 2022 doanh thu Bách hóa Xanh bằng cả Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh cộng lại.
Doanh thu cửa hàng chuẩn phải trên 2 tỷ đồng
Báo cáo kinh doanh tháng 6/2019, trong 40 cửa hàng hàng đầu của chuỗi Bách Hóa xanh, doanh thu cửa hàng đứng chót bảng đã đạt 2,9 tỉ đồng/tháng. Bách hóa Xanh hiện có 600 cửa hàng, được vận hành theo hai mô hình. Thứ nhất là cửa hàng mô hình chuẩn có diện tích từ 150 – 200 m2, trong đó bày bán 2200 chủng loại hàng hóa khô, riêng hàng tươi sống là 400 loại. Lớn hơn là mô hình 3 tỉ với diện tích từ 250 – 300m2, có khoảng từ 3200 – 3500 hàng hóa khô, còn hàng tươi sống trên 500 loại.
“Sau thời gian ngắn đi vào hoạt động, doanh thu mô hình 3 tỉ hiện dao động từ hơn 2 tỉ, cá biệt có nơi hơn 4,5 – 5 tỉ đồng/tháng, vượt kỳ vọng của chúng tôi. Mới đây, Bách hóa Xanh đưa vào hoạt động thử nghiệm mô hình bán thêm hàng gia dụng trong cửa hàng. TP.HCM có khoảng 4 – 5 cửa hàng như vậy, trước mắt là để thăm dò thị trường, phản ứng khách hàng. Nếu khách hàng thú vị với mô hình “2 trong 1” này, chúng tôi sẽ phát triển sâu rộng”, CEO Bách hóa Xanh cho biết.
Giai đoạn tháng 8/2018, doanh thu trung bình của cửa hàng Bách hóa Xanh vào khoảng trên 1,1 tỷ đồng/tháng. Hiện nay, con số này là khoảng 1,4 tỉ đồng. Bách hóa Xanh đã vượt qua ngưỡng hòa vốn tại cửa hàng. Hết tháng 6/2019, doanh thu của chuỗi đạt hơn 900 tỷ đồng/tháng.
Với mô hình siêu thị 2 trong 1 mới mở, Bách hóa Xanh kỳ vọng sẽ đạt mức doanh thu 7-8 tỷ/ tháng
Trong năm nay, chuỗi này dự kiến doanh thu sẽ là 11.000 – 12.000 tỷ, thậm chí có thể là 13.000 tỉ. Mục tiêu về tỷ trọng doanh thu của chuỗi so với tập đoàn sẽ tăng lên 10%. Tuy nhiên, CEO Bách hóa Xanh cho biết, trong ngành bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng còn cả chi phí cho trung tâm phân phối. Để vượt ngưỡng hòa vốn cho trung tâm phân phối thì phải vài tháng nữa, có thể trước tháng 12 năm nay.
“Để vận hành cửa hàng bán thực phẩm, chi phí rất nhiều và phức tạp. Như Thế Giới di Động, Điện máy Xanh, tivi bán không hết cũng đâu đem bỏ, điện thoại cũng đâu bị héo, úa trong khi miếng thịt, bó rau không tươi nữa sẽ phải bỏ đi. Do vậy, chúng tôi phải hết sức khoa học trong việc xử lý mọi chi phí bán hàng và làm sao để có lời cũng là một thách đố của ngành này. Hiện tỷ lệ hàng tươi sống bị hủy vì lý do như bán không được, ngày mai phải bỏ khoảng 2,5%-3% trên doanh thu. Chúng tôi có kế hoạch giảm tỷ lệ này còn 1,5%-2%”, ông Doanh cho biết.
Trong bối cảnh Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh đều đã chiếm vị trí số 1, Bách hoá Xanh được xác định là động lực phát triển chính của tập đoàn trong những năm tới. Trọng trách của ông Trần Kinh Doanh xem ra khá nặng nề. Thị trường hàng tiêu dùng hiện nay có quy mô 50 tỷ USD, trong đó Bách hoá Xanh đưa mục tiêu chiếm khoảng 10% thị phần, tức đạt 5 tỷ USD, trong các năm tới.
Kỳ vọng của CEO Bách hóa Xanh là khoảng 2 năm tiếp theo, mỗi cửa hàng chuẩn phải thu trên 2 tỷ đồng/tháng, còn cửa hàng lớn hoặc cửa hàng có bán đồ gia dụng thì không giới hạn, có cửa hàng có thể lên tới 7-8 tỷ đồng/tháng. Nghe con số có vẻ hơi điên rồ, nếu không muốn nói là chuyện cổ tích, nhưng ông Doanh cho biết ông và đội ngũ Bách hóa Xanh dần cảm được tương lai đó và chắc chắn sẽ đạt được.